Một đời vì nước

Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện”, sau một thời gian lặn lội giữa rừng sâu, núi ngàn Trường Sơn, ông Lê Mô Khởi tìm được đến Ngàn Tươi, căn cứ của cụ Phan. Nhưng cụ Phan không có ở nhà. Cụ đang đi kinh lý một số quân thứ Cần Vương đặt dưới quyền chỉ đạo của cụ, nên ông phải chờ đợi khá lâu. Cho đến khi ông Lê Mô Khởi trở về đến Thanh Lạng thì mọi việc đã đảo lộn cả cuộc đời của ông. Vừa đến bờ sông, đang dự định cách vượt sông thì bỗng nghe tiếng hò từ xa vọng lại:

“Trái đào non rớt ngoài vườn hạnh

Không ơi chàng định liệu “mần răng”…

Mấy tháng trước, ông cũng từng nghe một cô gái chăn trâu hát vậy. Cô ta đã giúp ông sang sông bằng cách ngồi trên lưng trâu của cô. Ông chợt vui mừng, cầu mong được gặp lại cô gái dạo nọ. Quả nhiên, người quen đã xuất hiện. Ông liền đề nghị: “Hôm nay chú lại gặp may rồi. Cháu cho chú sang sông với được không? À mà trâu của cháu đâu rồi?”.

– Dạ thưa ông, hôm nay cháu không về nhà mà ở lại chăn rẫy, về bên làng sợ lắm.

– Vì sao?

– Dạ thưa ông, hôm qua người Tây họ bắt được vua đem từ đồn Đồng Ca về đây. Lính họ giết người, cướp của, đốt nhà và bắt con gái nhiều lắm. Cháu sợ phải trốn lên nương. Cả làng cũng vậy.

Như sét đánh vào đầu ông choáng váng, gần như bổ sấp xuống. Trời đất quay cuồng, cảnh vật đổ nhào trước mặt ông. Ông lịm đi không biết nói gì nữa. Trời bắt đầu tối, cô gái chăn trâu cũng bỏ đi tự bao giờ. Người ta không biết ông ngồi lại ở khúc sông Thanh Lạng bao lâu nữa… Cuối cùng rồi Lê Mô Khởi cũng lần hồi về đến nơi Hàm Nghi bị bắt. Nhưng nơi đây chỉ còn lại một đống tàn! Một vũng máu chưa khô! Trước cảnh não lòng này, Lê Mô Khởi tiến đến một gốc cây cạnh đó, một cây vàng tâm, bóc lớp vỏ ngoài rồi khắc vào mấy lời tâm sự với hồn cây ngọn cỏ, như nguyện với núi cao, rừng rậm rằng:

Xem thêm:  Ham sắc hại thân

Ta là Lê Tuân! Trời sanh ta trong thời loạn, làm tôi một đấng quân vương giang hồ! Ta vứt bút, cầm gươm, nhằm non xanh mà đi vào; thờ vua trong một túp lều con xiêu vẹo! Than ôi! Vận nước còn suy! Cơ trời chưa sáng! Vua tôi ta đêm ngày nằm sương ngậm tuyết, kết cục vẫn giam hãm trong vòng thất bại (…) Ta nguyện đi theo con đường cứu nước của đấng quân vương dù có chết mòn nơi rừng xanh núi đỏ cũng cam lòng…

Những cố gắng cuối cùng của ông Lê Mô Khởi là quy tập những nghĩa quân còn lại, phối hợp với người miền Thượng, vào sâu hơn nữa tận rừng núi biên giới Lào – Việt, lập căn cứ, chờ thời cơ nổi dậy. Nhưng rút cuộc cũng chỉ nuôi được cái chí, giữ được cái danh tiết với hậu thế mà không thể nào toại nguyện được. Nó cũng giống như ở Quảng Ninh, Lệ Thủy, những tàn quân của Đề Én, Đề Chít, Hoàng Phúc đem nhau vào Trường Sơn lập trại, chờ thời cuối cùng cũng không chiến thắng nổi với bệnh sốt rét nơi sơn lâm cùng cốc.

Sau khi vua Hàm Nghi bị bắt, phong trào Cần Vương cứu nước hầu hết bị tan rã; không phải vì người Pháp đánh thắng họ mà có lẽ vì phong trào đã mất ngọn cờ chính nghĩa, mặc dầu nhà Nguyễn vẫn còn vua quan nhưng Nhà nước phong kiến đã mất chủ quyền. Đất nước bước vào con đường nô lệ, nhưng cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng Tổ quốc sẽ chuyển cờ lãnh đạo sang tay nhân dân, vai trò Cần Vương cứu nước hết nhiệm vụ lịch sử.

Xem thêm:  Phân tích khổ 3 bài thơ Việt Bắc

Có một giai thoại kể rằng, năm ông 60 tuổi, sức đã tàn, lực đã kiệt vì lam chướng lâu ngày, thì “con voi già của vua Hàm Nghi” đã cõng ông về tận quê hương ông, xong nhiệm vụ, nó lại trở vào rừng núi tiếp tục cuộc đời tự do ở chốn rừng xanh. Trong giờ lâm chung, ông chỉ kịp trao lại cho con cháu thanh kiếm suốt đời ông đem bên mình với mấy lời dặn: Con cháu ta chớ làm điều gì xấu đến truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ.

Lời bàn:

Cuộc đời của Lê Mô Khởi là như thế đó, vậy mà sau khi ông mất, một số sử sách của triều Nguyễn thực hiện theo ý đồ của người Pháp nên đã chép rằng: Lê Mô Khởi về đầu hàng người Pháp. Thế nhưng, người đương thời chắc chắn rằng không ai tin điều đó là sự thật, còn những người dân làng Cao Lao Hạ vào thời ấy đã kiên cường nói thẳng vào mặt quân thù rằng Lê Mô Khởi trước sau vẫn là một người yêu nước, không bao giờ đầu hàng, một chiến sĩ của phong trào Cần Vương anh dũng, bất khuất. Bằng chứng là sau ngày ông mất, người dân trong vùng đã lập đền thờ ông ngay tại quê hương mình với sự tôn kính tuyệt đối tôn ông là “thành hoàng”.

Vì thế, cuộc chiến đấu chống Pháp tại căn cứ Trại Nái của Lê Mô Khởi dưới cờ Cần Vương ở Quảng Bình nổ ra đã hơn một thế kỷ, nhưng hình ảnh lẫm liệt của nghĩa quân Trại Nái dưới quyền chỉ huy của Tán tương quân vụ Lê Mô Khởi vẫn còn in đậm trong lòng người dân làng Cao Lao Hạ. Thế mới biết chính nhân dân là người viết sử chính xác và công minh nhất và không một thế lực nào bắt họ làm trái với lương tâm cũng như lòng tôn kính đối với những người anh hùng vì dân, vì nước.

Theo Tapchivanhoc.com

Check Also

7142 1494911290049 1014 310x165 - Tổ quốc trên hết

Tổ quốc trên hết

Theo sách “Danh nhân đất Quảng”, năm 1916, bà Hoàng Thị Tòng từ Hàng Châu …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *