Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, vào tháng 4-1289, triều đình nhà Trần tổ chức định công ban thưởng sau chiến thắng quân Nguyên lần thứ ba. Trong lần này, Đỗ Khắc Chung được ban quốc tính, từ họ Đỗ sang họ Trần. Từ đó, đường danh vọng của ông ngày một rộng mở. Tháng 12 năm 1293, ông được bổ giữ chức An Phủ sứ ở kinh đô. Tháng 10-1303, ông được thăng chức Nhập nội Hành khiển. Chức này ngang với Tể tướng và ông là bậc sĩ phu đầu tiên được trao chức ấy.
Tuy nhiên, cũng từ đây, lý lịch cuộc đời của Đỗ Khắc Chung có không ít điều khiến cho người đương thời dị nghị cũng như hậu thế phải đàm tiếu. Xin được lược ghi lại ba giai thoại để tiếng xấu cho đời của ông trong thời kỳ này.
Giai thoại thứ nhất là mối quan hệ giữa ông với công chúa Huyền Trân. Tháng 6 năm 1306, vua Trần Anh Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành là Chế Mân. Đa số quan lại trong triều đều phản đối, duy chỉ có Đỗ Khắc Chung và Trần Đạo Tái (con của Trần Quang Khải) là ủng hộ. Công chúa Huyền Trân về đất Chiêm Thành, nhưng hương lửa chưa nồng thì đến tháng 10-1307, vua Chế Mân qua đời.
Theo tục lệ của Chiêm Thành ngày ấy, nếu hoàng đế qua đời thì hoàng hậu phải lên giàn hỏa thiêu cùng với thi thể của hoàng đế. Vì vậy, vua Trần rất lo lắng cho tính mạng của Huyền Trân công chúa và đã sai Đỗ Khắc Chung tìm mọi cách để cứu bằng được công chúa Huyền Trân. Về sau, chính Đỗ Khắc Chung đã được nhà vua ủy thác thực hiện nhiệm vụ này. Ông đã thành công, nhưng tiếc là khi cùng công chúa Huyền Trân trở về Thăng Long, ông đi lòng vòng quá lâu, khiến cho nhiều người dị nghị vì cho rằng ông đã có quan hệ bất chính với Huyền Trân. Thậm chí có không ít đồng liêu trong triều còn coi khinh ông ra mặt.
Giai thoại thứ hai xảy ra vào tháng 6 năm Ất Mão (1315). Bấy giờ, trời làm hạn hán, các quan ở Ngự Sử đài dâng sớ lên nhà vua, với nội dung cho rằng trăm sự chẳng qua là do Đỗ Khắc Chung, lúc này đang giữ chức Tể tướng mà không biết cách điều khiển âm dương, tức là làm quan mà chẳng nên công trạng gì. Đỗ Khắc Chung nghe vậy liền cãi và nói rằng:
– Tôi lạm giữ chức Tể tướng, chỉ biết cố sức làm tất cả những gì phận sự buộc phải làm, còn như hạn hán thì phải hỏi ở Long Vương, chứ Đỗ Khắc Chung này đâu phải là Long Vương mà bắt tội được.
Về sau, khắp vùng lại có lũ lụt, vua Trần đã thân chinh đi đắp đê chống lụt, nhưng các quan trong triều ra sức can ngăn và cho đó là việc nhỏ nhặt. Nhưng Đỗ Khắc Chung cho đó là việc lớn, làm việc lớn ấy cũng chính là tu thân sửa đức. Lời ấy khiến cho các quan càng ghét ông hơn.
Giai thoại thứ ba xảy ra vào tháng 3 năm Mậu Thìn (1328). Lúc bấy giờ Đỗ Khắc Chung đã được phong tới hàm Thiếu bảo, được giao trách nhiệm xét xử một trọng án. Bị cáo của vụ án này lại chính là Trần Quốc Chẩn (con của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, thân sinh của hoàng hậu vua Trần Minh Tông). Đây là một vụ vu oan, nhưng Đỗ Khắc Chung xét án không kỹ, khiến Trần Quốc Chẩn bị chết oan. Việc này khiến ông bị người đương thời cho là kém cỏi. Còn các quan đồng liêu trong triều thì xem thường ra mặt. Cũng từ đó, danh tiếng của ông ngày một lụi dần.
Ngoài 3 sự kiện nói trên, Đỗ Khắc Chung còn nhiều lần bị khiển trách. Tính ông ưa vui đùa và cả khi vui đùa như vậy ông cũng bị coi là khiếm nhã, dẫu sự thực không đến nỗi ấy. Ông qua đời năm Canh Ngọ (1330), hưởng thọ 84 tuổi.
Lời bàn:
Theo sử cũ, Đỗ Khắc Chung là người có thực tài. Ông làm quan trải bốn đời vua, đã có nhiều công lao to lớn giúp các vua nhà Trần giải quyết được nhiều vấn đề cực kỳ khó khăn và cấp bách của đất nước trước nạn ngoại xâm. Đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông lần thứ hai vào năm 1285, với danh nghĩa là sứ giả của triều đình, ông chẳng những không làm nhục đến mệnh vua, mà ngược lại còn làm cho kẻ thù phải khiếp sợ. Mặc dù ông thuộc hàng quan văn, nhưng cái bất diệt mà ông để lại cho đời lại chính là dũng khí trước kẻ thù hung bạo. Ông xứng đáng được xếp vào hàng các bậc danh tướng của nước nhà.
Vẫn biết rằng vào cuối đời, ông đã mắc một số sai lầm, nhưng điều đó không làm lu mờ danh tiếng cũng như công lao to lớn của ông đối với sự nghiệp lẫy lừng của triều đình nhà Trần. Tiếc rằng chỉ vì những sai lầm không đáng có trong cách ứng xử mà Đỗ Khắc Chung đã phải trả cái giá quá đắt, đó là chính mạng sống của mình. Khi đánh giá về một nhân vật lịch sử, nhân dân bao giờ cũng là người công bằng nhất. Vì thế mà ông đã được tôn vinh là thành hoàng làng và được dựng miếu thờ ở nhiều nơi. Vâng, cuộc đời cùng sự nghiệp và cái chết của Đỗ Khắc Chung sẽ mãi mãi là bài học hữu ích cho hậu thế và mong đừng ai quên.
Theo Tapchivanhoc.com