Đề cao thanh liêm

Lê Thánh Tông là hoàng đế thứ tư của triều Lê. Ông trị vì từ ngày 26-6-1460 đến khi qua đời năm 1497, tổng cộng 37 năm và là vị hoàng đế trị vì lâu nhất thời hậu Lê – giai đoạn Lê sơ. Lê Thánh Tông tên thật là Lê Tư Thành, là con thứ tư của Lê Thái Tông. Cuối năm 1442, hoàng đế Thái Tông mất, thái tử Lê Bang Cơ lên ngôi, tức Lê Nhân Tông, phong Tư Thành làm Bình Nguyên vương. Năm 1459, người con cả của Thái Tông là Lê Nghi Dân giết vua Nhân Tông và cướp ngôi. Nghi Dân chỉ ở ngôi được 8 tháng.

Ngày 6 tháng 6 âm lịch năm 1460, các tể phụ Nguyễn Xí, Đinh Liệt làm binh biến, bức tử Nghi Dân. 2 ngày sau, họ thấy Tư Thành có năng lực nên bàn nhau lập ông làm vua. Lê Thánh Tông lên ngôi hoàng đế, xưng làm Thiên Nam Động chủ, đặt niên hiệu là Quang Thuận. Trong hơn 37 năm trị quốc, Lê Thánh Tông đã ban bố rất nhiều chính sách nhằm hoàn thiện bộ máy quan chế, hành chính, kinh tế, giáo dục – khoa cử, luật pháp và áp dụng các giá trị tân Nho giáo vào việc trị an, khiến Đại Việt trở thành một quốc gia ổn định và văn minh.

Ông xây dựng một hệ thống quan liêu đồ sộ từ Trung ương tới địa phương, với tổng số quan trong, ngoài hơn 5.300 người. Ông còn chia đất nước làm 13 thừa tuyên và phủ Phụng Thiên trực thuộc đế đô Đông Kinh, sai quan nghiên cứu hình thế núi sông mà đóng thành bản đồ Hồng Đức. Ông rất chú trọng việc tiến cử, cất nhắc quan lại tài năng, liêm khiết và nghiêm khắc bài trừ tệ tham nhũng, biếng nhác, phóng đãng và vô đạo đức trong giới quan chức. Tuy nhiên, ông không thể diệt trừ triệt để tệ tham nhũng vì bản chất cồng kềnh và lương ít của bộ máy quan liêu do ông lập ra.

Xem thêm:  Soạn Bài Ôn Luyện Về Dấu Câu Lớp 8

Lê Thánh Tông cũng hết sức chú trọng phát triển giáo dục và văn hóa, qua việc ông mở rộng quy chế các khoa thi chọn ra người tài cống hiến cho quốc gia. Ông đặt lệ 3 năm mở 1 khoa thi lớn, cho phép những người thi đỗ được về quê vinh quy bái tổ, lại cho dựng văn bia ghi tên họ ở Văn Miếu. Thời ông mở 12 kỳ thi lớn, lấy đỗ hơn 500 người và được sĩ phu Phan Huy Chú thời Nguyễn nhận xét: Khoa cử các đời, thịnh nhất là đời Hồng Đức. Về kinh tế, ông hết mực chăm lo nông nghiệp và khuyến khích dân mở chợ để đẩy mạnh trao đổi hàng hóa trong nước. Tuy nhiên, đối với ngoại thương, ông thực hiện chính sách ức chế gắt gao gây kiềm hãm đối với sự phát triển kinh tế của Đại Việt.

Các thành tựu về nội trị và đối ngoại của Thánh Tông đã khiến Đại Việt quật khởi thành một cường quốc trong khu vực Đông Nam Á. Trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có lời nhận định của sử quan Nho thần đời sau về ông: “Vua sáng lập chế độ văn vật khả quan, mở mang đất đai, cõi bờ khá rộng, thực là bậc vua anh hùng tài lược, dẫu Vũ Đế nhà Hán, Thái Tông nhà Đường cũng không thể hơn được…”. Lê Thánh Tông còn là một nhà thơ, nhà văn lớn, ước tính có hàng ngàn sáng tác bằng chữ Hán và chữ Nôm, trong đó thơ chữ Hán ngày nay còn hơn 350 bài.

Lê Thánh Tông rất đề cao quan thanh liêm, lấy người tài đức ra giúp nước, vua đã ra sắc lệnh: “Từ nay, Cấp sự trung trong Lục khoa và Giám sát ngự sử nếu có khuyết ngạch thì Bộ Lại chọn các quan trong kinh sư, ngoài các đạo… là người liêm khiết, cần mẫn, cứng rắn, ngay thẳng, có thành tích về chính trị, thì cất nhắc lựa bổ”. Người được đề cử vào chức vụ ấy sẽ thử việc trong 1 năm, nếu xứng thì giữ nguyên, không đổi sang chức khác. Với quan miền viễn biên, nếu thanh liêm, “hết lòng vỗ về thương yêu dân, không nhũng nhiễu” và việc thu thuế vẫn đầy đủ khi mãn hạn 6 năm, hoàn thành tốt công việc sẽ cho chuyển về nơi tốt hơn.

Và không chỉ vậy, Lê Thánh Tông còn thưởng tiền bạc. “Nhà ngươi (nói với viên quan Nguyễn Thiện – “Đại Việt sử ký toàn thư”) làm bầy tôi, hết lòng thành lo việc nước, thường dâng lời nói phải, có lúc trẫm dùng uy quyền để lấn át cũng chưa thấy nhà ngươi nao núng. Thật là đáng khen. Vậy đặc cách sai viên Ty lễ giám đem sắc dụ đến ban khen thưởng cho bạc lạng”. Nguyễn Phục luôn ăn nói ngay thẳng, do đó đã được thăng làm Tham chính Thanh Hóa và thưởng nhiều vàng bạc.

Lời bàn:

Theo sử cũ, Lê Thánh Tông là người nổi tiếng thông minh, tài giỏi nhất trong số các vị vua Việt Nam dưới thời phong kiến nói chung và các vua thời Lê sơ nói riêng. Sau khi lên ngôi, ông đã tiến hành cải cách chính trị, mở mang học hành, chỉnh đốn võ bị, đề cao văn hóa… đưa quốc gia phát triển rực rỡ về mọi mặt từ kinh tế, văn hóa, xã hội, đến giáo dục, quân sự và trở thành một cường quốc, làm nên nền quân chủ chuyên chế Việt Nam đạt đến đỉnh cao vàng son. Điều này khiến vua Lê Thánh Tông trở thành một trong những vị hoàng đế vĩ đại nhất của lịch sử phong kiến Việt Nam và là hiện thân của một thời đại hoàng kim của quốc gia Đại Việt.

Xem thêm:  Khí tiết Trần Cao Vân

Đó là kết quả của việc Lê Thánh Tông đã biết sử dụng bậc hiền tài, đề cao đức tính thanh liêm của quần thần trong việc xây dựng thiết chế mới và đẩy mạnh phát triển giáo dục, đào tạo nhân tài. Về văn hóa, Lê Thánh Tông đã có công tạo lập cho thời đại một nền văn hóa với một diện mạo riêng, khẳng định một giai đoạn phát triển mới của lịch sử văn hóa dân tộc. Nói tới công lao của ông đối với nền văn hóa dân tộc, không thể không kể đến một việc có ý nghĩa lịch sử mà ông đã làm. Đó là việc ông hủy án, minh oan và truy phong cho Nguyễn Trãi là “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo” (Tấm lòng Ức Trai sáng tựa sao Khuê).

Theo Tapchivanhoc.com

Check Also

nu sinh dak lak xin1115 040129 310x165 - Tổ quốc trên hết

Tổ quốc trên hết

Theo sách “Danh nhân đất Quảng”, năm 1916, bà Hoàng Thị Tòng từ Hàng Châu …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *