Từ lâu người Do Thái được cả nhân loại biết đến là một “dân tộc thông minh nhất thế giới”. Chỉ với hơn 13 triệu dân nhưng dân tộc Do Thái đã sản sinh ra hơn 30% chủ nhân giải Nobel của toàn cầu. Nhiều người nổi tiếng trong các lĩnh vực khác nhau phần lớn đều là người Do Thái hoặc có gốc Do Thái, như tỷ phú Warrant Buffet, tỷ phú George Soros, tỷ phú Abramovich (người Nga gốc Do Thái), Albert Einstein…Vì sao người Do Thái có được thành tích đáng trân trọng đến vậy?
Ngày nay, câu hỏi ấy đã được các nhà khoa học, các chuyên gia về giáo dục đã giải thích rõ ràng và được cả thế giới thừa nhận: Bí quyết của người Do Thái nằm trong phương pháp giáo dục con. Và thực tế đã chứng minh rằng, người Do Thái có cách dạy con theo phương pháp riêng của họ. Bất kỳ bà mẹ nào trên thế giới cũng yêu con nhưng cách yêu con của các bà mẹ Do Thái lại rất khác biệt. Họ dành cho con “tình yêu đốm lửa” – tức là sự nhen nhóm, khích lệ chứ không phải chỉ là cảm giác an toàn, bao bọc.
Yêu thương con với người Do Thái là phải nhìn xa trông rộng, đem lại lợi ích suốt đời cho con, đào tạo đứa trẻ trở thành những người có bản lĩnh, thực sự mạnh mẽ trong đường đời và điều quan trọng hơn nữa là luôn luôn có niềm tin vào cuộc đời, niềm tin vào cuộc sống. Và câu chuyện dưới đây được trích trong cuốn sách “Người Do Thái dạy con” là một minh chứng:
Chuyện kể lại rằng, có một người diễn viên già đã về hưu và sống độc thân. Mùa hạ năm ấy, ông tìm về một làng vắng vẻ ở vùng núi để sống với gia đình người em của ông là giáo viên tiểu học trường làng. Hằng ngày, mỗi buổi chiều ông thường ra chơi nơi bãi cỏ vắng lặng ngoài thung lũng. Ở đây, chiều nào ông cũng thấy một chú bé ra ngồi đợi đoàn tàu chạy qua thung lũng, trước khi khuất sau những vách đá để tiếp tục hành trình đến nhà ga ở phía trên.
Ngày nào cũng vậy, chú bé hồi hộp đợi. Đoàn tàu phủ đầy bụi đường với những toa đông đúc hành khách như một thế giới khác lạ ầm ầm lướt qua thung lũng. Khi thấy đoàn tàu, cậu bé vụt đứng dậy với tinh thần vô cùng háo hức rồi đưa tay vẫy và chỉ mong có một hành khách nào đó vẫy lại chú. Nhưng tất cả hành khách đến đó đều đã mệt mỏi vì suốt một ngày trên đường nên chẳng một ai để ý vẫy lại chú bé không quen biết.
Hôm sau, rồi hôm sau, hôm sau nữa, hôm nào ông già cũng thấy chú bé ra vẫy và vẫn không một hành khách nào vẫy lại. Nhìn nét mặt thất vọng của chú bé, tim người diễn viên già như thắt lại và ông nghĩ: Không gì đau lòng bằng việc thấy một em bé thất vọng… phải làm việc gì đó đừng để trẻ con mất lòng tin ở đời sống, ở con người.
Và một ngày kia, người em thấy ông anh diễn viên giở chiếc vali hóa trang của ông ra. Ông dán lên mép một bộ râu giả, đeo kính và khoác trên người một chiếc áo veston cũ, rồi chống gậy đi. Ông đi nhờ chuyến xe ngựa của người trong làng để đến ga lên tàu và đi ngược lên ga trên. Ngồi sát cửa sổ toa tàu, ông thầm nghĩ: Đây là vai kịch cuối cùng của mình, cũng như nhiều lần nhà hát thường phân cho mình một vai phụ, một vai rất bình thường, một hành khách giữa bao hành khách đi tàu…
Tàu đi ngang qua thung lũng, người nghệ sĩ già nhìn ngang thấy cậu bé đang đứng giơ cả hai tay vẫy chào đoàn tàu. Ngay lúc đó, người diễn viên già nhoài người ra, vừa cười vừa đưa tay vẫy lại cậu bé. Ông thấy cậu bé mừng cuống quýt, nhảy cẫng lên và cậu bé đưa cả hai tay vừa vẫy vừa chạy theo hướng đoàn tàu. Và đến khi con tàu đi xa, người diễn viên già trào nước mắt và ông thể hiện rõ thái độ cảm động hơn bất cứ một đêm huy hoàng nào trong suốt những năm dài ông sống với nghề diễn viên ở nhà hát.
Lời bàn:
Cứ theo nội dung của mẩu chuyện trên, chắc chắn mọi người đều có chung một suy nghĩ rằng đây sẽ là vai diễn cuối cùng của người diễn viên già. Và mặc dù đó là một vai phụ, một vai diễn không hề có lời thoại, một vai không đáng kể, không đáng nhớ… nhưng đã làm cho cậu bé kia vui sướng, phấn khích. Bởi vì chính nhờ vai diễn ấy mà người nghệ sỹ già đã mang lại cho tâm hồn cậu bé một điều vô cùng lớn lao và đậm chất nhân văn. Đó là việc cậu bé đã lấy lại được niềm tin trong cuộc sống và có lẽ nhờ đó mà cậu bé sẽ không bao giờ mất lòng tin ở cuộc đời.
Thế mới hay rằng, trong cuộc sống đời thường đôi khi vì miếng cơm, manh áo hay vì lòng tham và thậm chí là dục vọng… mà chúng ta vô tình quên đi những việc nhỏ bé không đáng nhớ. Song chính những việc làm tưởng chừng như vô bổ ấy lại cực kỳ có ý nghĩa với cuộc đời. Vì thế, trong cuộc sống cũng như công việc của đời thường, mong rằng đừng có ai đó tiếc với nhau một hành động đẹp, mà hãy nở một nụ cười để mọi việc trôi qua nhẹ nhàng hơn, vui vẻ hơn. Vâng, một ngày nào đó, khi tâm hồn tĩnh lặng, chúng ta sẽ bất chợt nhận ra rằng tình yêu, niềm hạnh phúc trong cuộc đời này chính là những nụ cười… và giá như trong chúng ta lúc nào cũng cười khi gặp nhau thì cuộc đời này sẽ đẹp biết mấy!?
Theo Tapchivanhoc.com