Theo sử cũ còn lưu truyền đến ngày nay, một trong những loại tội phạm mà nhiều triều đại phong kiến ở nước ta đặc biệt lưu tâm và ra luật nghiêm trị là tham nhũng. Theo Chiếu ban hành năm 1042 thời vua Lý Thái Tổ về việc thu thuế trăm họ, nếu ai thu vượt quá sẽ bị xử theo tội ăn trộm. Người tố cáo lập công thì cả nhà được tha phú dịch trong 3 năm. Người ở kinh thành mà cáo giác thì nhận thưởng bằng hiện vật thu được.
Cụ thể, trong Chiếu thư năm 1044 của nhà Lý nêu: Ai ở kho lụa nhận riêng 1 thước lụa thì sẽ bị phạt 100 trượng, nhận từ 1 tấm trở lên bị phạt trượng theo tấm kèm 10 năm khổ sai. Cũng trong năm này, vua nhà Lý có một đạo chiếu quy định cấm các quan coi ngục không được sai tù làm việc riêng, nếu vi phạm sẽ bị xử 100 trượng, thích chữ vào mặt và phải vào nhà lao. Tuy nhiên, nạn tham ô, hối lộ vẫn chưa bị khống chế hoàn toàn mặc dù nhà nước có các điển lệ, điều luật để răn đe, xử phạt loại tội này. Và một trong những nguyên nhân góp phần làm suy yếu nhà Lý chính là nạn tham nhũng hoành hành ở giai đoạn từ triều vua Lê Uy Mục trở về sau, do kỷ cương phép nước đi xuống so với trước đó.
Trong các bộ luật cổ, Bộ luật Hồng Đức và Gia Long chú trọng đặc biệt đến việc quy định chi tiết hành vi và hình phạt. Bộ luật Hồng Đức do vua Lê Thánh Tông ban hành với hơn 700 điều thì trong đó 107 điều quy định về những hành vi không được phép phạm phải đối với quan lại như: Lợi dụng quyền thế sách nhiễu nhân dân, ăn hối lộ, gian lận, bớt xén của công, lợi dụng quyền chức để mưu lợi riêng… Điều 138 của bộ luật này quy định, quan lại mà tham nhũng, nhận hối lộ, làm sai phép nước bị phạt theo các mức sau: Nếu tham ô từ 1 đến 9 quan tiền bị cách chức, từ 10 đến 19 quan thì bị đánh trượng rồi đi đày, từ 20 quan trở lên bị xử chém. Ngoài hình phạt chính, các quan ăn hối lộ từ 1 đến 9 quan tiền bị phạt 50 quan, từ 10 đến 19 quan thì bị phạt từ 60 đến 100 quan. Đối với của hối lộ, một phần trả lại chủ, một phần sung vào kho.
Bằng chính sách mạnh tay với “quan tham”, vua Lê đã ban Sắc dụ với nội dung: Người nào không phải là thân thuộc của người đảm trách pháp luật mà mượn cớ để vòi vĩnh được biếu tặng, đi lại, chè chén, cầu kết bạn… đều phải bắt giam, xét tội. Khi đã tham ô, việc định tội không phân biệt hay căn cứ vào giàu nghèo, chức trọng, chức hèn kém… Và sử sách ghi lại chuyện về viên quan lớn dưới thời vua Lê Thánh Tông tên Lê Bô phạm tội tham ô, bị buộc vào tội hình. Có viên quan tên Trần Phong xin cho Lê Bô được nộp tiền chuộc tội. Nhà vua bảo bầy tôi trong triều rằng: Trần Phong xin cho người can tội tham ô được nộp tiền chuộc, như thế thì người giàu có nhiều của đút lót mà khỏi tai vạ, người nghèo vì không có tiền mà phải chịu tội lỗi. Theo vua, Trần Phong làm vậy là dám trái cả phép tắc của tổ tông phải trị tội cả ông này.
Trong “Quốc triều hình luật” thời Lê sơ còn có một số điều quy định: Quan lại không được lấy vợ, kết làm thông gia với người ở nơi mình cai quản; không đưa quan lại về quê hương bản quán trị nhậm; không được tậu đất, vườn ruộng, nhà tại nơi cai quản; không được lấy người cùng quê làm người giúp việc; người có quan hệ thầy trò, bạn bè không được làm việc tại cùng một công sở. Tất cả những quy định này đều nhằm tránh quan lại vơ vét của cải trong dân hoặc để người thân tín lợi dụng nhũng nhiễu nhân dân.
Trong lịch sử Việt Nam, nhà Lê sơ tồn tại trong khoảng gần 100 năm (1428-1527), là triều đại có nhiều thành tựu trên các phương diện: kinh tế, văn hóa, giáo dục… với những vị vua sáng suốt và tài giỏi: Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Thánh Tông và một hệ thống pháp luật không ngừng được hoàn thiện. Đặc biệt là vua Lê Thánh Tông và Lê Hiến Tông cho người đi khắp nơi bí mật điều tra, xét hỏi những kẻ tham ô rồi từ đó có những chính sách thưởng phạt phù hợp và đề ra biện pháp xử lý nạn tham nhũng. Một danh sách cụ thể danh tính quan lại tham nhũng, năm phát giác, xét xử cũng đã được tác giả thống kê một cách công phu trong sách. Nhờ pháp luật nghiêm minh dưới thời Lê Thánh Tông, mà sử sách đã ca ngợi: “Ngủ đêm mọi nhà không phải đóng cửa, ngoài đường không ai nhặt của rơi”.
Lời bàn:
Lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc đã chứng minh, quan liêm là phúc nước nhà, quan tham là tai họa của nhân dân. Tham nhũng luôn là mối hiểm họa lớn với dân, với nước, ảnh hưởng tới sự tồn vong của chế độ và dân tộc. Trạng Trình – Nguyễn Bỉnh Khiêm coi tham nhũng như là một loại chuột nguy hiểm, chuyên đục khoét của dân, của nước. Lê Quý Đôn coi tham nhũng là một trong 4 nguyên nhân mất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tham nhũng là thứ giặc nội xâm, cũng nguy hiểm không kém gì giặc ngoại xâm.
Ngày nay, Đảng ta đã chỉ rõ 4 nguy cơ đối với sự tồn vong của chế độ, của Đảng và trong đó có: Nguy cơ tệ nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tiêu cực xã hội, làm suy yếu Đảng. Chính vì vậy, nhiều nội dung trong công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước ta hiện nay đã và đang kế thừa những kinh nghiệm về chính sách tuyển chọn, đào tạo và quản lý quan lại thời kỳ hậu Lê. Từ đó góp phần quan trọng vào việc củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Theo Tapchivanhoc.com