90 năm oan khuất

Là một trong những công thần khai quốc của nhà Nguyễn, nhưng Thoại Ngọc Hầu đã phải gánh chịu án oan ngay khi vừa nhắm mắt, khiến con cháu điêu linh và mãi đến đời vua “áp chót” của vương triều nhà Nguyễn, ông mới được minh oan. Theo sách “Đại Nam liệt truyện”, vào năm 1829, Thoại Ngọc Hầu mất trong sự thương tiếc của vua Minh Mạng. Ông không những được truy thăng chức vụ, thưởng thêm nhiều tiền và gấm lụa, mà con trai trưởng còn được tập ấm chức Ân kỵ úy. Tuy nhiên, ngay sau đó, bao nhiêu công lao của ông gần như bị vua Minh Mạng “phủi” sạch. Nguyên do là sau ngày Thoại Ngọc Hầu mất, quan Thị lang Tào Hình Bộ là Võ Du đi dò xét tình trạng dân Chân Lạp trở về đã báo cáo với quan Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt rằng, Nguyễn Văn Thoại khi lĩnh chức Bảo hộ, ngày thường bắt dân Chân Lạp đi lấy gỗ táu đem nộp mà không cấp tiền và gạo, lại bắt dân Chân Lạp làm việc tư, sửa đắp đường cái để đưa đám chôn cất vợ. Lập tức, vua Minh Mạng xuống lệnh tịch thu gia sản, rồi truy giáng ông từ hàm nhị phẩm xuống thất phẩm, tước quyền tập ấm của con trai, bao nhiêu gia sản đều sung công.

Đến năm 1832, không biết có phải vì thấy quá nặng tay với công thần Thoại Ngọc Hầu hay không mà vua Minh Mạng đã xuống dụ rằng, tội của Thoại nếu còn sống thì phải chém đầu để bêu, nhưng đã chết rồi thì xét có công lao nên chỉ giáng xuống hàm ngũ phẩm, tước quyền tập ấm của con, tịch thu gia sản, còn sắc phong cho cha mẹ Thoại thì không bị thu hồi. Nhà vua chỉ biết Thoại Ngọc Hầu bị oan sau khi đưa một sắc thư sang cho vua Chân Lạp, đại ý khuyên ông ta không nên vì một vị quan hư hỏng là Nguyễn Văn Thoại mà bận lòng, hãy cứ nên kính cẩn giữ lễ với hoàng đế nhà Nguyễn, vì ông quan Bảo hộ quấy nhiễu dân ấy đã bị trị tội, tiền còn thiếu của dân trong việc lấy gỗ thì sẽ ban đủ. Vua Chân Lạp liền dâng biểu tâu rõ là không cần cấp tiền gạo cho việc ấy nữa, vì quan Bảo hộ Nguyễn Văn Thoại đã cấp đủ cho dân rồi. Sau khi biết rõ mọi chuyện, nhà vua trừng trị kẻ tấu sai, nhưng vẫn kết tội Nguyễn Văn Thoại là bắt dân Chân Lạp phục dịch việc riêng nên không giảm án cho ông.

Xem thêm:  Tổ quốc trên hết

Năm 1835, cuộc tạo phản của Lê Văn Khôi được dẹp yên, người ta phát hiện có sự tham gia của con rể Thoại Ngọc Hầu là Võ Vĩnh Lộc. Cái tên Nguyễn Văn Thoại một lần nữa lại bị nhà vua xuống lệnh tra xét về mối liên quan đến nghịch đảng. Thật may là Vĩnh Lộc chỉ cưới con gái nuôi chứ không phải cưới con ruột của ông, nên vị công thần đã chết không bị khép thêm tội. Nhưng sự liên đới đó cũng đủ làm cái tên của ông bị bôi đen thêm lần nữa trước mắt triều đình. Nó làm cho cách nhìn của vua Minh Mạng với ông ngày càng thiên kiến, sai lệch, khiến bao nhiêu công lao trước đó của ông bị quên lãng.

Tội nghiệt vẫn chưa buông tha linh hồn Thoại Ngọc Hầu. Tháng 3-1838, cháu họ ông là Nguyễn Văn Quang, đang là tù phạm ở Gia Định, đã tham gia vào âm mưu vượt ngục chiếm thành, phản lại triều đình. Quang bị xử lăng trì. Nguyễn Văn Thoại vì thế mà bị truy đoạt các văn bằng, sắc phong đã cấp, tước luôn cả hàm ngũ phẩm. Và với những “sấm sét” liên tiếp giáng xuống từ cửu trùng, con cháu vị công thần mấy đời phải sống cảnh khổ cực. Con trai trưởng là Nguyễn Văn Tâm bỏ đi biệt tích, con thứ là Nguyễn Văn Minh sống cuộc đời nghèo khổ.

Xem thêm:  Soạn bài Đức Tính Giản Dị Của Bác Hồ

Án oan của Thoại Ngọc Hầu vẫn tồn tại trải qua mấy triều vua. Đến năm 1880, dưới thời Tự Đức, đền Trung Nghĩa thờ những người có công với vương triều được khánh thành ở Huế. Bộ Lễ tâu lên vua đưa thêm 1.532 người vào thờ, trong đó có Nguyễn Văn Thoại. Vua Tự Đức chuẩn y. Nghĩa là công lao của Thoại Ngọc Hầu đã được nhớ đến, tuy chưa được ghi nhận đúng mức nhưng nỗi oan của ông vẫn chưa được cởi bỏ. Phải đến năm 1924, danh dự của Thoại Ngọc Hầu mới được phục hồi. Ông được phong thần, danh hiệu là Đoan Tức Dực Bảo Trung Hưng Tôn thần. Năm 1943, vua cuối cùng của triều Nguyễn là Bảo Đại lại sắc phong cho ông là Quang Ý Dực Bảo Trung Hưng Trung Đẳng thần.

Lời bàn:

Lịch sử đánh giá Thoại Ngọc Hầu là một vị tướng tài, là một trong những vị khai quốc công thần hàng đầu của vua Gia Long. Công lao lớn nhất của ông đó là khai phá miền Hậu Giang, chỉ huy việc đào kênh Vĩnh Tế nối liền Hà Tiên và Châu Đốc – công trình vĩ đại trong lịch sử phong kiến. Và để ghi nhận công lao to lớn của vợ chồng Thoại Ngọc Hầu, chính vua Minh Mạng đã cho lấy tên vợ để đặt tên kênh “Vĩnh Tế”, lấy tên chồng đặt cho tên núi là “Thoại Sơn”. Sau đó, nhà vua lại cho khắc hình ảnh kênh Vĩnh Tế và Thoại Sơn lên cửu đỉnh để thờ trước Thế miếu trong Đại Nội.

Tuy nhiên, cùng với những vinh hiển nhận được từ các vị vua triều Nguyễn, ông còn “nhận” được một án oan kéo dài suốt hơn 90 năm mới được gột rửa. Và dẫu bị triều đình làm nên sự oan khuất là thế, công lao của ông với hậu thế thì bia đá có thể mòn, nhưng lòng ngưỡng vọng của dân thì không bao giờ phai. Ngày nay, với người dân miền Tây Nam bộ, Thoại Ngọc Hầu là “ân đức” chứ không còn là “công lao” đơn thuần. Nên dù thế cuộc có xoay vần ra sao nhưng cuộc đời và sự nghiệp của Thoại Ngọc Hầu vẫn là một ngọn núi lừng lững giữa đất trời phương Nam, càng lùi xa càng nhìn thấy sự vĩ đại đôi khi không nói hết bằng câu chữ…

Theo Tapchivanhoc.com

Check Also

top 10 anh hot girl hoc sinh cap 2 viet 8 310x165 - Đại công thần

Đại công thần

Lê Sát là một trong những đại công thần khai quốc của triều đình nhà …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *