Đội quân “cái bang”

Theo sử cũ còn lưu truyền đến ngày nay, vua Lê Lợi từng phong chức quan to cho một người xin ăn. Đó là Phạm Ngũ Thư, quê ở làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, lộ Hải Đông (nay thuộc xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên), ông là cháu 3 đời của danh tướng Phạm Ngũ Lão. Xuất thân trong gia đình gia thế nhưng Phạm Ngũ Thư sớm mồ côi. Trước khi mất, thân phụ của ông đã gửi gắm người bạn đồng liêu là quan Thái bảo Trần Nguyên Hãng chăm sóc, dạy bảo, nâng đỡ con mình. Được sự ủy thác của bạn, quan Thái bảo đã dành nhiều quan tâm đến Phạm Ngũ Thư, nhờ vậy khi mới vừa tròn 20 tuổi ông đã đỗ kỳ thi hội.

Làm quan tận tụy, chăm lo giúp dân an cư lạc nghiệp nên mấy năm sau Phạm Ngũ Thư được thăng chức Chánh an phủ sứ trấn Thiên Hưng (nay là địa phận một số tỉnh Tây Bắc như: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La…). Khi Hồ Quý Ly thao túng triều chính, càng ngày càng lộng quyền, đến năm 1399 thì bức tử vua Trần Thuận Tông, bộc lộ rõ hơn ý đồ chiếm đoạt ngôi báu khiến nhiều quần thần tức giận. Lúc đó, quan Thái bảo Trần Nguyên Hãng hợp mưu với tướng Trần Khát Chân và một số vương hầu nhà Trần mưu sát Hồ Quý Ly trong hội thề ở núi Đốn Sơn (nay thuộc xã Cao Mật, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) nhưng sự việc bị bại lộ, hơn 370 người liên quan bị Hồ Quý Ly giết, vợ con bị đi đày, gia sản bị tịch thu.

Tuy không dự mưu vào vụ này nhưng vì có quan hệ gần gũi với Trần Nguyên Hãng nên Phạm Ngũ Thư biết không thể tránh khỏi sự nghi ngờ của Hồ Quý Ly, phần vì tránh họa, phần vì chán ngán chốn quan trường với cảnh tranh giành quyền lực, danh lợi; sau nhiều đêm suy nghĩ ông quyết định từ quan với lý do bị bệnh. Sau khi được chấp thuận, Phạm Ngũ Thư giấu hẳn tung tích, bí mật tìm lên Yên Tử, đến chùa Vân Yên xin yết kiến Vô Trước quốc sư rồi thuật rõ chuyện mình, thỉnh cầu xuất gia tu Phật và được đặt pháp danh là Trí Lâm.

Xem thêm:  Chết vì được làm vua

Dù sống nơi cửa thiền nhưng tình hình xã hội khi đó đã tác động nhiều đến tâm trí Phạm Ngũ Thư. Bấy giờ Hồ Quý Ly đã cướp ngôi nhà Trần làm vua được 1 năm thì nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương. Nhà Minh âm mưu chiếm nước ta bèn mượn cớ “phù Trần diệt Hồ” kéo sang xâm lược. Nhà Hồ bị lật đổ, dân chúng rơi vào ách đô hộ tàn bạo của ngoại bang phương Bắc. Một lần nữa Phạm Ngũ Thư lại trăn trở nghĩ suy, cuối cùng ông hoàn tục xuống núi để tìm cách cứu đời với mong muốn làm tròn nghĩa vụ của người trai thời loạn.

Trở về quê hương, do thúc ép của người thân, Phạm Ngũ Thư cưới vợ sinh được 3 người con. Trong thời gian đó, ông tích cực tham gia lực lượng kháng chiến chống quân Minh của nhà Hậu Trần do Giản Định đế (Trần Ngỗi) rồi Trùng Quang đế (Trần Quý Khoáng) lãnh đạo. Mấy năm sau, nhà Hậu Trần bị diệt khi cả 2 vua đều tuẫn tiết vì nước do không kháng cự nổi sự đàn áp của giặc Minh. Phạm Ngũ Thư nghe tin Lê Lợi ở đất Lam Sơn dấy nghĩa bèn tìm vào Thanh Hóa xin đầu quân, cùng nếm trải gian lao, khó nhọc với nghĩa binh hơn 10 năm. Để thăm dò sự điều động binh lực cũng như nắm tình hình của giặc, Phạm Ngũ Thư đề nghị và được Bình Định Vương Lê Lợi chấp thuận cho thiết lập “hệ thống tình báo” với nhiều đối tượng cài vào hàng ngũ ngụy quan, ngụy quân cũng như trong xã hội dưới các vai nhà buôn, học trò…

Xem thêm:  Giải thích câu tục ngữ “Gọi dạ bảo vâng”

Là người trực tiếp điều hành mạng lưới thu thập thông tin, Phạm Ngũ Thư đã cải trang thành người xin ăn để đi lại khắp nơi mà giặc chẳng nghi ngờ. Cũng nhờ đó mà ông nhận thấy lợi thế của những người hành khất vì càng dơ dáy, cùi hủi, ghẻ lở lại càng được việc. Họ có thể “một gậy, một bị khắp nơi tung hoành”, “liều mạng cùi” xông bừa vào chỗ đóng quân, kho lương của địch để quan sát và la cà khắp nơi để chuyển tin nhanh chóng mà an toàn. Từ đó, Phạm Ngũ Thư đã tạo dựng thêm nhiều “tai mắt” trong giới cái bang. “Hệ thống tình báo” này hoạt động đắc lực, góp phần quan trọng vào thắng lợi của nghĩa quân Lam Sơn, quét sạch giặc Minh ra khỏi bờ cõi, giành lại nền độc lập.

Lời bàn:

Theo sử cũ còn lưu truyền đến ngày nay, sau khi quét sạch giặc Minh ra khỏi bờ cõi, giành lại nền độc lập, Lê Lợi lên ngôi vua và ban thưởng rất hậu cho Phạm Ngũ Thư, đồng thời đề bạt ông làm quan. Nhưng ông đã viện cớ tàn tật để nhận 200 mẫu ruộng và xin về quê sinh sống. Toàn bộ số ruộng nhận được ông đều trao cho dân nghèo cày cấy. Nghĩ đến cảnh nhiều người còn khổ cực, Phạm Ngũ Thư nói với vợ rằng: “Thời lang thang lo việc nước, ta đã chung sống với giới ăn xin, cảm thông được nỗi đau thương chua xót vô biên của những con người khốn khổ bị xã hội khinh khi ruồng rẫy. Ta hằng phát nguyện sẽ chia sẻ, cứu giúp xoa dịu thương đau cho họ”.

Xem thêm:  Chuyện về Lê Văn Hưu

Ông dặn vợ con làm nhiều hơn nữa việc thiện, phát tâm giúp đỡ kẻ khó, rồi ông ra đi. Tay chống gậy trúc, áo quần rách rưới, xin ăn sống qua ngày nay đây mai đó, để hiểu nỗi đau thương mà san sẻ, an ủi với người cùng cảnh ngộ, lựa lời nhắc nhở họ về lý nghiệp báo, khuyên họ xả bỏ thù hằn, nghi kỵ, chán nản mà khơi nguồn cho niềm lạc quan và tình người tuôn chảy. Thật đáng kính thay! Tiếc rằng, “cái bang” thời này phần lớn là giả tật nguyền để đánh động vào lòng trắc ẩn của người khác. Họ có rất nhiều thủ thuật dùng “khổ nhục kế” và càng tỏ ra khổ sở, rách rưới thì càng đáng thương, dễ được cho tiền. Thậm chí, có kẻ coi xin ăn là một nghề và coi sự tàn tật là “cái trời cho”. Thật đáng buồn thay!

Theo Tapchivanhoc.com

Check Also

nu sinh dac lak951610 310x165 - Đại công thần

Đại công thần

Lê Sát là một trong những đại công thần khai quốc của triều đình nhà …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *