Liệt sĩ, chiến sĩ Nghĩa hội Lê Ngọc Cung sinh năm 1842. Ông có tên chữ là Vĩnh Huy, tục danh là Bang Tuyến, Tán Hai (chức danh thời Nghĩa hội), sau ông lấy tên tự làm tên chính. Ông là con trai thứ của phó bảng Lê Vĩnh Khanh, quê làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang thượng, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ (nay là xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam). Mặc dù xuất thân trong gia đình Nho học, tuổi trẻ học giỏi nhưng nhiều lần lều chõng ông chỉ đậu tú tài.
Năm 1885, phong trào Nghĩa hội phát động ở Quảng Nam dưới quyền lãnh đạo của Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu, ông giữ chức Bang tá rồi Tán lý quân vụ thuộc Nghĩa hội Quảng Nam. Năm 1886, sau khi Nguyễn Duy Hiệu dời bản doanh và bộ Tham mưu đến Nà Lầu (nay thuộc thôn 10, xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước), Lê Vĩnh Huy trực tiếp chỉ huy một cánh quân chính để bảo vệ bản doanh. Quân triều đình nhiều lần bao vây, đánh phá khu vực này, ông dũng cảm chỉ huy, chiến đấu góp phần tạo nên chiến thắng tại các trận Nà Lầu, Suối Đá, Dốc Miếu (thuộc huyện Tiên Phước).
Tháng 2-1886, ông cùng Hồ Học đem một cánh quân lớn, hợp đồng với các cánh quân của Phan Bá Phiến từ Nam Hà Đông (Tam Kỳ) tiến ra đánh tỉnh Quảng Nam tại Vĩnh Điện (nay thuộc huyện Điện Bàn). Sau đó, quân triều đình phản công, nghĩa quân phải rút về căn cứ ở Quế Sơn, Tiên Phước, Trà Mi… Tháng 7-1887, bản doanh Nghĩa hội bị bao vây, địch tấn công nhiều mặt, Phan Bá Phiến, Nguyễn Duy Hiệu lần lượt hy sinh. Phong trào Nghĩa hội đi vào thoái trào, một số bị bắt, còn phần lớn lui về mai danh ẩn tích tại quê nhà, trong đó có ông. Một thời gian sau, ông được bầu làm Chánh tổng Tiên Giang, ông vui vẻ nhận chức để dễ bề hoạt động yêu nước.
Từ năm 1902-1908, ông là một trong các nhân vật ngấm ngầm tán trợ cho phong trào Duy Tân, nhất là đứng ra tổ chức phong trào Đông Du tại Quảng Nam (cùng với Nguyễn Thành). Theo sự phân công của tổ chức Duy Tân hội (thuộc phong trào Đông Du), ông là người phụ trách việc vận động và đưa thanh niên sang du học ở Nhật Bản. Chính ông đã hiến nửa gia tài của mình cho phong trào. Em trai ông là Lê Quý Liên và 2 con ông là Lê Triêm, Lê Duyện và cháu là Lê Tiễn đều xuất dương học tại Nhật. Trong khi đó, ông vẫn là một trong các nhân vật do thực hành cải cách theo chủ trương của phong trào Duy Tân giúp cho sinh hoạt xã hội ở Tiên Phước lúc ấy rất khởi sắc.
Các con trai ông là Lê Triêm (Lê Ngọc Cẩn), Lê Duyện (Lê Toản), cháu Lê Tiễn (Lục Hợp) là những cánh tay đắc lực của phong trào Duy Tân, sau đều là nạn nhân của chính phủ Nam triều và hy sinh vì nước trong 2 chính biến lớn: Phong trào Duy Tân năm 1908 và cuộc khởi nghĩa vua Duy Tân năm 1916. Năm 1908, ông bị Nam triều truy tố, lùng bắt nhưng ông trốn thoát, các con trai bị bắt giam tại nhà lao Hội An. Năm 1916, ông lại có mặt trong cuộc khởi nghĩa do Trần Cao Vân và Thái Phiên chủ xướng.
Trong cuộc khởi nghĩa này, tại Tiên Phước, Tam Kỳ, ông cùng Thẩm Tùng Vân (Hoa kiều) Út Pen, Phạm Hoanh, Trần Chương, Trần Cang, Lương Đình Thực (1871…), Nguyễn Nên, Trần Chu, Đỗ Đăng Cảnh ở Tam Kỳ… phụ trách việc đánh chiếm Tòa Đại lý và phủ đường. Trong khi đó ở Huế, cuộc khởi nghĩa bị lộ; vua Duy Tân, Trần Cao Vân, Thái Phiên cùng bộ tham mưu phải rời bỏ kinh thành.
Riêng tại phủ Tam Kỳ, lực lượng nghĩa quân ngay trong đêm mồng ba rạng 4-5-1916 vì không có mật lệnh như đã hẹn trước, nhưng lòng dân sôi sục căm thù, ông và các đồng chí huy động dân chúng đến vây đồn Đại lý Tam Kỳ và phủ đường bắt Tri phủ Tạ Thúc Xuyên trói lại nhưng đến sáng 4-5 các đội lính lê dương súng đạn tề chỉnh ồ ạt trấn áp lực lượng khởi nghĩa. Nghĩa quân và dân chúng đều phải rút lui.
Sau đó, Pháp đàn áp khủng bố trắng, chúng bủa vây truy bắt các nhà lãnh đạo và người chỉ huy, trong đó có ông và các con trai ông (Lê Triêm, Lê Duyện). Tất cả đều bị xử trượng, khổ sai, kẻ lưu đày Côn Lôn, Lao Bảo… Riêng ông bị giam tại nhà lao Hội An mà mất trong năm này. Tại Tiên Phước, gia đình ông Lê Vĩnh Khanh – Lê Vĩnh Huy là một trong vài gia đình đã bỏ cả tài sản, xương máu vào công cuộc giành độc lập cho Tổ quốc nói chung và Quảng Nam nói riêng.
Lời bàn:
Huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam là vùng đất giàu truyền thống văn hiến, tự cường, yêu nước, cách mạng và những giá trị văn hóa, bản sắc riêng có. Đây cũng là nơi sinh thành, tôi luyện nhiều bậc hiền tài, danh nhân, nhà yêu nước lỗi lạc, nhiều chiến sĩ cách mạng kiên trung, bất khuất và nhiều tấm gương anh hùng trong chiến đấu bảo vệ quê hương… Trong số đó có chí sĩ Lê Vĩnh Huy. Tuy sinh ra và lớn lên trong một gia đình danh gia vọng tộc, song ông là người không màng công danh, một mực yêu nước thương dân, chỉ mưu cầu độc lập, dân quyền.
Không những thế, ông còn là người muốn thoát khỏi sự ràng buộc khắt khe của luật lệ phong kiến đã lỗi thời, muốn cho nhân dân no ấm, thoát khỏi sưu cao, thuế nặng của chế độ phong kiến đương thời. Chính những truyền thống vẻ vang ấy của vùng đất địa linh nhân kiệt Tiên Phước đã và đang là hành trang, nền tảng vững chắc, động lực to lớn cho hậu thế trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo Tapchivanhoc.com