Đại công thần

Lê Sát là một trong những đại công thần khai quốc của triều đình nhà Lê Sơ. Ông là người vùng Lam Sơn, thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Đến nay, các sử liệu vẫn chưa xác định rõ năm sinh của Lê Sát, nhưng kể từ khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh – năm 1418, ông đã trở thành tướng tài dưới trướng Lê Lợi, lập nhiều chiến công hiển hách và là một trong 18 người dự hội thề ở Lũng Nhai.

Năm 1420, Lê Lợi mang quân đánh tướng nhà Minh là Tạ Phượng và Hoàng Thành ở Quan Du, sai Lê Sát cùng Lý Triện ra đối địch. Quân Lam Sơn đánh bại quân Minh, chém hơn 1.000 quân địch. Năm 1424, trong trận Khả Lưu, Lê Sát cùng Đinh Lễ, Phạm Vấn đánh tan quân Minh do Trần Trí, Sơn Thọ chỉ huy, chém được tiên phong Hoàng Thành, bắt được đô úy Chu Kiệt.

Tháng 6 năm 1427, nghe tin viện binh nhà Minh sắp sang cứu Vương Thông, ông được lệnh của Lê Lợi cùng Trần Nguyên Hãn trở lại đánh gấp thành Xương Giang, phải hạ cho được thành này trước khi Liễu Thăng và Mộc Thạnh kéo sang. Sau 3 tháng công phá, quân Lam Sơn hạ được thành.

Tháng 9 năm 1427, Liễu Thăng đi đường Quảng Tây, Mộc Thạnh đi đường Vân Nam sang cứu Vương Thông. Đường Liễu Thăng đi dự tính từ Lạng Sơn, qua Xương Giang để vào Đông Quan. Lê Lợi sai Lê Sát cùng Lê Văn Linh, Lưu Nhân Chú mang 2 vạn quân và 5 voi trận lên ải Chi Lăng đón đánh.

Lê Sát đặt phục binh ở Chi Lăng rồi sai tướng giữ ải là Trần Lựu mang quân ra đánh nhử và giả thua bỏ ải Pha Lũy về ải Chi Lăng. Quân Minh hăng hái tiến lên giành ải Pha Lũy, sau đó lại tiến đến ải Chi Lăng. Ngày 20 tháng 9, hai bên lại đụng nhau ở Chi Lăng, Trần Lựu lại thua giả và bỏ chạy. Liễu Thăng dẫn quân tiên phong tiến lên trước, Lê Sát và Lưu Nhân Chú đổ quân ra đánh, chém được Liễu Thăng ở núi Mã Yên cùng hơn 1 vạn quân Minh.

Xem thêm:  Danh nhân Nguyễn Trung Ngạn

Ngày 25 tháng 9 năm 1427, Lê Sát cùng các tướng lại xung trận, đánh thắng quân Minh một trận nữa, giết được tướng Lương Minh. Nhà Minh đã cử tướng Thôi Tụ và Hoàng Phúc lên nắm quyền chỉ huy. Khi đó, quân Minh tuy thua nhưng còn đông quân và khá mạnh. Vì vậy Lê Sát chủ trương vây đánh, chặn giữ các đồn ải quanh vùng Chi Lăng và chặn đường về, chỉ để ngỏ đường đến Xương Giang. Thôi Tụ dự tính vào thành Xương Giang làm nơi trú quân để phối hợp với Vương Thông, nhưng khi tiến đến Xương Giang mới biết là thành đã bị quân Lam Sơn hạ. Thôi Tụ phải đóng quân ngoài cánh đồng Xương Giang.

Trước tình hình đó, Lê Lợi đã điều Lê Văn An và Nguyễn Lý mang quân lên tiếp viện cho Lê Sát để vây chặt quân Minh tại Xương Giang. Tháng 10 âm lịch năm 1427, quân Lam Sơn tổng tấn công và đã đánh thắng quân Minh một trận lớn, tiêu diệt 5 vạn địch, bắt sống tướng Thôi Tụ, Hoàng Phúc cùng hơn 3 vạn quân. Lê Sát được tính có công đầu trong trận này.

Mộc Thạnh nghe tin Liễu Thăng bị tiêu diệt phải bỏ chạy. Vương Thông ở Đông Quan thấy viện binh bị phá cũng đành xin giảng hòa và rút về nước.

Cuộc kháng chiến chống Minh thành công. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, Lê Sát cùng các tướng lĩnh được ban chức tước tùy theo công trạng và tài năng. Khi đó, Lê Sát được phong chức Kiểm hiệu Tư khấu. Năm 1429, khi Lê Thái Tổ sai khắc biển công thần, Lê Sát được xếp hàng thứ hai sau Lê Lai và được phong làm Huyện hương hầu.

Xem thêm:  Cha con đồng tiến sĩ

Ông được Lê Lợi ủy thác phò trợ thái tử Nguyên Long, về sau trở thành Lê Thái Tông. Dưới triều Lê Thái Tông, ông đạt đến đỉnh cao danh vọng, đảm nhận chức Đại Tư mã Bình chương quân quốc trọng sự, tương đương với chức Tể tướng hay Tướng quốc.

Lời bàn:

Theo sử cũ còn lưu truyền đến ngày nay, Lê Sát nổi tiếng là một vị tướng dũng mãnh, lập nhiều chiến công lừng lẫy trong cuộc chiến chống giặc Minh xâm lược, liên tục bẻ gãy thế tấn công như vũ bão của quân địch, giết và bắt sống cả ngàn tên. Năm 1418, khi Lê Lợi xưng Bình Định vương, phát động cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, ông là một trong những người đầu tiên tham gia khởi nghĩa, theo Lê Lợi tác chiến những lúc hiểm nghèo khắp các vùng núi của xứ Thanh. Do lập được nhiều chiến công hiển hách, năm 1428, Lê Lợi đã phong cho Lê Sát làm Kiểm hiệu Tư khấu. Năm 1429, khi Lê Thái Tổ sai khắc biển công thần, Lê Sát xếp hàng thứ hai sau Lê Lai. Lê Sát còn được sự tín nhiệm của Lê Thái Tổ trong việc ủy thác phò trợ thái tử Lê Nguyên Long mới lên 10 tuổi.

Mặc dù là một vị tướng tài ba nhưng Lê Sát vốn dĩ ít học, lại nóng tính nên khi có quyền lực trong tay, ông thường quyết định mọi thứ theo ý riêng, nhiều việc xử lý quá khắt khe, làm bừa không cân nhắc. Lê Sát còn dùng nhiều hình phạt tàn bạo khiến các quan lại dưới quyền e sợ. Và tai họa cũng bắt đầu từ đây, một dũng tướng tài ba xông pha hàng trăm trận vẫn không hề hấn gì, nhưng khi thái bình thì lại không những thân bại danh liệt mà phải chết trong cay đắng, nhục nhã chính là cái giá Lê Sát phải trả cho sai lầm của mình. Và những gì còn lại đó ở ông là bài học cho người đời sau suy nghĩ.

Xem thêm:  Suy nghĩ về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Theo Tapchivanhoc.com

Check Also

7293 1494911290065 1020 310x165 - Tổ quốc trên hết

Tổ quốc trên hết

Theo sách “Danh nhân đất Quảng”, năm 1916, bà Hoàng Thị Tòng từ Hàng Châu …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *