Vị anh hùng thảo dã

Theo sách “Danh nhân đất Quảng”, đúng như sự tính toán của thực dân Pháp, đầu năm 1908, tại Tiên Phước đã bùng lên phong trào chống sưu thuế – nó là hệ quả tất yếu từ chính sách cai trị hà khắc của thực dân phong kiến và sự ảnh hưởng tác động tư tưởng dân chủ của phong trào Duy Tân. Tết Nguyên đán năm đó, Lê Cơ cùng một số đồng sự tổ chức ăn thề tại Nà Lá (Tiên Cảnh), sau đó vận động học trò, nông dân kéo xuống phủ đường Tam Kỳ xin giảm sưu thuế, đòi đổi Trần Tuệ – tên đề đốc gian ác, đi nơi khác.

Sáng 30-3-1908, hàng ngàn nông dân tập trung tại các đình làng hô hào chống sưu thuế, đàn ông cắt tóc ngắn, mặc áo quần ngắn; đàn bà để tóc xõa, áo quần tả tơi, vai mang bị xin ăn, đem mỏ tre, dây dừa, đòn gánh… đi bắt bọn cường hào, sau đó kéo xuống phủ Tam Kỳ, Lê Cơ là người dẫn đầu cuộc biểu tình này. Sau khi nông dân bao vây phủ đường, Lê Cơ từ trong phủ cưỡi ngựa ra báo cho họ biết Trần Tuệ trốn bên trong, lực lượng biểu tình hò hét: “Bắt lấy nó! Bắt lấy nó!”, đồng thanh đòi bắt Tuệ và y đã chết vì quá hoảng sợ.

Sáng 4-4-1908, thực dân Pháp đem 60 lính tập giải vây, bắt Lê Cơ, Trần Thuyết, Lê Vĩnh Huy… đưa đi giam tại nhà lao Hội An và đàn áp khốc liệt cuộc biểu tình ở Đại Lộc. Làng Phú Lâm bị 500 lính tập canh giữ, chúng triệt phá các cơ sở cải cách, như: Trường tân học, lò chén, lò rèn, thương hội, tịch thu ruộng đất của nông đoàn, hợp xã sung vào công điền và bắt trên 500 người về phủ Tam Kỳ. Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng bị bắt đày biệt xứ đi Côn Đảo. Lê Cơ, Lê Tiệm, Lê Kiều, Lê Vĩnh Huy và nhiều người khác bị kết án 5 năm khổ sai tại nhà lao Hội An.

Xem thêm:  Một đời vì dân, vì nước

Năm 1913, Lê Cơ ra tù về lại Phú Lâm là lúc phong trào Duy Tân đã tan rã, một số sĩ phu yêu nước chuyển sang tham gia hoạt động trong phong trào Đông Du, không nản lòng ông tiếp tục nuôi chí đánh đuổi thực dân và phong kiến. Lúc này tại Trung Quốc, Phan Bội Châu, lãnh tụ phong trào Đông Du thành lập Việt Nam Quang Phục hội đã gây ảnh hưởng đến trong nước. Lê Cơ lại bí mật tiếp xúc các chí sĩ yêu nước ở Quảng Nam đứng đầu là Thái Phiên vận động khởi nghĩa nhằm “đánh đổ chế độ bảo hộ của Pháp và Nam triều, thành lập An Nam cộng hòa dân quốc, thực hiện dân quyền, bình đẳng tài sản”. Tháng 8-1915, các tổng Vinh Quý, Phước Lợi, Chiên Đàn ở Hà Đông đã thành lập Ban chỉ huy khởi nghĩa, tập trung dân binh, chuẩn bị lương thực, khí giới. Lê Cơ được cử vào Ban chỉ huy khởi nghĩa của tổng Vinh Quý, ông bí mật rèn vũ khí ở làng Phú Lâm, may trang phục, quân dụng. Ông lên tận thượng nguồn sông Ô Gia (Đại Lộc) cùng Đỗ Đăng Tuyển rèn thêm vũ khí, tích trữ lương thực.

Ngày 1-5-1916, cuộc khởi nghĩa nổ ra, Lê Cơ được giao nhiệm vụ cùng Thái Phiên chỉ huy tấn công cửa Nhà Đồ, Huế. Tại Quảng Nam, lực lượng khởi nghĩa được chuẩn bị trước kéo xuống bao vây phá phủ Tam Kỳ. Tuy nhiên, cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang Phục hội bị lộ, Pháp đàn áp dữ dội, Thái Phiên, Trần Cao Vân bị chém tại An Hòa, Huế; Trần Huỳnh bị chém ở chợ Cũi, Vĩnh Điện. Lê Cơ, Lê Tiệm, Lê Vĩnh Huy, Đỗ Đăng Tuyển… bị bắt tuyên án 10 năm khổ sai đày đi Lao Bảo. Lê Tiệm, Lê Vĩnh Huy chết trong ngục; Đỗ Đăng Tuyển tự vẫn; còn Lê Cơ vào cuối năm 1916, tại nhà tù Lao Bảo, ông bị bắt đi làm phục dịch. Khi đang vót tre, ông thấy một người tù bị kiết lỵ ngồi trong đám cỏ mà bọn lính tàn ác dùng báng súng đánh đập, xúc động mãnh liệt, ông cầm rựa xông đến can thiệp thì bị bắn chết, trên gương mặt còn căm giận nộ khí. Lê Cơ hy sinh năm 57 tuổi.

Xem thêm:  Bình luận tục ngữ ”Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” – Đề và văn mẫu 8

Hoạt động của Lê Cơ chỉ trong vòng 10 năm (1905-1915) nhưng lại rất đặc biệt, ít có nhân vật kiệt xuất nào như ông. Ông là người cải cách thực nghiệp Duy Tân và cũng là người tham gia tích cực bạo động – đây là một hiện tượng lạ trong con người của Lê Cơ. Ông không chỉ dừng lại ở việc khởi đầu cải cách dân chủ trong phong trào Duy Tân, mà còn là người tiên phong trong các cuộc đấu tranh bạo động kháng thuế, cự sưu và cuối cùng là khởi nghĩa Việt Nam Quang Phục hội đầu thế kỷ XX của phong trào Đông Du.

Lời bàn:

Theo nội dung của giai thoại thì Lê Cơ sinh ra là để hành động. Ông đã có nhiều đóng góp to lớn cho phong trào đấu tranh chống Pháp của dân tộc đầu thế kỷ XX. Nhận định về Lê Cơ, giáo sư sử học Phan Huy Lê đã viết: Tất cả mọi khẩu hiệu hành động của phong trào Duy Tân đều đề cao lòng yêu nước, đoàn kết vươn lên một thế giới mới. Những quan điểm này, khi nó còn nằm trong đầu một số sĩ phu thì cố nhiên là hiền lành, êm ả không bạo động… Nhưng khi nó vào với nông dân, những người đang bị khốn cùng vì sưu cao, thuế nặng, vì đi phu, đi lính, vì quan lại cường hào sách nhiễu… thì nó không còn ngoan ngoãn nữa… Nó phải được phát tiết những căm hờn đang nung nấu…

Xem thêm:  Nho sĩ thức thời

1 thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày thành lập trường tân học Phú Lâm – trường tân học đầu tiên ở Quảng Nam và cả nước, đã để lại nhiều dấu ấn và những bài học quý báu về giáo dục dân trí, thực hiện dân chủ, dân quyền. Lịch sử dân tộc mãi mãi ghi nhận và tôn vinh làng Phú Lâm – nơi phát nguồn công cuộc cải cách bằng nhiều việc làm tốt đẹp phục vụ thiết thực cho cuộc sống dân nghèo, mà cụ Xã Sáu Lê Cơ – vị anh hùng thảo dã – là người khởi nghiệp khai sáng.

Theo Tapchivanhoc.com

Check Also

nu sinh dac lak951610 310x165 - Đại công thần

Đại công thần

Lê Sát là một trong những đại công thần khai quốc của triều đình nhà …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *