Làm sáng tỏ ý kiến: Tràng là một gã trai quê nông nổi, liều lĩnh nhưng lại đầy khát khao và tốt bụng
Hướng dẫn
Bàn về nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân, có ý kiến cho rằng: Tràng là một gã trai quê nông nổi, liều lĩnh nhưng lại đầy khát khao và tốt bụng”. Anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
I. Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
Giới thiệu về nhân vật Tràng:
+ Truyện ngắn Vợ nhặt xoay quanh câu chuyện nhặt vợ đầy lạ lùng của nhân vật Tràng, qua tình huống nhặt vợ, nhà văn Kim Lân đã để các nhân vật của của mình bộc lộ những giá trị, phẩm chất tốt đẹp.
+ Bàn về nhân vật Tràng, có ý kiến cho rằng “Tràng là gã trai quê nông nổi, liều lĩnh nhưng lại đầy khát khao và tốt bụng”.
2. Thân bài
– Tràng là người nông dân nghèo khổ, xấu xí sống ở xóm Ngụ cư.
– Tràng có những nét tính cách hồn nhiên, trẻ con bên trong vẻ ngoài trưởng thành, có phần thô kệch.
– Tràng là người sống vô tư, có phần nông nổi, liều lĩnh.
+ Khi nạn đói hoành hành, cái đói cái chết đã trở thành nỗi ám ảnh thì anh Tràng vẫn không hề bi quan, lo sợ mà vẫn chịu khó làm ăn, nuôi sống gia đình.
+ Ngay cả khi kéo xe bò mệt mỏi anh Tràng vẫn đùa vui bằng câu hát vu vơ.
+ Qua vài câu nói đùa vu vơ, người đàn bà lạ mặt đồng ý về làm vợ của anh Tràng, trước tình huống bất ngờ, ngoài dự đoán này, anh Tràng chỉ thoáng băn khoăn rồi liền đồng ý.
—> Quyết định “nhặt vợ” của anh Tràng có phần vội vàng, mà theo đánh giá của nhiều người thì đây là hành đồng bồng bột, có phần nông nổi.
–> chấp nhận “nhặt vợ” cũng có nghĩa anh Tràng đã chấp nhận mang theo gánh nặng gia đình, chấp nhận thách thức với nạn đói để có được hạnh phúc.
–> Lấy vợ trong lúc nạn đói đang hoành hành là quyết định vô cùng liều lĩnh, nó không chỉ liên quan đến vấn đề gánh nặng gia đình mà còn liên quan trực tiếp đến miếng ăn, đến vấn đề sinh tồn.
– Theo dõi những hành động và diễn biến tâm lí của Tràng sau khi đưa vợ về nhà thì ta lại thấy thấu hiểu, trân trọng với con người tình nghĩa, với những khát khao hạnh phúc chính đáng của Tràng.
+ Tràng quyết định lấy vợ đâu chỉ vì trách nhiệm với lời đùa giỡn của mình, cũng không phải sự liều lĩnh trong lúc nông nổi, nó được xuất phát từ chính khát khao hạnh phúc thành thực nhất của Tràng.
+ Hành động mua hai hào dầu trong đêm đầu tiên vợ về nhà.
+ Nhìn thấy người đàn bà ngồi ở đầu giường Tràng đã nghĩ đến trách nhiệm của mình đối với vợ, đối với gia đình.
3. Kết bài
Lời nhận xét “Tràng là gã trai quê nông nổi, liều lĩnh nhưng lại đầy khát khao và tốt bụng” đã đánh giá tương đối đúng đắn, khách quan về nhân vật Tràng. Tràng là người đàn ông ngờ nghệch, nông nổi nhưng cũng là người đàn ông giàu tình thương, khát khao hạnh phúc nhất.
Bài liên quan đến truyện ngắn Vợ nhặt:
>>Phân tích nhân vật người Vợ nhặt trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân
>>Phân tích vẻ đẹp tình người và niềm hi vọng vào cuộc sống của nhân vật Tràng, người vợ nhặt và bà cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân
>>Phân tích sức mạnh của tình thương yêu con người qua đoạn trích Mị cứu A Phủ và Tràng đối với cô vợ nhặt
>>Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân
>>Phân tích giá trị nhân đạo trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân
II. Bài tham khảo
Truyện ngắn Vợ nhặt xoay quanh câu chuyện nhặt vợ đầy lạ lùng của nhân vật Tràng, qua tình huống nhặt vợ, nhà văn Kim Lân đã để các nhân vật của của mình bộc lộ những giá trị, phẩm chất tốt đẹp. Một trong những nhân vật tiêu biểu nhất trong truyện ngắn là anh Tràng, một người nông dân nghèo khổ, xấu xí, ngờ nghệch nhưng lại là người có tình thương, tinh thần trách nhiệm đáng quý. Bàn về nhân vật Tràng, có ý kiến cho rằng “Tràng là gã trai quê nông nổi, liều lĩnh nhưng lại đầy khát khao và tốt bụng”.
Tràng là người nông dân nghèo khổ, xấu xí sống ở xóm Ngụ cư. Theo dõi câu chuyện nhặt vợ của Tràng, ta thấy được nét tính cách hồn nhiên, trẻ con bên trong vẻ ngoài trưởng thành, có phần thô kệch. Là người đàn ông trưởng thành nhưng Tràng lại thường xuyên chơi đùa cùng đám trẻ con trong xóm cùng những hành động ngờ nghệch đã thành “thương hiệu riêng của anh Tràng “ngửa cổ lên trời mà cười hềnh hệch”.
Tràng là người sống vô tư, có phần nông nổi, liều lĩnh. Khi nạn đói hoành hành, cái đói cái chết đã trở thành nỗi ám ảnh thì anh Tràng vẫn không hề bi quan, lo sợ mà vẫn chịu khó làm ăn, nuôi sống gia đình. Ngay cả khi kéo xe bò mệt mỏi anh Tràng vẫn đùa vui bằng câu hát vu vơ “Muốn anh cơm trắng với giò/ Lại đây mà đẩy xe bò với anh nì”. Cũng chính câu hát vu vơ cùng sự hài hước, vui tính đã tạo ra cuộc gặp gỡ đặc biệt với người vợ nhặt.
Khi bị nhân vật Thị chỉ tay vào mặt mà trách mắng vì đã quên lời hứa lúc đẩy xe bò hộ, Tràng đã ngượng ngùng và chấp nhận mời Thị ăn bánh đúc như yêu cầu của chị ta. Có thể thấy hành động mời ăn bánh đúc ở đây vô cùng hào phóng, bởi trong nạn đói, miếng ăn cho bản thân, gia đình còn là một thách thức, việc mời người lạ ăn lại càng trở nên lạ lùng. Qua vài câu nói đùa vu vơ, người đàn bà lạ mặt đồng ý về làm vợ của anh Tràng, trước tình huống bất ngờ, ngoài dự đoán này, anh Tràng chỉ thoáng băn khoăn rồi liền đồng ý.
Quyết định “nhặt vợ” của anh Tràng có phần vội vàng, mà theo đánh giá của nhiều người thì đây là hành đồng bồng bột, có phần nông nổi. Phải thấy rằng chấp nhận “nhặt vợ” cũng có nghĩa anh Tràng đã chấp nhận mang theo gánh nặng gia đình, chấp nhận thách thức với nạn đói để có được hạnh phúc. Lấy vợ trong lúc nạn đói đang hoành hành là quyết định vô cùng liều lĩnh, nó không chỉ liên quan đến vấn đề gánh nặng gia đình mà còn liên quan trực tiếp đến miếng ăn, đến vấn đề sinh tồn. Tuy quyết định vội vàng, liều lĩnh nhưng có thể thấy Tràng hoàn toàn ý thức được những khó khăn khi lấy vợ trong thời điểm này “Thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng”. Nhưng cuối cùng Tràng chấp nhận đối diện với mọi thách thức, khó khăn trong cái chặc lưỡi “Chậc, kệ”.
Đọc đến đây độc giả có thể đánh giá hành động nhặt vợ của Tràng là nóng vội, liều lĩnh nhưng nếu theo dõi những hành động và diễn biến tâm lí của Tràng sau khi đưa vợ về nhà thì ta lại thấy thấu hiểu, trân trọng với con người tình nghĩa, với những khát khao hạnh phúc chính đáng của Tràng. Tràng quyết định lấy vợ đâu chỉ vì trách nhiệm với lời đùa giỡn của mình, cũng không phải sự liều lĩnh trong lúc nông nổi, nó được xuất phát từ chính khát khao hạnh phúc thành thực nhất của Tràng. Hành động mua hai hào dầu trong đêm đầu tiên vợ về nhà đã thể hiện được khát khao hạnh phúc cũng như thể hiện sự trân trọng của Tràng đối với người vợ nhặt, với hạnh phúc bất ngờ của mình.
Người vợ mà Tràng có được chỉ là người vợ theo không nhưng Tràng không hề tỏ ra rẻ rúng, coi thường, trong lòng Tràng chỉ có tình nghĩa của Tràng và người đàn bà đi bên. Nhìn thấy người đàn bà ngồi ở đầu giường Tràng đã nghĩ đến trách nhiệm của mình đối với vợ, đối với gia đình. Đây là sự chuyển biến tâm lí rõ rệt, gây bất ngờ cho tất cả mọi người, không chỉ với độc giả mà còn với chính bản thân Tràng, bởi nhìn lại hình ảnh Tràng vui đùa cùng với những đứa trẻ con, ai có thể biết rằng Tràng lại có những suy nghĩ sâu sắc, trách nhiệm đến vậy.
Lời nhận xét “Tràng là gã trai quê nông nổi, liều lĩnh nhưng lại đầy khát khao và tốt bụng” đã đánh giá tương đối đúng đắn, khách quan về nhân vật Tràng. Tràng là người đàn ông ngờ nghệch, nông nổi nhưng cũng là người đàn ông giàu tình thương, khát khao hạnh phúc nhất.
Theo Tapchivanhoc.com