Cho đến ngày nay, các nhà nghiên cứu về lịch sử cũng không biết được Phan Ngạn là người ở vùng nào, sinh và mất năm bao nhiêu, mà chỉ biết ông là tướng của Nam triều, được Nam triều phong tước Kế Quận công. Năm 1592, Nam triều (vua Lê – chúa Trịnh) kể như đã đè bẹp được Bắc triều (nhà Mạc). Tuy nhiên, dư đảng của họ Mạc vẫn còn hoạt động khắp miền Đông Bắc. Trước tình hình đó, Nam triều cử Kế Quận công là Phan Ngạn, đem 300 chiến thuyền, một con voi và đông đảo lính thủy, lính bộ đi đàn áp. Cuối năm Ất Mùi – 1595, Phan Ngạn đã có mặt ở Hải Dương. Ngày mồng ba tết Bính Thân -1596, Phan Ngạn đã đụng độ một trận quyết liệt với đối phương. Sách Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn chép về sự việc này như sau:
Khi ấy, Phan Ngạn đóng quân chưa yên chỗ, quân sĩ chưa kịp mặc áo giáp mà thuyền giặc đã tới ngoài cửa dinh, ai cũng luống cuống, chỉ có 45 người cùng đi với Phan Ngạn ra chống cự mà thôi. Có viên tướng (Nam triều), người Giao Thủy là Lễ Quận công, thấy thế giặc mạnh, tự liệu rằng quân ít, sức không chống nổi, đem quân của mình rút lui trước, Phan Ngạn cho là nhát gan, liền chém chết và rao cho mọi người biết. Nhờ vậy, ai cũng liều chết mà đánh. Đúng khi đó, có một đội thuyền nhẹ từ Tây Chân tiến ra. Tướng giặc ngờ là có quân cứu viện, liền bỏ thuyền nhảy xuống sông chạy trốn. Phan Ngạn cho gọi các thuyền lớn nhỏ của mình, nhất loạt xông ra kịch chiến ở giữa sông, chém được tướng giặc là Ly Quốc công, Thái Quốc công, An Quốc công, Thụy Quận công… và hơn 20 viên tướng khác.
Ảnh minh họa
Ngay hôm ấy, tướng giặc là Hào Quận công bị giải đến trước cửa quân. Phan Ngạn tự mình cởi trói và dụ dỗ: Muốn sống thì hãy làm người hướng đạo cho ta, bắt được Tráng Vương (chỉ Mạc Kính Chương) ta sẽ tha tội chết cho. Hào Quận công xin làm người dẫn đường, đem quân Phan Ngạn theo đường thủy mà men ra Quảng Yên, cố bắt Tráng Vương để báo đáp. Phan Ngạn chọn thuyền nhẹ và mấy trăm quân tinh nhuệ, cùng với năm chiến thuyền, mặc áo giáp che kín mình, giấu Hào Quốc công trong thuyền rồi ra đi. Ngày mồng 4 tết Bính Thân, Phan Ngạn bàn với các tướng rằng:
– Việc quân quý ở thần tốc. Ta lấy quân thắng trận, thừa thế chẻ tre mà tiến, đánh một trận mà thắng đến hai lần thì đó chính là trời đã giúp ta thành công to, đáng mặt để sánh với các danh tướng thuở xưa lắm. Tôi mong các tướng nghe lệnh, đồng tâm hiệp lực để lập công danh, tiễu trừ được giặc nguy thì công của bọn ta không gì to bằng. Các tướng đều nói: Xin tuân lệnh. Hôm ấy, Phan Ngạn chọn các tráng sĩ, rồi vờ mang sắc áo và màu cờ của quân Mạc Kính Chương. Phan Ngạn tự làm tiền đội, quân thủy lục tục theo sau. Đến đêm, Phan Ngạn tự đi thuyền nhẹ, xông vào, qua được hai lần cửa. Người giữ cửa hỏi, Phan Ngạn nói:
– Binh thuyền của Hào Quận công đây. Nhân thắng trận, bắt được tướng giặc là Kế Quận công (tức Phan Ngạn) nên giải về để dâng nạp. Nhờ lời này mà quân Phan Ngạn qua được hết mấy lớp cửa rồi thẳng tiến, sau ba ngày đêm thì đến xã Hương Lan, châu Vạn Ninh. Mạc Kính Chương ngỡ là Hào Quận công thắng trận trở về liền thân ra đón. Ngay lúc đó, Phan Ngạn thét lên: Ta là Kế Quận công đây. Bọn ngươi nên mau mau chịu trói để khỏi bị chém đầu. Kính Chương trở tay không kịp, bỏ thuyền chạy lên bờ, vừa đến giữa bãi cát thì bị quan quân bắt được. Cùng bị bắt với Mạc Kính Chương còn có vợ cả, vợ lẽ cộng 20 người. Quân Phan Ngạn toàn thắng, một lúc hai trận, ai cũng vui mừng, khải hoàn về kinh đô, giải nạp Mạc Kính Chương ở dưới cửa khuyết.
Lời bàn:
Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư” cho biết, nhà hậu Lê sau thời thịnh trị thì đến cuối thế kỷ XV đã bắt đầu suy yếu từ thời Lê Uy Mục và Lê Tương Dực. Khi đó, một võ tướng nhà Lê là Mạc Đăng Dung đứng ra trấn áp các cuộc nổi dậy bên ngoài, nắm lấy quyền hành triều Lê. Năm 1527, Mạc Đăng Dung chính thức giành ngôi nhà Lê, lập ra nhà Mạc. Năm 1529, một võ tướng cũ của nhà Lê là Nguyễn Kim không thần phục nhà Mạc, bỏ chạy vào miền núi Thanh Hóa và tìm Lê Duy Ninh là con của vua Lê Chiêu Tông rồi đưa lên ngôi. Từ đó, nhà Hậu Lê tái lập và cũng từ đây chiến tranh Lê – Mạc chính thức bùng nổ.
Vương triều Mạc và hậu Lê là hai thế lực không dung hòa, mục tiêu của cả hai bên trong cuộc chiến là tìm mọi biện pháp để loại trừ lẫn nhau. Do đó việc quan trọng hàng đầu của cả hai chính quyền Mạc -Lê là xây dựng và củng cố lực lượng để chiến thắng trên chiến trường. Và điều mà cả hai bên đều cần là tướng giỏi và Nam triều đã có được dũng tướng Phan Ngạn. Và theo nội dung của giai thoại trên thì Phan Ngạn là viên tướng biết lo giữ nghiêm quân pháp. Chưa hết, ông còn đóng giả tướng địch để vào tận hang bắt cọp. Với hai việc này cũng đã đủ biết Phan Ngạn là tướng dụng binh rất kiên quyết và mưu trí đáng xếp vào hàng tướng tài. Tiếc thay, ông là tướng tài thời loạn và cuối cùng vì ham mê sắc đẹp nên ông chết dưới tay một người đàn bà đã có chồng.
Theo Tapchivanhoc.com