Trong trái tim mỗi người ở lại vẫn luôn lưu giữ hình ảnh và tình yêu dành cho những ai đã ra đi. Chính vì thế, người Việt Nam nói riêng và người phương Đông duy tâm nói chung thường rất chăm chút đến mộ phần của những người đã khuất. Đó không chỉ thể hiện tình cảm thiêng liêng của những con người ở hai thế giới khác nhau mà còn là một đạo lí tốt đẹp của dân tộc “ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. “Uống nước nhớ nguồn”, luôn hướng về nguồn cội, tổ tiên của mình. Hẳn ai cũng một lần được theo cha, theo mẹ đi thăm mộ người thân đã khuất. Trong bài viết này các bạn cần xác định được thời gian, không gian, địa điểm, đối tuwojng của câu chuyện được kể là ai và bộc lộ được suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc của bản thân trước sự việc được kể. Dưới đây là hai bài làm mẫu hi vọng có thể giúp đỡ các bạn trong quá trình học tập.
BÀI VĂN MẪU SỐ 1 KỂ VỀ BUỔI ĐI THĂM MỘ NGƯỜI THÂN DỊP LỄ TẾT
Vào ngày Thanh minh sau tết Nguyên Đán, em được đi tảo mộ Tổ tiên cùng với bố mẹ.
Tiết trời thanh minh thật là đẹp. Bầu trời trong xanh và sáng. Những cơn gió mùa xuân se se lạnh hiu hiu thổi. Thức dậy với một itnh thần khoan khoái, em nhanh chóng thay quần áo rồi giúp mẹ chuẩn bị đồ đạc đi thăm phần mộ Tổ tiên.
Con đường làng hôm nay thật vui nhộn biết bao nhiêu! Người người, nhà nhà náo nức đi sửa lại phần mộ của ông cha mình. Không biết tự bao giờ, tảo mộ vào tiết Thanh minh đã trở thành một trong những phong tục đẹp đẽ của con người và Văn hóc Việt Nam. Người Việt Nam cũng như các nước Á Đông khác quan niệm về sự tồn tại của những người đã khuất ở một thế giới khác. Bởi vậy, thăm viếng mộ phần những người đã khuất không chỉ thể hiện tấm lòng của những người còn đang sống mà còn là một trong những đức tin của người Việt.
Theo chân bố mẹ đi đến khu nghĩa trang của xóm, lòng em bỗng dấy lên những xúc động nghẹn ngào và một niềm tôn kính thiêng liêng khó nói thành lời. Hôm nay, gia đình em sẽ đi thăm phần mộ của ông nội.
Đến nơi, bố em bắt tay ngay vào công việc dọn dẹp và sửa sang lại “ngôi nhà” của ông. Mẹ và em cũng giúp bố một tay. Trong khi bố quét tước lái phần một, sửa sang lại lưu hương thì em và mẹ dọn dẹp xung quanh ngôi mộ. Mẹ tỉa lại cây bóng mát ở phần cổng vào, còn em thì nhặt cỏ dại ở hai hàng cây hai bên mộ. Ngày còn nhỏ, em từng hỏi mẹ tại sao lại trồng nhiều cây xanh ở phần mộ của ông thế, mẹ dịu dàng nhìn em mà kể rằng vì lúc còn sống, ông nội em yêu cây lắm. Hằng ngày, ông làm bạn với cây cối và chim muông. Có lẽ bởi thế mà khu vườn nhỏ trước sân nhà bao giờ cũng như một khu vườn trong những câu chuyện thần tiên, lung linh rục rỡ với mọi loại cây loại hoa xinh đẹp nhất. Rồi mẹ bảo hơn thế là có cây bóng mát ở đây, những ngày hè oi bức ông sẽ được che mát dưới bóng dâm ấy.
Ngôi mộ của ông được xây dựng cũng khá lâu rồi. Từ ngày còn tấm bé, ông đã đi xa. So với những ngôi mộ xung quanh mới được dựng lên, phần mộ của ông thật giản dị mà rất đỗi thiêng liêng. Đã có lần em nghe bố và bà nói chuyện về việc tu sửa lại phần mộ cho ông, bố nói sẽ xây dựng lại một ngôi mộ khác to lớn hơn, như những ngôi mộ mới được dựng lên xung quanh. Nhưng bà nội bảo trước lúc nhắm mắt xuôi tay, ông đã căn dặn bà về những việc hậu sự. Tính ông vốn yêu những nét đẹp giản dị, không khoa trương, tốn kém. Vậy nên bố đã thực hiện di nguyện cuối cùng ấy của ông và cố công giữ gìn phần mộ ấy. Những năm tháng qua đi, màu thời gian làm bạc màu của vôi vữa, chính tay bố sơn lại từng lớp ve, dọn dẹp cho ngôi mộ luôn khanh trang, sạch sẽ. Không phải chỉ vào tiết thanh minh bố và mẹ mới ra thăm viếng phần mộ của ông nội mà mỗi cuối tuần bố đều đi thăm mộ, có đôi khi sẽ dẫn em đi theo cùng. Bà nội thường vuốt ve tóc cái Chi, em gái em mà bảo rằng:” Phần mộ tổ tiên là nơi thể hiện tấm lòng của con cháu với người đã đi xa. Người con sống luôn một lòng hướng về người đã khuất thì phần mộ sẽ thường xuyên được chăm lo. Người sống vô tình thì phần mộ cỏ mọc um tùm, người đã khuất ắt sẽ rất đau lòng. Bà chỉ mong sau này thằng Hưng với cái Chi đừng để phần mộ Tổ tiên xanh cỏ mới nhớ tới ông bà!”
Thời gian vô tình biết bao! Mới ngày nào em còn là thằng bé tinh nghịch chạy náo loạn khắp vườn làm cho ông tốn không biết bao nhiêu công sức để tu sửa. Vẫn còn nhớ ngày đầu tiên đi học, ngồi trên chiếc xe đạp cũ, sau lưng áo ướt đẫm mồ hôi của ông như vừa mới đây thôi, mà nay ông đã đi xa mãi mãi. Đứng trước di ảnh của ông, cổ họng như chợt nghẹ ứ lại, nỗi nhớ thương ông nội lại dấy lên trong em. Nụ cười hiền từ của ông, đôi mắt xa xăm cùng với vầng trán rộng! Những đứa con gái thường lớn lên qua những câu chuyện của bà thì em lớn lên qua những câu chuyện về thời trai trẻ của ông. Ông nội là một cựu chiến binh, khi xưa tham gia đánh Mỹ cứu nước. Những câu chuyện về một thời bom đạn khói lửa, với những xe tăng, những máy bay địch, những lự đạn, những súng trường,… suốt một thời thơ ấu đã chiếm trọn vẹn tâm trí em. Một thời trai trẻ dũng cảm mà phong lưu, nhiệt huyết và gan dạ, đi nhiều và nếm trải nhiều điều, thậm chí nhiều lần đối mặt với cái chết, với Tử Thần,… theo năm tháng kết tinh thành một con người trải đời và giàu tình yêu thương trong nội em. Qua những câu chuyện của ông, em luôn mơ ước sau này lớn lên sẽ trở thành một anh quân nhân, góp phần bảo vệ và dựng xây quê hương đất nước, bảo vệ nên độc lập mà lớp lớp cha ông đã ngã xuống để quyết giữ gìn. Mỗi lần nghe em nói về ước mơ ấy, ông lại cười vui vẻ, rồi ra dáng một chú bộ đội, đứng nghiêm chào, tay để trước trán như những người đồng chí đang làm quen làm em vô cùng thích thú…
Mọi kỉ niệm như dòng sông ngược dòng về xuôi trong trí óc em. “ Ông ơi! Cháu trai của ông giờ đã khôn lớn rồi! Cháu hứa sẽ cố gắng chăm chỉ học tập và rèn luyện để thực hiện ước mơ khi xưa cháu thường hay nói và để trở thành một người con ngoan, một người cháu hiếu thảo với bà và cha mẹ, một người anh tốt cho em gái và để ông có thể tự hào về đứa cháu này!”. Em đứng lặng hồi lâu trước di ảnh của ông, những lời nói với ông cũng như tự hứa với lòng mình trước khi tạm biệt ông để về nhà.
BÀI VĂN MẪU SỐ 2 KỂ VỀ MỘT BUỔI ĐI THĂM MỘ NGƯỜI THÂN DỊP LỄ TẾT ĐÁNG NHỚ
“Ò…ó…o” – Tiếng chú gà trống vang lên khiến tôi choàng tỉnh dậy sau giấc ngủ dài. Hôm nay đã là 30 Tết, cái nắng ấm áp của mùa xuân dường như đã len lỏi vào từng ngõ ngách, đem theo hương vị của một cái Tết đang gần kề. Mọi người đang tất bật chuẩn bị để cả gia đình có một cái Tết sung túc và đủ đầy nhất, Nhớ ngày tết năm xưa khi tôi còn thơ bé, ông nội là người đã ân cần giảng giải cho tôi về ngày Tết cổ truyền, truyền cho tôi tình yêu với ngày lễ của dân tộc. Thấm thoát cũng đã gần 10 năm qua đi tôi không còn được sà vào vòng tay ấm áp của ông…. Đang mơ màng trong những suy nghĩ vẩn vơ, chợt giọng nói của bố tôi vang lên:
– Nam, con vào chuẩn bị để bố con ta đến đến đón ông về ăn Tết.
Tôi nhanh nhảu đón lấy phần lễ mẹ tôi đã chuẩn bị, theo bước chân bố và các bác đến thăm viếng phần mộ của tổ tiên. Nơi ông tôi yên nghỉ nằm ngay giữa cánh đồng quê bát ngát, khoáng đạt. Đó là cánh đồng quê đã nuôi ông tôi lớn lên, cũng là nơi dang rộng vòng tay đón lấy ông tôi khi từ giã cõi đời. Trời hôm nay thật đẹp. Nắng nhẹ nhảy nhót trên từng vòm cây tán lá, gió mơn man thổi làm rung rinh những ngọn cỏ xanh mướt trên lối tôi đi. Không khí của mùa xuân như đã bao trùm lên không gian đất trời, như thôi thúc lòng người hãy tận hưởng những phút giây ngọt ngào mà mùa xuân mang tới. Bên vệ đường, những vạt cỏ còn ướt sương đêm cứ mơn mởn như đang phô hết sức sống xuân thì của mình trước ánh nắng hồng ban mai. Trên đường đi, từng tốp người cùng đi tảo mộ, bước chân mọi người dường như đang rảo bước nhanh hơn. Tôi vừa muốn đi nhanh để còn thăm ông, nhưng bước chân cũng vừa nặng trĩu vì bước vào nghĩa trang này giống như tôi đang phải đói diện với một thực tế là ông đã rời xa tôi mãi mãi…
Mộ ông tôi nằm giữa những phần mộ của tổ tiên, đã xanh mướt màu cỏ biếc vì thời gian cũng đã dài. Tôi cùng bố nhanh chóng quét tước sạch sẽ, nhặt nhạnh từng chiếc lá, từng cọng rơm trên mộ phần của ông. Với lấy chiếc làn trên tay tôi, bố sắp lễ, thắp nhang rồi đưa cho tôi một nén nhang thơm để thắp hương cho ông. Mắt tôi bỗng nhòe đi, dòng nước mắt nóng hổi vô tình rơi trên má tôi… Vậy là cũng gần 10 năm rồi ông nhỉ, từ hồi con còn là một đứa bé nghịch ngợm không hay nghe lời, ông đã ở bên con và dạy con khôn lớn, cho dù có những lúc con bướng bỉnh vô cùng khiến ông không vui. Ông ơi, bây giờ con đã lớn khôn hơn rồi, đã biết suy nghĩ cho người khác nhiều hơn, thì ông lại chẳng còn bên con nữa…Ngồi bên mộ ông đợi bố đi thắp hương cho các ngôi mộ còn lại, những kí ức tuổi thơ bỗng lại ùa về đầy ăm ắp trong tâm trí tôi. Nhớ thuở còn thơ dại ấy, ông đã cõng tôi đi bắt ve sầu mỗi dịp hè về, ông dỗ dành tôi khi tôi chạy nhanh mà vấp ngã, ông đã ru tôi ngủ yên trong giấc ngủ trẻ thơ. Tuổi thơ tôi gắn bó với ông nhiều quá, vậy mà khi ông mất tôi lại ngây ngô chẳng biết gì, cứ đòi bố mẹ phải mang ông về bằng được cho tôi… Bây giờ khi đã trưởng thành hơn, tôi đang ngồi cạnh ông, và ước gì, giá như mình có thể chăm sóc ông như cách mà ông đã yêu thương tôi ngày còn bé dại…
Đang chìm trong những suy ngẫm vu vơ, bố chợt tiến lại gần và ngồi cạnh tôi, gương mặt bố toát lên sự xúc động nghẹn ngào. Chắc hẳn bố cũng như tôi, đang rất nhớ ông nhưng vẫn phải kìm nén những giọt nước mắt. Bố kể ngày xưa nhà mình nghèo lắm, ông bà phải làm lụng vất vả vô cùng để cho lũ con khỏi đói, nhưng chưa bao giờ ông cất tiếng thở than. Ông dạy bố tôi rằng dù nghèo nhưng phải “Đói cho sạch, rách cho thơm”, nhà mình nghèo vật chất nhưng giàu tấm lòng thơm thảo… Ông lúc nào cũng thế, lúc nào cũng muốn dạy cho con cháu những điều đẹp đẽ nhất.
Bầu trời lắc rắc vài giọt mưa bay. Bố cùng tôi cầm xấp tờ tiền giấy vàng để hóa, những tàn lửa đóm theo gió bay vụt lên cao, chơi vơi trong không trung ảm đạm một màu buồn buồn. Tôi phải chấp nhận một sự thật là ông đã đi rồi, đã rời xa tôi mãi mãi. Quay lưng bước đi trên con đường trở về nhà, dường như tôi đang mong chờ một phép màu có thể khiến ông tôi quay trở lại, để tôi lại được trở về như tôi ngày xưa, vô ưu, vô lo, mang theo cả tiếng cười của cả một thời ngây ngô vụng dại, bên cạnh là ông tôi…
Tôi biết, con người ta chết đi sẽ không bao giờ có thể quay lại. Tôi biết, ông tôi sẽ chẳng bao giờ có thể ở bên canh tôi đời đời, mãi mãi. Nhưng tôi cũng nhận ra rằng ông tôi mất đi nhưng tình yêu ông để lại cho con cháu là vô bờ bến, và dù sau này tôi có đi tới bất cứ nơi đâu, bất cứ phương trời nào cũng không thể cảm thấy cô đơn, lạc lõng vì đã có tình yêu ông nâng bước trên mỗi con đường đời tôi đi…
Nguồn Internet