Trí tuệ hơn người

Trần Cao Vân (1866-1916), là một trong những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Pháp tại Trung kỳ, do Việt Nam Quang phục hội chủ xướng. Ông sinh tại làng Tư Phú, tổng Đa Hòa, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông tên thật là Trần Công Thọ, lúc lớn lên từng học và đi thi lấy tên là Trần Cao Đệ, lúc vào chùa lấy pháp danh là Như Ý, khi ra hoạt động cách mạng đổi tên là Trần Cao Vân, biệt hiệu Hồng Việt và Chánh Minh, còn có biệt danh là Bạch Sĩ.

Ông lãnh đạo khởi nghĩa cùng vua Duy Tân và Thái Phiên năm 1916 và có thời gian hoạt động tại Phú Yên. Cuộc khởi nghĩa thất bại (do bị lộ kế hoạch khởi nghĩa), ông bị thực dân Pháp bắt và bị chém cùng với Thái Phiên và một số người khác. Vua Duy Tân thì bị bắt đi lưu đày ở đảo Réunion nằm giữa Ấn Độ Dương, nơi cha là vua Thành Thái cũng bị lưu đày.

Ông học rộng, văn hay nhưng thi không đỗ, người khảng khái và chín chắn. Ông nghiên cứu Kinh dịch, từng soạn ra sách “Trung thiên dịch”. Ông sinh trưởng vào lúc trong nước gặp nhiều biến cố nên sớm bước vào hoạt động chính trị. Ông bị tù nhiều lần nhưng vẫn tích cực hoạt động chống Pháp; có liên hệ với Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền; sau âm mưu bạo động với vua Duy Tân.

Tương truyền, Trần Cao Vân ngay từ lúc còn nhỏ đã tỏ ra rất có tài trong việc đối đáp. Năm mười ba tuổi, ông theo học một trường ở ngay làng. Thầy đồ dạy học rất cần mẫn, ngoài những giờ học hằng ngày, tối nào thầy cũng dạy thêm cho các trò tập đặt đối làm bài. Một hôm trăng sáng, các trò đều đến đông đủ. Lúc vào học, ngay ở giữa trường có một cái đèn treo. Nhân đấy thầy đồ ra câu đối như sau: Đèn treo rọi sáng bốn phương nhà.

Xem thêm:  Hướng dẫn cách điền vào điện báo

Trong đám học trò, Cao Vân bấy giờ là nhỏ tuổi nhất, đã lanh trí đứng lên đối lại rằng: Trăng tỏ chiếu soi muôn cụm núi. Thầy đồ khen câu đối ấy là xuất sắc; tuy lời lẽ giản dị không có gì, nhưng là câu ứng khẩu tự nhiên mà lại bao hàm một ý chí to lớn ở bên trong.

Lại một lần nữa, Cao Vân đến nghe giảng sách ở nhà một ông cử nọ. Buổi giảng vừa xong, có người láng giềng đem biếu bà cử một mớ hành hương để làm giống. Sau khi người láng giềng về rồi bà cử bảo: “Hành này còn non mà đã tàn sớm thế này e giống không mạnh”. Giọng miền Nam Trung bộ phát âm “tàn” ra “tàng”, âm “không” ra “khổng”. Ông cử nghe câu nói của vợ, thấy có ngụ ý vô tình mà độc đáo, bèn lấy đấy để ra câu đối cho học trò. Ông đọc: Hành tàng giống Khổng Mạnh. Nghĩa là: Kẻ sĩ phải làm y như Khổng Tử, Mạnh Tử đã dạy, lúc gặp thời thì nên hành động, lúc không gặp thời thì cần thoát tàng, phải ẩn náu mình đi.

Trong lúc học trò còn đang suy nghĩ thì Trần Cao Vân đã ứng khẩu đối ngay: Cải hóa con càn khôn. Câu đối này cũng có hai nghĩa, một nghĩa thông dụng nói giống rau cải con, đến lúc nó hóa, là nảy nở xanh tốt lên, thì cây cải con ngày càng khôn, nghĩa là cây ngày càng lớn. Nghĩa thứ hai chỉ bầu vũ trụ bao la vạn hữu này, từ trời đất, núi sông đến muôn sự, muôn vật luôn luôn phải tiến, không bao giờ đứng yên một chỗ, hễ cùng thì biến, biến tất thông. Làm người phải hành động cũng như phải sống theo cuộc tiến hóa ấy, cái gì thích hợp thì duy trì, cái gì không thích hợp thì đào thải, không có gì là bất biến mà phải luôn được cải hóa, làm mới. Người như vậy mới thông đạt sự lý, xứng đáng đứng giữa càn khôn mà chuyển xoay thế sự. Trần Cao Vân cũng dùng giọng Quảng Nam để lập lờ giữa càn và càng. Thật là khí phách phi thường không đợi tuổi của một cậu bé mười ba.

Xem thêm:  Phát biểu cảm nghĩ của em về sách vở hàng ngày

Tất cả mọi người đều chịu phục vế đối này. Không những đáp ứng đầy đủ yêu cầu về nghệ thuật đối với vế ra, mà nó còn bao hàm một tinh thần tích cực hơn hẳn tinh thần thụ động của vế ra.

Lời bàn:

Theo sử sách còn lưu lại đến ngày nay, đến tuổi thanh niên, như bao người con ưu thời mẫn thế khác của xứ Quảng, sau khi chứng kiến cái chết kiêu hùng của bậc tiền bối Hoàng Diệu, Trần Cao Vân quyết tâm rời bỏ quê hương, rời bỏ mộng khoa cử hư danh để dấn thân vào con đường cứu nước. Bước chân bôn đào của ông đã đến với xứ Bình Định, Phú Yên để cùng Võ Trứ làm nên cuộc nổi dậy, mà triều đình phong kiến và lũ cướp nước lúc bấy giờ gọi là giặc Võ Trứ hay giặc Thầy Chùa, còn gọi là giặc Rựa (vì người tham gia đều ẩn náu dưới danh nghĩa sư sãi, vũ khí toàn giáo mác, rựa dao) năm 1898.

Cuộc nổi dậy bị bại lộ, Võ Trứ đã can đảm nhận hết tội trạng về mình rồi bước ra pháp trường và nhờ đó cứu được nhiều anh em đồng chí, trong đó có Trần Cao Vân. Không mua chuộc được Võ Trứ, quân Pháp đã đem ông ra xử chém (1898). Sau đó, cuộc khởi nghĩa do Võ Trứ lãnh đạo tuy thất bại nhưng đây chính là sự tiếp nối và thay thế vai trò giương cao ngọn cờ yêu nước từ tay các nhà nho chuyển sang tay các nhà sư và phật tử. Cùng với các cuộc khởi nghĩa tương tự ở thời kỳ này là những cuộc nổi dậy của các lãnh tụ như: Vương Quốc Chính, Nguyễn Hữu Trí, Ngô Lợi, Mạc Đình Phúc… đã thể hiện một tinh thần nhập thế cao độ của Phật giáo Việt Nam. Điều còn lại là hậu thế hôm nay và mai sau làm gì để xứng đáng là con cháu của các bậc tiền bối đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Theo Tapchivanhoc.com

Check Also

anh girl xinh hoc sinh cap 3 rang khenh 310x165 - Tổ quốc trên hết

Tổ quốc trên hết

Theo sách “Danh nhân đất Quảng”, năm 1916, bà Hoàng Thị Tòng từ Hàng Châu …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *