Chuyện về Lê Thạch

Theo sách “Lam Sơn thực lục”, vào năm 1418, khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, Lê Thạch là một trong những tướng tâm phúc của nghĩa quân do Bình Định Vương Lê Lợi cầm đầu. Tuổi trẻ, tài cao lại giàu lòng nhân ái, vì thế Lê Thạch được binh sĩ dưới quyền kính phục mà vâng theo. Sách “Đại Việt thông sử” có đoạn chép về ông như sau: Ông tính người nhân ái, ham đọc sách, đã dũng lược hơn người lại khéo vỗ về quân sĩ dưới quyền.

Sinh thời, Lê Thạch được Bình Định Vương Lê Lợi phong tới chức Thiết kỵ Vệ Thứ thủ (nghĩa là Phó chỉ huy Vệ quân Thiết kỵ), tước Lương Nghĩa hầu. Thiết kỵ là vệ quân thường làm nhiệm vụ đột phá và mở đường cho Lam Sơn trong các trận đánh quan trọng. Lương Nghĩa hầu là tước thuộc hàng cao nhất của các tướng lúc bấy giờ.

Từ năm 1418-1421, Lê Thạch đã tham gia nhiều trận đánh, trong đó có 4 trận lớn và cả 4 trận ấy, ông đều được coi là người lập công đầu.

Trận thứ nhất diễn ra đầu năm 1418, nghĩa là ngay sau khi khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ được 7 ngày. Về diễn biến của trận này, sách “Lam Sơn thực lục” chép vắn tắt như sau: Năm Mậu Tuất – 1418, Lê Lợi vừa 33 tuổi, dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn. Ngày mồng 9 tháng giêng năm 1418, bị giặc đến đánh, bèn lui về Lạc Thủy (tên một địa điểm ở thượng lưu sông Chu, phía trên Lam Sơn) và đặt phục binh ở đó để chờ. Đến ngày 13, quả nhiên giặc kéo đến. Lê Lợi liền tung phục binh ra đánh và sai con của người anh là Lê Thạch cùng các tướng như Đinh Bồ, Lê Ngân và Lê Lý đem quân xông trước vào trận giặc, chém được đến vài ba ngàn tên, quân trang khí giới bắt được kể có đến hàng ngàn.

Xem thêm:  Cuộc đời oanh liệt

Trận thứ hai diễn ra gần như ngay sau trận Lạc Thủy. Bấy giờ, Lê Lợi đã cho lui quân về đóng giữ ở đất Mường Nanh (tên một địa điểm ở phía Tây của Thanh Hóa, gần Lam Sơn). Tại đây, để chủ động phá thế bao vây càn quét của giặc, Lê Lợi cho quân đánh vào Mỹ Canh. Ở trận này, nghĩa quân Lam Sơn đã chém được hơn 300 tên giặc và bắt được tướng giặc là Nguyễn Sao. Sử cũ chép rằng, người lập công đầu trong trận này cũng chính là tướng Lê Thạch.

Trận thứ ba là trận Úng Ải, nổ ra vào giữa mùa đông năm Tân Sửu (1421). Sách “Lam Sơn thực lục” chép về trận đánh này như sau: Năm Tân Sửu, tháng 11, ngày 20, tướng giặc là bọn Trần Trí đem quân và ngụy đảng gồm hơn 10 vạn đến đánh vùng Ba Lẫm rất gấp. Lê Lợi họp các tướng và nói rằng: Quân giặc đông nhưng mỏi mệt. Quân ta ít nhưng đang lúc nhàn rỗi. Binh pháp dạy rằng, được thua là can hệ ở tướng chứ không phải ở chỗ quân ít hay nhiều. Nay quân giặc tuy đông nhưng nếu ta lấy thế quân đang nhàn mà chờ đánh giặc mệt, thì thế nào cũng phá được. Nói rồi, Lê Lợi liền nhân đêm tối, chia quân đánh úp dinh trại giặc. Quân ta đánh trống reo hò, bức bách dinh trại chúng, chém được hơn ngàn đầu, quân trang khí giới bắt được không biết bao nhiêu mà kể. Trong trận thứ ba này, một lần nữa, Lê Thạch lại lập công đầu. Theo sách “Đại Việt thông sử” thì: Ông thường đi tiên phong, có công lao to lớn nhất.

Trận thứ tư diễn ra ngay sau trận Úng Ải. Bấy giờ, quân Minh do Trần Trí cầm đầu đã bị đánh lui, nhưng tình thế lại đột ngột thay đổi theo chiều hướng rất bất lợi cho Lam Sơn. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép rằng: Đúng lúc Trần Trí rút lui, Ai Lao cho 3 vạn quân và 100 thớt voi thình lình kéo đến dinh trại của Lê Lợi và nói phao là sẽ cùng hợp sức với Lê Lợi để đánh giặc. Lê Lợi tin lời chúng cho nên không phòng bị gì. Không ngờ, đến nửa đêm chúng tung quân đánh úp. Lê Lợi phải đích thân đốc chiến, đánh nhau liên tục trong nhiều giờ mới đập tan được quân Ai Lao, chém hơn 1 vạn tên, bắt được 14 con voi và thừa thắng, truy kích liền 4 ngày đêm. Lê Lợi cho quân đánh đuổi đến tận sào huyệt của chúng rồi mới về.

Tháng 12-1421, Lê Lợi đem quân về đóng tại Sách Thủy. Khi ấy, tù trưởng của Ai Lao là Mãn Sát đã lâm vào thế cùng quẫn nên muốn tìm kế hòa hoãn để đợi viện binh. Lê Lợi biết đó chỉ là mưu xảo quyệt nên có ý không cho. Các tướng ai cũng xin tạm hòa vì cho là quân sĩ khó nhọc đã lâu, cần phải được ngơi nghỉ. Lúc đó, chỉ có tướng mang hàm Bình Chương là Lê Thạch nói rằng, không thể cho giặc được giải hòa, rồi liền tự mình hăng hái cầm quân xông lên trước. Chẳng may, Lê Thạch trúng phải mũi tên do giặc ngầm bắn ra mà chết.

Lời bàn:

Như vậy, Lê Thạch là người có công tham gia rất tích cực vào quá trình chuẩn bị lâu dài, gian khổ và công phu cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn; đồng thời là một trong các vị tướng lập nhiều công lớn và liên tục trong giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa này. Ông ngã xuống bởi sự chủ quan của mình, nhưng suy cho cùng thì sự chủ quan ấy cũng có phần nảy nở từ bản thân sự chủ quan của chính Lê Lợi. Bởi khi đó, nếu Lê Lợi kiên quyết không cho xuất quân thì quân giặc không bị truy sát đến cùng để phải liều mình chống lại và Lê Thạch cũng không bị trúng tên độc mà chết.

Xem thêm:  Soạn bài Tuyên ngôn độc lập tiếp theo

Song đó là quy luật của chiến tranh, không có chiến thắng nào lại không có sự hy sinh và mất mát. Chiến thắng càng to lớn thì sự hy sinh ấy càng được tôn vinh. Chính vì vậy, khi nhận được tin Lê Thạch tử trận, Lê Lợi rất thương xót. Năm 1428, ngay khi vừa lên ngôi hoàng đế, Lê Lợi đã truy phong Lê Thạch là Nhập nội Kiểm hiệu Thái úy Bình Chương Quân quốc Trọng sự, tước Trung Vũ đại vương, cho được thờ tại nhà Tẩm Miếu. Và không những thế, ông còn được hậu thế muôn đời ghi nhớ.

Theo Tapchivanhoc.com

Check Also

cap nhat nhanhca415 310x165 - Tổ quốc trên hết

Tổ quốc trên hết

Theo sách “Danh nhân đất Quảng”, năm 1916, bà Hoàng Thị Tòng từ Hàng Châu …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *