Một nhân cách lớn

Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật sinh tháng Tư năm Ất Mão – 1255. Ông là con trai thứ sáu của vua Trần Thái Tông (người thời ấy thường gọi là ông Hoàng sáu hoặc Đệ lục hoàng tử) và là em của Trần Thánh Tông. Ông cũng là anh em cùng mẹ với Trần Ích Tắc (người đã bỏ trốn sang Trung Quốc trong đại chiến Nguyên Mông, mà sau này Trần Thánh Tông đã ra chỉ gọi là Ả Trần).

Theo sử sách, từ nhỏ ông đã nổi tiếng là hiếu học và sớm lộ thiên tri, ham thích hiểu biết về các tiếng nói và các giống người. Có giai thoại kể rằng khi mới sinh, trên tay Trần Nhật Duật đã có bốn chữ “Chiêu Văn đồng tử”. Về sau, vua Trần lấy đó mà đặt vương hiệu cho ông là Chiêu Văn (có nghĩa là đón cái đẹp).

Trần Nhật Duật nổi tiếng là người hiểu nhiều, biết rộng. Ngoài việc thông thạo nhiều ngoại ngữ, ông còn có sự hiểu biết sâu rộng về các nước láng giềng. Học tiếng Tống và tiếng Chiêm Thành, Nhật Duật chẳng những sử dụng thành thạo các ngôn ngữ ấy mà còn am hiểu nhiều mặt của các nước đó, kể cả những phong tục, tập quán của họ. Đối với các dân tộc trong nước, Nhật Duật không những hiểu tiếng mà còn hiểu cả tâm tư của người khác.

Ngoài 20 tuổi, Trần Nhật Duật đã được triều đình nhà Trần giao đặc trách những công việc về các dân tộc có liên quan. Chuyện xưa kể lại rằng, khi tiếp xúc với các sứ thần nhà Nguyên, ông vui vẻ, tự nhiên trò chuyện suốt cả một ngày, khiến sứ Nguyên cho rằng Nhật Duật là người Hán, có nguồn gốc ở Chân Định (thuộc nước Triệu cũ, ở vùng gần Bắc Kinh ngày nay) sang làm quan bên Đại Việt.

Xem thêm:  Làm sáng tỏ ý kiến: Tràng là một gã trai quê nông nổi, liều lĩnh nhưng lại đầy khát khao và tốt bụng

Năm 1302, vua Trần Anh Tông phong Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật làm Thái úy Quốc công cùng vua trông coi việc nước. Đến đời Minh Tông năm 1324 phong thành Tá thánh Thái sư, năm 1329 lại phong Đại vương. Ông là bậc thân vương tôn quý, làm quan trải bốn triều, ba lần coi giữ trấn lớn, đã từng là hoàng tử lưu thủ kinh thành khi vua Trần và Trần Quang Khải tuần du phương Nam. Trần Nhật Duật cũng là người có công nuôi dạy hoàng tử Mạnh từ bé (tức vua Trần Minh Tông).

Dù có nhiều công lao to lớn, lại là hoàng tử nhà Trần nhưng Trần Nhật Duật là người làm việc giỏi và ngay thẳng. Vợ ông là Trinh Túc phu nhân có lần nhờ ông một việc riêng. Ông gật đầu, nhưng đến khi ra phủ, người giúp việc đem việc ấy ra trình, ông ngăn lại không cho.

Vào triều, Trần Nhật Duật là Tể tướng, chính sự nhờ ông mà thêm phần rành mạch. Khi ở trong thái ấp, Trần Nhật Duật là bậc nghiêm cẩn mà nhân từ, phong lưu mà vẫn liêm khiết, phong hóa một vùng cũng nhờ ông mà thêm phần tốt đẹp. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn chép về ông như sau:

Ông là người hòa nhã, độ lượng, mừng vui hay giận dữ đều không lộ ra nét mặt, trong nhà không bao giờ chứa roi để đánh gia nô, nếu có đánh thì cũng kể rõ tội rồi sau mới đánh. Có lần ông sai gia đồng giữ thuyền, tên này bị gia đồng của Quốc phụ Trần Quốc Chẩn đánh. Có người đến mách, ông hỏi: Có chết không? Người đó trả lời: Chỉ bị thương thôi.

Xem thêm:  50 câu nói hay trong ngôn tình hiện đại nghe nhức nhối

Nghe vậy, ông liền nói: Không chết thì thôi, mách làm gì?

Lại có người kiện thị tì của ông với Quốc phụ, Quốc phụ sai gia đồng tới bắt. Người thị tì chạy vào trong phủ, người đi bắt đuổi đến nhà giữa, bắt trói ầm ĩ. Phu nhân khóc lóc nói với ông: Ân chúa là Tể tướng, Bình Chương (chỉ Trần Quốc Chẩn) cũng là Tể tướng. Nhưng vì ân chúa nhân từ, nhu nhược, nên người ta mới coi khinh đến nước này.

Trần Nhật Duật nghe vậy nhưng vẫn cứ ung dung không nói. Mãi lâu sau ông mới chậm rãi sai người ra bảo kẻ thị tì rằng: Mày cứ ra đi, ở đâu cũng đều có phép nước cả.

Lời bàn:

Sinh thời, Trần Nhật Duật được đồng liêu trong triều và các sử gia đương thời tôn vinh là một danh tướng mưu lược, một nhà chính trị khoan hòa, nhà ngoại giao biệt tài và nhà văn hóa uyên bác. Và xét trong lịch sử, từ thượng cổ cho tới nay có mấy ai được như vậy, thật đáng kính. Thế mới hay rằng, làm cho tướng giặc hung hãn phải khiếp sợ như ông đã từng làm mới là khó, còn làm cho cấp dưới hay những kẻ gia nô thân phận thấp hèn phải khiếp sợ vì đòn roi hoặc những lời chửi mắng như ai đó thường vẫn làm thì có gì là khó.

Và với Trần Nhật Duật, trong nhà không chứa roi đánh người, ấy là bởi ông muốn chí nhân với thiên hạ. Ông không bao giờ chấp nhất sự vụn vặt, ấy cũng là phép cư xử thường tình của một đấng đại trượng phu. Chưa hết, ông là người ung dung, khoan hòa và giữ được sự đồng thuận, nên trong thì cốt nhục được tương thân, ngoài thì đồng liêu được hòa hiếu. Thế gọi là đại nghĩa mà người quân tử phải biết. Vâng, người xưa chép lại giai thoại trên đây về Trần Nhật Duật không phải là để cho hậu thế mua vui trong những lúc trà dư tửu hậu, mà là để đời sau nhớ rằng trên thế gian này ở đâu cũng đều có pháp luật cả. Những ai biết tin vào pháp luật, thì pháp luật cũng sẽ tin vào người đó, thật chí lý thay.

Xem thêm:  Phép nước thời Lê

Theo Tapchivanhoc.com

Check Also

gai xinh di hoc dep 310x165 - Tổ quốc trên hết

Tổ quốc trên hết

Theo sách “Danh nhân đất Quảng”, năm 1916, bà Hoàng Thị Tòng từ Hàng Châu …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *