Nuôi chí lớn

Theo sách “Đại Nam nhất thống chí”, Nguyễn Tuấn Thiện là một vị võ tướng và là khai quốc công thần dưới triều Lê sơ. Ông sinh ra và lớn lên ở Hương Sơn, Hà Tĩnh. Sau khi khởi nghĩa Lam Sơn kết thúc, ông được vua ban họ Lê nên người đời thường gọi là Lê Thiện. Ông xuất thân trong một gia đình nghèo, làm nông. Từ nhỏ, ông đã mồ côi cha, những công việc trong nhà cũng sớm phải gánh vác nên tỏ rõ là người chín chắn, trưởng thành hơn cả.

Lớn lên trong cảnh đất nước bị xâm lăng, quê hương bị giặc thống trị, Nguyễn Tuấn Thiện sớm nuôi chí diệt thù, cứu dân, cứu nước. Ông đã tự đứng ra tập hợp một số bạn bè, người thân cùng chí hướng ở quê nhà, sớm chiều tập luyện võ nghệ, thành lập một đội quân với mục đích bảo vệ xóm làng trước sự cướp phá của giặc Minh. Đội quân Cốc Sơn do Nguyễn Tuấn Thiện làm thủ lĩnh đã làm chủ toàn bộ Hương Sơn, gây được sức ảnh hưởng lớn ở Hà Tĩnh lúc bấy giờ.

Khi nghĩa quân do Lê Lợi đứng đầu tiến vào vùng đất Hương Sơn, Nguyễn Tuấn Thiện đã huy động nhân dân khắp vùng tham gia cùng nghĩa quân của Lê Lợi. Sau đó, Nguyễn Tuấn Thiện cùng với Lê Lợi giết ngựa trắng, cắt tóc ăn thề kết nghĩa anh em dưới gốc cây thị ở xóm Nậy (xã Sơn Phúc), quyết cùng nhau chống lại kẻ thù xâm lược. Trong “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” của tác giả Đinh Xuân Lâm, Trương Hữu Quýnh có đoạn viết về sự việc này như sau:…2 người tổ chức lễ thề, kết làm anh em. Từ đó, đội quân Cốc Sơn trở thành một bộ phận của nghĩa quân Lam Sơn, vùng Phúc Đậu thành đại bản doanh của Lê Lợi. Giữa năm 1426, Nguyễn Tuấn Thiện chỉ huy một đạo quân ra Quảng Oai (Ba Vì, Hà Tây) góp phần quan trọng trong chiến thắng ở cầu Nhân Mục. Tháng 11-1426, ông lại cùng các tướng Đỗ Bí, Phạm Văn Xảo, bố trí quân chặn đánh Vương Thông trong chiến thắng Tốt Động – Chúc Động. Sau chiến thắng này, ông được Lê Lợi điều lên Bắc Đạo chặn địch. Đầu năm 1428, ông được xếp vào hàng công thần khai quốc, quản lĩnh vùng Lạng Sơn…

Xem thêm:  “Uy vũ bất năng khuất”

Trải qua 10 năm chống quân Minh xâm lược, Nguyễn Tuấn Thiện cùng các tướng lĩnh như: Đinh Liệt, Trịnh Khả, Lê Sát, Nguyễn Xí đã chỉ huy nhiều trận đánh ác liệt, ông được phong làm Đô tổng quản phó nguyên soái. Với tài thao lược và lòng dũng cảm, Nguyễn Tuấn Thiện đã góp sức mình cùng với Lê Lợi, Nguyễn Trãi và các tướng lĩnh Lam Sơn hoàn thành sứ mạng vẻ vang quét sạch quân thù đem lại nền độc lập cho đất nước.

Sau khi quân xâm lược nhà Minh bị quét sạch ra khỏi đất nước, năm 1428, Nguyễn Tuấn Thiện được liệt vào hàng khai quốc công thần và được phong làm Tĩnh nạn tuyên lực trung liệt minh nghĩa khai quốc công thần Đô tổng quản phó nguyên soái Trung lãng đại phu tá phụng thánh vệ Đại tướng quân (tước Đại trí tự) và được vua ban quốc tính họ Lê. Khi xảy ra đại họa nghi kỵ giết hại công thần, ông xin từ quan về quê ở ẩn. Khi mất, ông được nhân dân địa phương lập đền thờ.

Dù là khai quốc công thần nhà Lê sơ, có nhiều công lao to lớn trong việc giành lại độc lập dân tộc, thế nhưng tên tuổi của dũng tướng Lê Thiện lại hầu như vắng bóng trong các trang chính sử nước nhà. Tuy tên tuổi của ông bị chính sử lãng quên nhưng nhân dân vẫn mãi mãi nhớ đến công lao của vị tướng tài Lê Thiện trong công cuộc giành lại độc lập cho dân tộc.

Xem thêm:  “Quýt làm cam chịu”

Trải qua 5 thế kỷ, ngôi mộ của ông vẫn được nhân dân trong vùng bảo vệ nguyên trạng trên Kim Quy Sơn, được con cháu trong họ và nhân dân địa phương gìn giữ, tôn tạo và hương khói thường niên. Nguyễn Tuấn Thiện là người con ưu tú của dân tộc, tiêu biểu cho truyền thống yêu quê hương, đất nước, đoàn kết chống kẻ thù xâm lược đem lại thái bình cho Tổ quốc.

Lời bàn:

Sau 10 năm nếm mật nằm gai và chiến đấu bền bỉ, ngoan cường, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã đi đến thắng lợi huy hoàng, hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ giải phóng dân tộc, đập tan hoàn toàn ý đồ xâm lược của nhà Minh. Nền độc lập của nước ta được giữ vững, đất nước bước vào thời kỳ phát triển thịnh vượng mới. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn gắn liền với đường lối chiến lược, chiến thuật đúng đắn, sáng tạo của các anh hùng Lê Lợi, Nguyễn Trãi cùng các dũng tướng tài ba, kết hợp với lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết, ý chí bất khuất của toàn dân.

Lê Thiện là vị tướng có nhiều công lao to lớn trong cuộc khởi nghĩa. Ông không chỉ tài giỏi về mặt cầm quân trên chiến trường mà còn khá nhạy bén với thời cuộc; ra đi từ một chàng nông dân áo vải bình dị và cuối đời cũng an nhàn chốn quê hương. Không bon chen với đời, không ham vinh hoa phú quý, địa vị tiền tài, biết tiến lùi đúng lúc, ấy mới đúng là bậc anh hùng đáng ngưỡng mộ. Tiếc thay hậu thế thời nay không phải ai cũng học được điều này ở tổ tiên. Vì thế hiện mới có người vì ham chức quyền, địa vị mà học giả lại khai là bằng thật. Lại có người chẳng học hành gì nhưng cũng có bằng cấp… và cuối cùng là thân bại danh liệt chỉ vì lòng tham.

Xem thêm:  Giai thoại về Nguyễn Đăng Đạo

Theo Tapchivanhoc.com

Check Also

nu sinh dac lak951610 310x165 - Tổ quốc trên hết

Tổ quốc trên hết

Theo sách “Danh nhân đất Quảng”, năm 1916, bà Hoàng Thị Tòng từ Hàng Châu …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *