Khí tiết Trần Cao Vân

Cuộc khởi nghĩa Mậu Tý ở Phú Yên thất bại, cụ Võ Trứ bị tử hình, nhiều nghĩa sĩ, thầy chùa ở Bình Định, Phú Yên bị giam cầm, cụ Trần Cao Vân cũng bị hạ ngục, tra khảo dã man suốt 11 tháng. Cuối cùng không có chứng cứ, vì cụ Võ Trứ đã khảng khái nhận tất cả về mình buộc bọn cầm quyền phải thả cụ. Năm 1900, do ảnh hưởng của Trung thiên đạo – Trung thiên dịch, quan bố chính Bùi Xuân Huyến đang trấn nhậm Phú Yên một lần nữa ra lệnh tống giam Trần Cao Vân về tội mê hoặc, dùng “yêu thơ, yêu ngôn” xúi dân làm phiến loạn, tuyên án tử hình. Bản án tư bẩm về triều đình Huế phê chuẩn. Riêng cụ bà và Nguyễn Nhuận (người vào sinh ra tử với ông bà Trần Cao Vân) bị bắt giam ở ngục Bình Định. Lúc bấy giờ, trong triều có nhiều quan đại thần, quan văn – võ nể phục nhân cách của cụ Trần Cao Vân nên xin giảm án còn 3 năm, cụ bà và Nguyễn Nhuận là 2 năm.

Năm 1908, tại Quảng Nam xảy ra vụ kháng thuế dữ dội ở Đại Lộc, hàng ngàn người kéo đến công sứ Quảng Nam, Hội An đòi xin xâu, giảm thuế. Ngọn lửa đấu tranh bùng lên toàn tỉnh, biến thành cao trào lan rộng đến Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An… Kết quả là ngoài cụ Trần Cao Vân còn có các chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Phan Thúc Duyện, Nguyễn Thành (Tiểu La), Châu Thơ Đồng (Châu Thượng Văn), Lê Bá Trinh, Trương Bá Huy và nhiều nhân sĩ khác bị Pháp tống giam vào nhà lao Hội An. Đau đớn, uất hận nhất là án tử hình dành cho cụ Trần Quý Cáp và Châu Thơ Đồng. Năm Kỷ Dậu (1909), cụ Trần Cao Vân bị đày ra Côn Đảo với án khổ sai chung thân.

Xem thêm:  Chuyện về Nguyễn Đăng Cảo

Tháng 1-1914, Trần Cao Vân và Trương Bá Huy được ân xá. Đoàn tụ gia đình mới 1 năm thì thân phụ của Trần Cao Vân qua đời, thêm một nỗi đau xé lòng. Cuối năm 1915, Thái Phiên mời Trần Cao Vân, Phan Thành Tài, Đỗ Tự (Quảng Nam), Lê Ngung, Nguyễn Mậu, Lê Triết (Quảng Ngãi), Nguyễn Chính (Quảng Bình)… tham gia Việt Nam Quang Phục hội. Trần Cao Vân và Thái Phiên được ủy thác việc tiếp xúc với vua Duy Tân. Trần Cao Vân đã thảo một bức thư gửi vua Duy Tân, khơi gợi nỗi nhục mất nước, hài tội chính quyền bảo hộ và bọn chuyên quyền khuynh đảo hoàng tộc khiến vua Thành Thái bị thực dân Pháp bắt đi đày, mộ vua Tự Đức bị đào xới, vua Dục Đức, Hiệp Hòa bị truất ngôi và bị bức tử để kích thích lòng yêu nước của nhà vua. Đọc xong thư, vua Duy Tân tức tốc cho vời Trần Cao Vân và hẹn giờ, địa điểm gặp. Cuộc hội kiến diễn ra ở Hậu hồ (có sách ghi là hồ Tĩnh Tâm), được sự đồng tình, nhiệt liệt tán thưởng của nhà vua đối với kế sách cách mạng 1916. Trần Cao Vân và Thái Phiên còn được Đại tá Pháp Harmandes, chỉ huy đồn Mang Cá làm nội ứng.

Do nóng lòng khởi nghĩa, vua Duy Tân ấn định đêm 3-5-1916 sẽ tổng nổi dậy. Lập tức, một đại hội toàn kỳ của Quang Phục hội diễn ra ở kinh đô Phú Xuân (Huế) để kiểm tra lực lượng, công bố kế hoạch khởi nghĩa. Thế nhưng tên tay sai thông phán Trần Quang Trứ (thường gọi là Phán Trứ) mật báo với tòa khâm sứ Pháp, cuộc khởi nghĩa thất bại. Vua Duy Tân bị cầm giữ ở đồn Mang Cá; Trần Cao Vân, Thái Phiên, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu bị tống giam ở nhà lao Huế; Đại tá Harmandes bị thảm sát. Ở Quảng Nam, cụ Phan Thành Tài bị tử hình. Cụ Lê Đình Dương, Lê Cơ, Trương Bá Huy, Đỗ Tự, Trần Chung… bị đày ra Côn Đảo, Thái Nguyên. Còn ở Quảng Ngãi, vì sự thất bại của binh sĩ Đỗ An, Đỗ Huệ khiến hơn 200 nghĩa sĩ bị kết án khổ sai, cụ Tú Ngung, Cử Thụy tự sát. Riêng cụ Tú Ngung sau khi tự sát còn bị quân Pháp xử hành hình, bêu đầu ở Cam Lộ.

Xem thêm:  Tự Đức trị lạm quyền

Mùa hè năm 1917, vua Duy Tân bị đày sang đảo Réunion ở châu Phi, Trần Cao Vân, Thái Phiên, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu bị xử chém ở An Hòa, gần Huế (ngày 16 tháng 4 năm Bính Thìn). Trần Cao Vân nhận cái chết bất tử ở tuổi 51 – một tấm gương yêu nước thương nòi, kiên trung cho mọi thế hệ con cháu mai sau. Trước giờ ra pháp trường, Trần Cao Vân còn sang sảng đọc bài thơ thất ngôn bát cú ở nhà lao Huế.

Lời bàn:

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng viết về chí sĩ Trần Cao Vân như sau: Cuộc đời Trần Cao Vân là một trái tim yêu nước đến vỡ máu cho tới khi giập nát, đối diện với một chuỗi dài những gian khổ và tù đày nhưng lòng yêu nước trong cụ vẫn không hề lung lay. 20 tuổi từ biệt gia hương để tìm đường cứu nước. 26 tuổi vào Bình Định chuẩn bị căn cứ chống Pháp. 32 tuổi ở tù ngục Phú Yên vì tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa “Giặc rựa”; 34 tuổi vào ngục Bình Định và Quảng Nam vì tư tưởng “Trung thiên dịch”. 42 tuổi ở tù Côn Đảo vì phong trào chống thuế. 50 tuổi hy sinh ở bãi chém An Hòa, sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Duy Tân.

Theo nội dung của giai thoại đã nêu, hậu thế thấy rõ, suốt cuộc đời của cụ Trần Cao Vân gian nan vì vận nước, lo đem sức mình góp phần cứu nguy cho đất nước, phải nhiều lần vào tù, ra khám. Và cuối cùng cụ anh dũng nhận cái chết để đền nợ nước. Cuộc đời và sự nghiệp của cụ là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, là niềm tự hào của dân tộc về một bậc tiền nhân từng làm rạng rỡ non sông đất Việt. Không những thế, tuyên ngôn về chủ nghĩa yêu nước thời đó đã được cụ Trần Cao Vân đúc kết: “Đất sinh người tài giỏi, có quyền đuổi giặc thương dân”. Khí tiết anh dũng, ý chí cách mạng kiên định cùng tư tưởng ấy của cụ đã, đang và mãi mãi được hậu thế tôn vinh, noi theo.

Xem thêm:  Tình thầy trò

Theo Tapchivanhoc.com

Check Also

anh gai hoc sinh cap 3 de thuong 310x165 - Đại công thần

Đại công thần

Lê Sát là một trong những đại công thần khai quốc của triều đình nhà …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *