Người tiên phong

Theo sách “Danh nhân đất Quảng”, trước thực trạng nông dân bị thực dân phong kiến bóc lột, sưu cao thuế nặng, không có ruộng cày phải đi làm thuê, Lê Cơ (sinh năm 1859 tại làng Phú Lâm, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình; nay là xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam), đã nghĩ ra phương cách sản xuất tập thể với tên gọi nông đoàn, hợp xã do một ban trị sự quản lý, điều hành sản xuất. Nông đoàn ban đầu canh tác số ruộng vườn do Lê Cơ và một số người tích cực trong làng hiến, sau đó nông dân tiếp tục vỡ hoang phát triển thành những khu vườn rộng lớn trồng cây lâu niên và cây ăn quả.

Mô hình hoạt động của hợp xã cũng giống như nông đoàn bao gồm các đám ruộng do dân tự nguyện hiến, ruộng công hoặc ruộng đổi, ruộng mua tập hợp thành một quỹ đất để dân nghèo cày cấy chung. Hoa lợi của nông đoàn, hợp xã được đem bán lấy tiền mua sắm nông cụ, chi tiêu việc công ích, chi cho nông dân tính theo công người, công trâu. Đối với những người tàn tật, già yếu và thợ thủ công cũng được chia một phần. Số lợi tức còn lại đem bán lấy tiền nộp thuế, ủng hộ việc xuất dương du học và nuôi cơm thầy giáo dạy học, mua giấy mực cấp cho học sinh nghèo, đón tiếp các nhân sĩ yêu nước khi đến Phú Lâm trao đổi, nghiên cứu, học tập công cuộc cải cách. Ngoài ra, để khuếch trương công nghệ, ông thành lập lò rèn, lò gạch, lò gốm, xưởng mộc trong làng sản xuất phục vụ nhân dân và trao đổi buôn bán với bên ngoài.

Xem thêm:  Vị vua ham học

Thời kỳ này, Phú Lâm thực sự trở thành trung tâm điểm thực hành cải cách ở Việt Nam. Làng Phú Lâm như một đơn vị kinh tế độc lập, phát triển mạnh sản xuất, kinh doanh buôn bán, nghề thủ công và trình độ dân trí, dân quyền được nâng lên rất nhiều so với trước. Làng Phú Lâm như là một đơn vị hành chính riêng lẻ không bị phụ thuộc chính quyền thực dân phong kiến. Mọi công việc trong làng đều do Lê Cơ và những sĩ phu yêu nước điều hành hoạt động; người dân thực sự sống trong xã hội dân chủ, no ấm và hạnh phúc.

Mặc dù việc làm cải cách trong làng theo chủ thuyết Duy Tân, nhưng tư tưởng của Lê Cơ vẫn âm thầm chuẩn bị cho bạo động. Để bảo vệ làng xã và tránh sự can thiệp của thực dân phong kiến, Lê Cơ cho dân làng cắm biển yết thị giờ giấc ra vào tại các cổng ngõ, dựng điếm canh bên trong đặt cùm sắt để răn đe kẻ phi pháp. Ông thành lập một đội tuần đinh lấy tên là Đoàn Kiết, chia thành nhiều tổ, mỗi tổ 10 người để tuần phòng làng xã vào ban đêm. Lúc rảnh rỗi, ông còn đến thăm công việc sản xuất, việc ăn ở vệ sinh theo đời sống mới, việc luyện tập võ nghệ, quân sự của các gia đình trong làng.

Công việc cải cách tại làng Phú Lâm đang tiến triển thì một số kẻ ganh ghét báo với thực dân Pháp rằng ông mưu đồ chống chính phủ bảo hộ. Tri phủ Lê Bá Đằng đến Phú Lâm định thu giấy phép mở trường học, nhưng Lê Cơ phản đối quyết liệt, kiện ra tòa công sứ Pháp tại Hội An. Tại tòa sứ, trước lý lẽ thuyết phục của Lê Cơ về dân sinh, dân quyền, mở mang dân trí cho nhân dân, Công sứ Charles và Tổng đốc Nguyễn Hữu Thảng buộc phải cho phép ông tiếp tục thực hiện công việc. Từ đó, phong trào cải cách ở Phú Lâm phát triển mạnh, trong nước đều nghe tiếng, các nhà yêu nước ở Nghệ An đến tìm hiểu, nhân rộng phong trào. Từ mô hình trường tân học và công cuộc cải cách ở Phú Lâm, các nơi đã lần lượt cho ra đời nhiều trường tân học (Quảng Nam có 40 trường tân học, sau đó là trường Dục Thanh, Phan Thiết thành lập năm 1906; trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Nghệ An thành lập năm 1907).

Xem thêm:  Ước nguyện không thành

Trước tình hình phát triển của trường tân học và công cuộc cải cách thực nghiệp ở Phú Lâm cùng các nơi khác trong nước, thực dân Pháp lo sợ và bắt đầu chú ý đề phòng. Tháng 2-1906, Pháp tiến hành đắp đường 60km từ Hà Lam lên Việt An, ngang qua làng Phú Lâm, qua Eo Gió, vòng xuống Cẩm Khê – Tam Kỳ để phòng bị việc bạo động của Lê Cơ và quần chúng.

Lời bàn:

Theo nội dung của giai thoại, công cuộc duy tân, cải cách của Lê Cơ ở Phú Lâm đã thể hiện tài năng và tầm nhìn vượt trội của một người xã trưởng tài ba, lỗi lạc. Từ việc phát triển giáo dục đến mở mang kinh tế, đều rất mới mẻ, tiến bộ, rất cách mạng. Tuy những hoạt động đó tiến hành cách đây 100 năm nhưng nhìn lại ta vẫn thấy rất gần gũi với những chủ trương, chính sách mà chúng ta đang thực hiện hôm nay như: xã hội hóa giáo dục, cải tiến phương pháp dạy và học, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng làng văn hóa…

Ở những năm đầu của thế kỷ XX và giữa chốn núi rừng trùng trùng, điệp điệp, giao thông cách trở là vậy, nhưng Lê Cơ đã dựng lên được một làng Duy Tân điển hình làm ngọn hải đăng dẫn đường cho cả nước soi chung. Những thành tích đạt được ở Phú Lâm chứng tỏ ông là nhà thực hành xuất sắc của phong trào Duy Tân. Mặc dù thời gian hoạt động không dài nhưng sự nghiệp duy tân, cải cách của ông đã một thời vang dội, để lại ấn tượng khó phai. Tài tổ chức tuyệt vời, nhân cách cao đẹp của ông đến nay vẫn là những bài học quý cho hậu thế trên con đường phát triển và hội nhập.

Xem thêm:  Loạt stt thả thính bá đạo cưa đổ crush, thoát ế ngay và luôn

Theo Tapchivanhoc.com

Check Also

anh tuong1 1711201815 310x165 - Đại công thần

Đại công thần

Lê Sát là một trong những đại công thần khai quốc của triều đình nhà …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *