Người Việt Nam từ ngàn xưa đã có truyền thống vô cùng quý báu, đó là tôn sư trọng đạo. Bởi thế người xưa mới có câu để lại cho hậu thế muôn đời học và làm theo: Nhất tự vi sư, bán tự vi sư. Câu này có nghĩa là dạy một chữ cũng đã là thầy mà nửa chữ cũng vẫn là thầy. Vì thế việc học sinh kính trọng thầy giáo là điều tự nhiên. Bởi chính thầy giáo là người đem hết lương tâm nghề nghiệp để dạy kiến thức cho học sinh tùy theo môn học và chương trình.
Theo Nho giáo ngày xưa, học sinh quý trọng thầy giáo theo thứ bậc: Quân, sư, phụ. Điều này có nghĩa là học sinh phải kính trọng thầy giáo hơn cả cha mẹ và chỉ sau vua là người thay trời trị vì thiên hạ. Quá khứ đã cho thấy, người Nho học thi hành quan niệm “Quân, sư, phụ” một cách chính đáng, đặt người thầy ở vị trí vô cùng tôn kính. Vì người thầy có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của học sinh cả về tri thức lẫn tính cách và cao hơn nữa là đạo đức làm người.
Điều này lịch sử phong kiến cũng như thực tế cuộc sống ngày nay đã chứng minh. Thầy giáo Trần Cụ là một trong những người có ảnh hưởng rất lớn đến vua Trần Minh Tông sau này, một vị vua tài đức vẹn toàn. Năm Ất Tỵ (1305), vua Trần Anh Tông quyết định sắc phong hoàng tử Mạnh, tức Trần Mạnh, lên làm Đông cung thái tử. Lúc ấy, thái tử Trần Mạnh mới 5 tuổi. Vì vậy, dạy dỗ, đào tạo thái tử nên người là việc vô cùng quan trọng, nên việc tìm được thầy dạy phải vừa có tài năng uyên thâm vừa đức độ được triều đình nhà Trần khi đó đặt lên hàng đầu.
Bấy giờ, trong triều có mộ viên Độc bạ tên Trần Cụ, là người có tính tình khoan hậu, thật thà, cẩn thận lại lắm biệt tài. Người đời lúc đó biết đến ông với nhiều khả năng như đánh đàn, câu cá, bắn nỏ, chơi cầu, môn nào cũng đứng đầu, không có đối thủ. Còn về trí tuệ, ông là người mà trong triều đình ai cũng phải nể phục. Hơn nữa, ông là người có bản lĩnh không khuất phục cường quyền nếu như biết mình nắm chắc lẽ phải và là vị quan nổi tiếng thanh liêm.
Chuyện xưa kể lại rằng, nhà ở của Trần Cụ bao giờ cũng có 2 cửa đối nhau, trong nhà sắp xếp, bày biện mọi thứ lúc nào cũng cân đối ngay ngắn. Từ đồ vật còn được sắp đặt như vậy thì đến con người tính tình ngay thẳng đến nhường nào? Không những vậy, mỗi khi ông đánh đàn đều luôn cắt đầu dây, buộc lại cho chặt rồi mới thưởng thức! Thấy vậy, có nhiều người đã hỏi ông sao lại phải làm như thế? Ông cười mà đáp lại rằng: Nếu khúc đàn chưa hết mà dây đứt thì biết làm thế nào?
Nhưng không phải chỉ biết cầu toàn, mỗi khi tiếng đàn của ông vang lên, âm thanh trong trẻo, dìu dặt lòng người, không ai nỡ bỏ đi khi khúc nhạc chưa dừng, không ai dám nói câu nào vì sợ phá hỏng tiếng nhạc đẹp mê lòng ấy của ông. Tương tự với đá cầu, câu cá, bắn nỏ, môn nào Trần Cụ cũng rút ra được những nguyên lý riêng để có thể thực hiện một cách tốt nhất. Ví như bắn nỏ, người đời đứng thế nào, bắn thế nào cũng chưa chắc đã trúng hết, nhưng một khi ông cầm vào thì mũi tên luôn trúng giữa hồng tâm.
Trọng tài năng của Trần Cụ, vua Trần Anh Tông đã chỉ định ông làm thầy dạy cho thái tử Mạnh. Được tin dùng, Trần Cụ hết lòng chỉ dạy cho thái tử từ đạo lý, lễ nghĩa đến đạo làm người… Cũng vì thế, sau này khi lên làm vua, tức Trần Minh Tông (1314-1329) rồi làm thái thượng hoàng (1329-1357) thì đều rất xứng đáng.Không chỉ biết lo việc nước từ chốn cung điện nguy nga, Trần Minh Tông còn không quản hiểm nguy, xông pha chiến trường, nhiều lần Nam tiến dẹp loạn Chiêm Thành, Ai Lao.
Trần Minh Tông có lòng nhân hậu, biết tôn trọng nhân tài nên có nhiều hiền thần dưới trướng như Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Chu Văn An, Nguyễn Trung Ngạn, Đoàn Nhữ Hài… Và ông còn thường dặn các con tìm hiểu về các nhân vật lịch sử, để biết điều đúng mà noi theo, biết điều sai mà tránh. Tất cả những đức độ, khí phách, tài năng đó đến từ một phần không nhỏ công lao dạy dỗ của thầy giáo Trần Cụ.
Lời bàn:
Chính vì có một người thầy thanh liêm, uyên thâm và minh triết như Trần Cụ nên vua Trần Minh Tông không chỉ có lòng nhân hậu, biết tôn trọng nhân tài, mà ông còn hiểu rằng nếu cố gắng trừng phạt những người khốn cùng sẽ khiến họ nổi loạn. Ông cũng biết rõ chính quyền là một quy trình chứ không phải là một kế hoạch để giải quyết mọi thứ tới mức hoàn hảo. Vậy nên, các sử gia đời sau nhìn nhận ông là sáng suốt, thông minh, nhân văn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng tư tưởng bảo thủ của Nho giáo từ chính người thầy truyền thụ nên ông đặc biệt bảo thủ trong việc chống cự bất cứ một thay đổi nào đối với những gì ông đã thừa hưởng từ tổ tiên và ông cha để lại.
Vì chính tư tưởng bảo thủ ấy mà ông luôn quan niệm rằng sự ổn định chính trị do tổ tiên ông gầy dựng sẽ kéo dài. Song, ông không biết rằng thế giới của mình đang trên đà khủng hoảng và các sử gia đời sau coi thời trị vì của ông là giai đoạn rực rỡ cuối cùng của vương triều nhà Trần trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Và một trong những nguyên nhân chính là cả triều đại của ông luôn bất chấp các mối lo được tích lũy dần, mà cứ cho rằng sức mạnh của nhà Trần mãi mãi là một nguồn tự tin và an tâm cho đất nước. Sai lầm của ông là ngủ quên trên vinh quang của cha ông.
Theo Tapchivanhoc.com