Thời phong kiến, khi mà bộ môn khoa học hình sự chưa được hình thành và các trang thiết bị phục vụ điều tra phá án còn rất thô sơ, phần lớn các vị quan tòa đều dựa vào kinh nghiệm thực tế và kiến thức của mình để thực thi pháp luật. Thậm chí trong một số trường hợp, các vị quan xét án đã dựa vào sự mê tín của thủ phạm, qua đó lột trần chân tướng của chúng. Và vào thời Hậu Lê, đã có vụ xử án như vậy do quan Nhữ Đình Hiền tại Hải Dương xét xử.
Nhữ Đình Hiền là con trai thứ ba của Nhữ Tiến Dụng ở làng Hoạch Trạch, huyện Đường An, nay thuộc xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Năm ông 17 tuổi, đi thi hương trúng tứ trường. Năm 21 tuổi, ông thi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân; đến năm 26 tuổi, giữ chức Hình khoa đô cấp sự trung. Khi 34 tuổi, ông làm Đốc đồng xứ Kinh Bắc, rồi Tham chính Sơn Nam. Đến năm 39 tuổi, ông làm Chánh sứ đi Trung Quốc, được phong Hữu thị lang; sau đó làm quan đến Hình bộ Thượng thư, được phong tước hầu.
Chuyện xưa kể lại rằng, dạo ấy có cô em gái đi thăm chị ốm. Đường từ làng cô em gái ở đến làng người chị gái lấy chồng cách nhau một quãng khá xa. Cô em gái đi thăm chị đã nhiều ngày mà không thấy trở về. Người chồng tưởng vợ mình ở lại chăm sóc chị nhưng rồi mãi không thấy tin tức gì. Người chồng nghi là vợ bị chồng chị gái sát hại, nên đã làm đơn kiện lên quan. Ngay sau đó, chồng của chị gái bị bắt và bị tống giam vào nhà lao. Sau nhiều lần đưa ra xét xử, vụ cô em gái mất tích vẫn đi vào ngõ cụt. Chứng cứ, tang vật vụ án không có, nên tội trạng của người chồng chị gái vẫn không cấu thành được. Án xử đi xử lại nhiều lần, pháp quan xử án nhiều phen thay đổi, trải qua đến 6, 7 năm mà vụ án không có gì tiến triển. Trong khi ấy, chồng của người chị gái thì một mực kêu oan. Chúa Trịnh đã lệnh cho Nhữ Đình Hiền trực tiếp đảm nhiệm việc điều tra, xét xử.
Chứng cứ, tang vật vụ án không có, mà nghi phạm số 1 lại dồn hết vào người chồng của chị gái. Quan Thượng thư bộ Hình rà soát lại toàn bộ hồ sơ vụ án. Không như các vị quan xử vụ này đa phần liên tục nhằm vào đối tượng chính là người chồng chị gái mà tra khảo, Nhữ Đình Hiền tra xét vụ án theo một hướng khác. Sau khi xem xét khoảng cách địa lý giữa làng người em gái và người chị gái trên địa đồ, ông để ý thấy trên quãng đường giữa làng người em gái sang làng người chị tất phải đi qua một cánh đồng. Ở cánh đồng đó có một ngôi chùa được bao quanh bởi cây cối rậm rạp. Người em gái đến thăm người chị phải đi qua khu vực này. Nghi phạm chính của vụ án là người anh rể thì một mực kêu oan, chắc chắn phải có uẩn tình gì đây khi cô em đi qua ngôi chùa này.
Từ đó, Thượng thư bộ Hình Nhữ Đình Hiền chuyển nghi vấn của mình sang đối tượng mới là những người sống trong ngôi chùa. Phải làm cách nào để lôi ra ánh sáng tội ác của chúng khi mà thời gian đã trôi qua quá lâu, dấu vết không còn lại gì. Suy nghĩ nhiều đêm, cuối cùng ông tìm ra cách phá án độc đáo. Nhữ Đình Hiền cùng tùy tùng giả cách là quan viên đi lễ chùa, rồi mượn cớ tụng kinh, niệm Phật để lưu lại qua đêm. Sáng hôm sau ngủ dậy, ông yêu cầu sư trụ trì cho triệu tập hết sư tăng lại. Khi họ đến đông đủ, ông lấy cớ đêm qua ngủ tại chùa, nằm mơ thấy mộng báo có người con gái bị cưỡng hiếp mà chết oan ở đây, rồi ông lớn tiếng nói với tất cả sư tăng rằng: Các người đều là kẻ tu hành, nương nhờ cửa Phật, tại sao lại có oan hồn đến tố giác với ta việc ấy? Sự thể thực hư ra sao, mau mau tự thú để nhận lượng khoan hồng!
Đối tượng “sư hổ mang” trong chùa lúc ấy mặt tái mét kinh sợ vì nhớ lại tội ác đã gây ra với người em gái, nên nhận tội trạng. Sau đó, thủ phạm dẫn ông ra phía chân tháp. Nhữ Đình Hiền lệnh cho lính đào đất nơi chân tháp lên, quả nhiên nơi ấy có hài cốt người thiếu phụ xấu số bị làm hại rồi vùi xuống đó phi tang. Vụ trọng án tưởng không thể phá, đến đây đã được làm sáng tỏ.
Lời bàn:
Một trong những nhân vật nổi tiếng về tài xử án thời kỳ vua Lê – chúa Trịnh ở đàng Ngoài, đó là quan Thượng thư bộ Hình Nhữ Đình Hiền, ông làm quan trải 5 triều vua, danh tiếng lẫy lừng một thời. Không chỉ bằng tài năng và trí tuệ của mình, Nhữ Đình Hiền còn biết áp dụng kiến thức thực tiễn của cuộc sống để điều tra, xét hỏi nghi phạm và ông đã tìm ra rất nhiều thủ phạm của những vụ án tưởng chừng rơi vào bế tắc. Điều đặc biệt ở ông là tất cả tội phạm trong những vụ án do ông xét xử đều tâm phục khẩu phục rồi tu thân tích đức trở thành những người có ích cho quê hương.
Không chỉ có tài năng trên chốn quan trường, đối với đời sống xã hội của thôn dân, Nhữ Đình Hiền cũng rất quan tâm, chú ý. Trong thời gian đi sứ, Nhữ Đình Hiền đã học được nghề làm lược bằng tre (lược bí) và truyền lại cho người dân. Đến tuổi đã già về trí sĩ, Nhữ Đình Hiền được vua ban cho 16 mẫu ruộng lộc điền, ông chỉ giữ lại 4 mẫu làm ruộng hương hỏa, còn lại tặng hết người dân trong làng để làm hoa lợi phát triển nghề. Về sau, nhiều người thợ giỏi đã ra Thăng Long sản xuất, kinh doanh lược và tạo thành phố Hàng Lược. Ngày nay, không ít vị quan tòa đã học được đức tính thanh liêm của người xưa để hết lòng vì chức trách được giao, nhưng tiếc rằng vẫn còn có những người vì danh lợi mà từ ghế quan tòa lại trở thành bị cáo.
Theo Tapchivanhoc.com