Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Nguyễn Công Cơ có hiệu là Nghĩa Trai. Ông là danh thần nhà Lê trung hưng. Quê ông làng Minh Tảo, huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Đông (nay là thôn Xuân Tảo, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội). Năm 1697, dưới triều vua Lê Hy Tông, ông thi đỗ tiến sĩ lúc 23 tuổi, là người đỗ trẻ nhất khoa thi này. Sau đó, ông được bổ làm Hiệu thảo trong Viện Hàn lâm.
Năm 1703, chúa Trịnh Căn chọn người kế vị. Con trưởng của ông là Trịnh Vĩnh khi đó đã chết sớm nên phải lấy con thứ là Trịnh Bách làm thừa tự. Trịnh Bách lại mất sớm, Trịnh Căn phải lấy con của Trịnh Vĩnh (cháu đích tôn của Trịnh Căn) là Trịnh Bính làm thừa tự. Con của Trịnh Bính là Trịnh Cương (gọi Trịnh Căn là cụ nội) khi đó đã 18 tuổi. Thế rồi Trịnh Bính cũng mất, mà chúa thì tuổi đã cao, trong khi người thừa tự thì chưa ổn định. Chúa bèn triệu quan Bồi tụng là Nguyễn Quý Đức vào hỏi, Quý Đức thưa: Trọng trách trông coi việc nước và vỗ về quân sĩ thì phải thuộc về người chắt trưởng. Vậy cúi xin sớm định ngay danh phận rõ ràng để cắt đứt sự nhòm ngó.
Sau đó, chúa quyết ý lấy Trịnh Cương làm người thừa tự, làm tờ biểu xin vua tiến phong Trịnh Cương làm Khâm sai tiết chế thủy bộ chư dinh, hàm Thái úy, tước An Quốc công. Hơn một năm sau, các con của Trịnh Bách là Trịnh Luân và Trịnh Phất tìm cách chống lại Trịnh Cương. Khi Trịnh Bách mất, Luân và Phất thấy mình là con Trịnh Bách – vị Tiết chế đã qua đời, lẽ ra phải được lập phong để nối nghiệp, nay chắt nội của Trịnh Căn là Trịnh Cương được quyền nên hai anh em câu kết với Đào Quang Giai làm bè đảng, mưu lật ngôi vị Trịnh Cương. Khi đó, quan Hiệu thảo Nguyễn Công Cơ dò la và biết được cơ mưu, liền báo cho Trịnh Căn biết.
Trịnh Căn sai bắt bọn này giam vào ngục và giao cho các quan đình úy tra hỏi. Họ đều nhận tội nên tất cả đều bị trị theo phép nước. Nguyễn Công Cơ được thăng chức Thị lang. Công Cơ là người cương trực, hễ thấy điều gì sai quấy là chẳng bao giờ bỏ qua. Các quan phủ chúa, nhất là Nguyễn Công Hãng vì thế rất ghét ông. Hai năm sau phát hiện ra vụ mưu phản của Trịnh Luân và Trịnh Phất, Nguyễn Công Cơ lại gây chấn động cả cung vua phủ chúa bởi một phát hiện của ông về gian lận thi cử, liên quan đến nhiều bậc đại thần đương quyền đương chức. Từ đó, triều đình bắt những người đã đỗ Hương cống thi lại ở lầu Ngũ Long. Nhân dịp này, Nguyễn Công Cơ được thăng hàm Thiếu bảo.
Bấy giờ cả đến việc thi cử phần nhiều cũng bị nạn nhũng lạm. Thường là hễ con nhà quan chức giàu có thì dù dốt thế nào cũng đỗ Hương cống. Nguyễn Công Cơ tấu trình sự thật, chúa lệnh bắt thi lại. Hai mươi tám người bị lật tẩy không đủ tiêu chuẩn cấp bằng. Trong số này có con trai của Tham tụng Lê Anh Tuấn, con trai của Huân Quận công Đặng Đình Giám, con nuôi của quan nội giám Thiếu bảo Đỗ Bá Phẩm và nhiều cống sĩ khác của các xứ. Những người này đều bị giao xuống pháp đình của Trương Tướng công xét hỏi để trị tội. Triều đình nhận thấy rằng Nguyễn Công Cơ là người nói thẳng nên thăng hàm Thiếu bảo.
Năm 1715, Nguyễn Công Cơ được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh. Khi đi sứ về, ông được thăng làm Thượng thư bộ Binh. Năm 1720, triều đình xét thưởng quan lại có thành tích trong 10 năm, ông là người đứng đầu, được phong tước Tảo quận công và cho hợp cùng Lê Anh Tuấn, Nguyễn Công Hãng vào làm Tham tụng.
Vì nói thẳng mấy lần nên ông bị đè nén, bèn xin đổi sang hàng quan võ, làm Đề đốc Thự phủ sự, sau trải đến Thiếu bảo. Năm 1727, chúa Trịnh Cương giao cho ông tạm coi việc ở phủ chúa. Đến năm 1733, Nguyễn Công Cơ mất lúc 58 tuổi, được triều đình truy tặng hàm Thiếu phó. Tuy làm quan lớn nhưng ông không có sản nghiệp riêng, có tiếng là thanh bần.
Lời bàn:
Nguyễn Công Cơ là một vị quan văn giỏi, một vị tướng võ tài, luôn quan tâm đến an ninh bờ cõi, là một nhà ngoại giao tầm cỡ, một vị Tể tướng nghiêm minh hết lòng thương yêu trăm họ. Và dấu ấn đậm nét nhất của cuộc đời ông đối với lịch sử dân tộc Việt Nam giai đoạn này là lần đi sứ sang Trung Quốc năm 1715. Với tài ngoại giao khôn khéo, Nguyễn Công Cơ đã buộc triều đình nhà Thanh phải hủy bỏ lệ cống “người bằng vàng thế mạng Liễu Thăng” có từ thời Lê Sơ và nhiều loại sản vật khác. Không chỉ vậy, chuyến đi sứ này, ông đã đấu tranh đòi lại mỏ đồng Tụ Long và vùng đất biên cương nhiều năm bị vua quan Trung Quốc lấn chiếm trước đây và bàn luận rồi đi đến việc cắm mốc giới, xác định rõ chủ quyền bất di bất dịch giữa hai bên cho đến ngày nay.
Là một người ngay thẳng và chính trực nên mặc dù là quan nhất phẩm, dưới một người mà trên muôn người nhưng khi về hưu ông vui sống trong cảnh thanh bần. Trong suốt sự nghiệp quan trường đầy sóng gió của mình, Nguyễn Công Cơ luôn đau đáu vì dân, vì nước và ông đã để lại nhiều thành quả lớn lao cho quê hương, đất nước. Tấm gương của Nguyễn Công Cơ rất đáng trân trọng và tôn vinh. Song, điều đọng lại sau giai thoại này là hậu thế ngày nay đã học được gì ở tiền nhân và sẽ làm gì để những giá trị truyền thống ấy trường tồn?
Theo Tapchivanhoc.com