Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Trần Hưng Đạo còn được gọi là Hưng Đạo đại vương hay Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương là một nhà chính trị, quân sự, tôn thất hoàng gia Đại Việt thời Trần. Ông nổi bật với việc chỉ huy quân đội đánh tan 2 cuộc xâm lược của quân Nguyên – Mông năm 1285 và năm 1288.
Hưng Đạo vương là con của Khâm Minh Đại vương Trần Liễu, anh ruột của vua Trần Thái Tông. Ông được sử cũ mô tả là người “thông minh hơn người”. Năm 1257, ông được Trần Thái Tông phong làm tướng chỉ huy các lực lượng ở biên giới đánh quân Mông Cổ xâm lược. Sau đó, ông lui về thái ấp ở Vạn Kiếp. Đến tháng 10 âm lịch năm 1283, nhà Nguyên – Mông Cổ đe dọa đánh Đại Việt lần hai, Hưng Đạo vương được thượng hoàng Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông phong làm Quốc công tiết chế thống lĩnh quân đội cả nước.
Trên cương vị này, năm 1285, ông lãnh đạo quân sĩ chặn đánh đội quân xâm lược của Trấn Nam vương Thoát Hoan. Sau những thất bại ban đầu, quân dân Việt dưới sự lãnh đạo của hai vua Trần, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải và Hưng Đạo vương phản công mạnh mẽ, phá tan quân Nguyên trong các trận Hàm Tử, Chương Dương, Trường Yên, Vạn Kiếp…, quét sạch quân Nguyên khỏi biên giới.
Năm 1288, quân Nguyên -Mông trở lại xâm lược Đại Việt lần thứ 3. Hưng Đạo vương tiếp tục làm Quốc công tiết chế. Ông khẳng định với nhà vua rằng: “Năm nay đánh giặc nhàn”. Ông đã dùng lại kế cũ của Ngô Quyền, đánh bại hoàn toàn thủy quân của các tướng Phàn Tiếp, Ô Mã Nhi trong trận Bạch Đằng. Quân Nguyên lại phải chạy về nước. Tháng 4 âm lịch năm 1289, Trần Nhân Tông chính thức gia phong ông làm Đại vương. Nhưng chức quyền đứng đầu triều đình khi đó vẫn thuộc về Chiêu Minh vương Trần Quang Khải. Sau đó, ông lui về Vạn Kiếp đến khi mất năm 1300. Trước khi mất, ông khuyên Trần Anh Tông: Phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc.
Trong Thuyết Trần, Trần Xuân Sinh ghi: “Trước sự bành trướng của nhà Nguyên, nhà Trần đã đề phòng, chuẩn bị kháng cự. Trần Quốc Tuấn mở trường dạy võ, dạy con em hoàng tộc và những người tài giỏi trong nước. Ông thường đi khắp các lộ, kiểm soát các giảng võ đường địa phương, thu dụng nhiều người tài giỏi trong nước như Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Chế Nghĩa, Đỗ Hành…”.
Sau chiến thắng quân Mông Cổ lần thứ nhất, thay vì tận hưởng cảnh thái bình với chức cao, lộc lớn, Hưng Đạo vương vẫn đốc thúc quân sĩ luyện tập không ngừng nghỉ. Ông chỉ trích lối sống hưởng thụ của quân sĩ: “Có kẻ lấy việc chọi gà làm vui; có kẻ lấy việc cờ bạc làm thích. Có kẻ chăm lo vườn ruộng để cung phụng gia đình; có kẻ quyến luyến vợ con để thỏa lòng vị kỷ. Có kẻ tính đường sản nghiệp mà quên việc nước; có kẻ ham trò săn bắn mà trễ việc quân. Có kẻ thích rượu ngon; có kẻ mê giọng nhảm”… “Nếu bất chợt có giặc Mông Thát tràn sang thì cựa gà trống không đủ đâm thủng áo giáp của giặc; mẹo cờ bạc không đủ thi hành mưu lược nhà binh. Vườn ruộng nhiều không chuộc nổi tấm thân ngàn vàng; vợ con bận không ích gì cho việc quân quốc. Tiền của dẫu lắm không mua được đầu giặc; chó săn tuy hay không đuổi được quân thù. Chén rượu ngọt ngon không làm giặc say chết; giọng hát réo rắt không làm giặc điếc tai”.
Do đã có những công lao to lớn trên con đường vệ quốc, gìn giữ độc lập, vua đã trao cho ông vị trí tối cao toàn quyền chỉ huy quân đội toàn quốc, đồng thời cho phép ông phong tước, hiệu cho bất kỳ ai mà ông muốn. Nhưng trong suốt cuộc đời, ông không hề sử dụng đặc quyền này. Cuộc đời vẻ vang cùng những chiến công hiển hách của Trần Quốc Tuấn là kết quả của quá trình rèn luyện, cống hiến suốt đời. Giả thử vị tướng ấy mải mê tận hưởng cuộc sống vương hầu mà gạt việc rèn binh luyện tướng, liệu sử sách có thể ghi danh ông với chiến công 3 lần dẫn dắt quân dân nhà Trần đánh tan đế quốc hùng mạnh Nguyên Mông?
Lời bàn:
Dưới sự lãnh đạo của Hưng Đạo vương, quân đội Đại Việt đã vượt qua nhiều gian nan, chỉ với đội quân ít hơn so với đối phương lại 3 lần đánh tan hàng vạn quân Mông – Nguyên hùng mạnh, giành thắng lợi mà “tiếng vang đến phương Bắc, khiến chúng thường gọi ông là An Nam Hưng Đạo Vương mà không dám gọi thẳng tên”. Công lao to lớn này đã đưa ông lên hàng “thiên tài quân sự có tầm chiến lược và là một anh hùng dân tộc bậc nhất của nhà Trần”. Nếu Trần Quốc Tuấn dốc lòng theo đuổi vinh hoa mà bỏ qua lẽ phải, đạo làm người, thì liệu hậu thế có mãi tôn xưng ông là Đức thánh Trần và thờ phụng muôn đời?
Cuộc đời Trần Quốc Tuấn, một trong những tướng soái kiệt xuất trong lịch sử nhân loại, dạy người trẻ ngày nay sống rộng lượng, hợp lẽ phải, không chạy theo lối sống hưởng thụ. Những lời nhắc nhở của vị tướng đại tài trong giai thoại nêu trên chắc chắn không chỉ cảnh tỉnh binh sĩ dưới quyền mà còn là bài học cho giới trẻ ngày nay. Thông qua câu chuyện về Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, hậu thế thời nay ắt hẳn nhận ra muốn thành công, mỗi người phải gạt bỏ thói quen hưởng thụ, không ngừng cố gắng và điều quan trọng hơn là phải có tấm lòng khoan dung, độ lượng.
Theo Tapchivanhoc.com