Đề bài: Phân tích khổ 3 bài thơ Việt Bắc
“Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.”
Những vần thơ ngọt ngào được cất lên như tiếng nấc lòng trong buổi chia li đầy nghẹn ngào giữa núi rừng Tây Bắc. Những người lính kháng chiến nay đã hoàn thành nhiệm vụ mang lại chiến thắng vẻ vang cho dân tộc, còn nhân dân Việt Bắc cũng đã nỗ lực hết mình, nhường cơm sẻ áo cho các chiến sĩ cách mạng. Sau bao gian nan vất vả bên nhau, giờ đây kẻ ở người đi, chỉ còn lại những kỷ niệm luyến lưu làm xao động lòng người:
“Mình đi có nhớ những những
Mưa nguồn suối lũ những mây cùng mù
Mình về có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?
Mình về, rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già.
Mình đi, có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son
Mình về, còn nhớ núi non
Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh
Mình đi, mình có nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa?”
Nhớ, nhớ…Một nỗi nhớ khôn nguôi… Tố Hữu đã để cho người dân Việt Bắc được trải lòng trên những trang thơ của mình với những kỉ niệm rất đỗi giản dị và đơn sơ. Nhưng chính những điều nhỏ bé ấy lại là cốt lõi, là cội nguồn của dân tộc.
Đoạn thơ là tâm tư, là nỗi niềm của người dân miền Bắc muốn thổ lộ với những người lính trong giờ phút chia li. Cảm xúc là thứ không thể định nghĩa được nhưng lại hằn in trên từng kỉ niệm đằm thắm và sâu sắc. Những kỉ niệm ấy là những tháng ngày vượt gian nan, cả dân và quân cùng sát cánh bên nhau đi qua gian khổ, thiếu thốn, cùng chống lại “mưa nguồn suối lũ những mây cùng mù”. Rồi những ngày ở chiến khu, dù bữa cơm chỉ có muối trắng nhưng “mối thù nặng vai”. Tác giả sử dụng hình ảnh đối lập không phải chỉ để nói lên những khó khăn của cuộc kháng chiến mà điều quan trọng trong đó là tấm lòng sắt son với đất nước, là ý chí quyết tâm chiến đấu đến cùng dù có gian khổ hay thiếu thốn bao nhiêu. Những con người xa lạ bỗng chốc trở nên quen thuộc, thân thiết khi cùng chung một lý tưởng giải phóng đất nước, mang lại độc lập tự do cho dân tộc.
Trong suốt cả “mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng”, giữa người với người đã trở thành “mình” với “ta”. Họ đã hòa chung làm một, tưởng chừng như không gì có thể tách rời. Trong giây phút phân li, mọi người “cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…”, để cho “rừng núi nhớ ai”, cho “trám bùi để rụng, măng mai để già”. Chiến tranh kết thúc, các anh ra về, những trái trám ngọt bùi, những ngọn măng mai trước đây từng là món ăn khoái khẩu, đặc sản nay không người hái, không người thưởng thức. Hình ảnh rất đơn sơ nhưng chất chứa nhiều tình cảm mến thương. Không hề xa hoa, hào nhoáng, cũng không có một ngôn từ nào mĩ lệ, những vần thơ vẫn cứ thế đi vào lòng người một cách rất tự nhiên. Một loạt những kỉ niệm thân thương khiến kẻ ở người đi không khỏi bồi hồi xao xuyến. Những mái nhà “hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son”, dù có nghèo nhưng với tầm lòng thủy chung với cách mạng, những người dân nơi đây vẫn luôn sẵn sàng hi sinh tất cả cho chiến sĩ, miễn sao họ có điều kiện tốt nhất có thể để cầm súng xông pha ra mặt trận chiến đấu với kẻ thù. Nhờ có những tấm lòng son ấy, họ đã cùng nhau kháng Nhật, chống Việt Minh, làm nên các chiến thắng lẫy lừng ở Tân Trào, Hồng Thái, trả lại sự bình yên cho “mái đình, cây đa”.
Biết bao nhiêu kỉ niệm không thể nào nói hết thành lời. Giây phút chia tay bịn rịn và quyến luyến không ai nỡ rời xa. Điều đặc biệt ở đây là những hình ảnh được Tố Hữu gợi nhớ lại đều gắn liền với cội nguồn, với cốt lõi của dân tộc, của nhân dân như: miếng cơm chấm muối, những mái nhà hắt hiu lau xám, núi non, thuở kháng Nhật, Việt Minh, mái đình cây đa và hai địa danh Tân Trào, Hồng Thái. Đây không chỉ là những lời nhắn nhủ của nhân dân Việt Bắc dành cho cách chiến sĩ cách mạng trở về xuôi mà còn là một cách để ghi lại dấu ấn lịch sử của dân tộc về một thời kháng chiến tại chiến khu Việt Bắc. Ở đó, cả rừng núi và nhân dân đều đóng vai trò rất quan trọng. Nếu như rừng núi là căn cứ bí mật, an toàn để quân ta áp dụng những chiến lược chiến đấu thì nhân dân nơi đây là hậu phương vững chắc luôn giúp các anh luôn vững tay súng chống trả kẻ thù. Có những lúc dù chỉ có miếng cơm chấm muối hay miếng cà dầm tương, họ cũng chia sẻ cùng nhau. Họ đã cống hiến hết mình cho cách mạng. Không góp được máu nhưng bao mồ hôi công sức họ dồn hết tất cả cho đất nước. Để đến giây phút này khi phải chia li, họ gửi gắm cho nhau những tình cảm chân thành nhất, nồng nàn nhất.
Tố Hữu vừa là một nhà thơ nổi tiếng, vừa là một người chiến sĩ đã cùng nhân dân vào sinh ra tử tại nơi này, nên ông hiểu hơn ai hết cuộc sống của những ngày tháng qua, của “mười lăm năm ấy” dẫu có bao gian nan những vẫn “thiết tha mặn nồng”. Viết lên những vần thơ này, hẳn lòng ông cũng nghẹn ngào lắm, xúc động lắm. Và chính bản thân ông cũng đã cống hiến hết mình cho dân tộc. Những câu chữ ông dùng không có một từ nào mới mẻ nhưng chính sự giản dị, chân phương đã chiếm được nhiều cảm xúc của người đọc. Ông đã thay lời người dân nơi đây nhắn nhủ cho các chiến sĩ cách mạng. Rằng mai này khi trở về rồi cũng đừng bao giờ quên những tháng ngày đã cùng nhau gắn bó nơi đây, cùng nhau bước qua bao gian khổ để đi đến đích chiến thắng vẻ vang. Trong số đó dù không ít người đã bỏ lại mình nơi đây nhưng dù ở đâu thì cũng là trên quê hương Việt Nam dấu yêu.
Đoạn thơ đã tái hiện lại những kỉ niệm giản dị giữa người dân miền bắc và chiến sĩ cách mạng trong suốt thời kỳ kháng chiến. Những kỉ niệm ấy không chỉ là ký ức của riêng ai mà là dấu ấn lịch sử của cả dân tộc.
Nguồn: Tài liệu văn mẫu