Theo sách “Đại Nam liệt truyện”, Nguyễn Tạo có tên là Nguyễn Công Tuyển, tự Thăng Chi, sinh năm 1822 tại làng Hà Lam, phủ Thăng Hoa, nay là thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ông là con trưởng của cụ Nguyễn Đạo – một thân hào nhân sĩ hàng đầu của phủ Thăng Hoa, có tiếng là nhà dòng dõi phẩm hạnh nhân nghĩa. Cụ Nguyễn Đạo tự là Suất Tính, lúc nhỏ mồ côi nhưng rất chăm học và nổi tiếng là người thông minh, hay chữ.
Năm 1846, ông đỗ hương tiến (tức cử nhân) tại trường thi Thừa Thiên, nhưng đường khoa cử đối với ông hết sức lận đận, suốt 6 kỳ thi lễ vi (tức thi hội) ông đều không đỗ. Năm 1862, ông được bổ làm Huấn đạo huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Sau ông về làm Huấn đạo huyện Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên – Huế) rồi về kinh giữ chức Biên tu, làm ở Viện Tập hiền, giữ việc chú thích, khảo dị, biên tập thơ văn và các sách sử yếu do nhà vua làm ra. Năm 1865, ông được bổ làm Tri huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Phù Cát lúc bấy giờ là huyện mới được thành lập.
Phù Cát là vùng đất thuộc huyện Phù Ly. Năm 1602, chúa Nguyễn Hoàng đổi Hoài Nhơn thành Quy Nhơn. Năm 1832, dưới triều vua Minh Mạng, Phù Ly chia thành huyện Phù Mỹ và Phù Cát, lấy sông La Tinh làm ranh giới, tên Phù Cát có từ đó. Huyện lỵ đầu tiên của Phù Cát đặt ở Xuân Hội, năm 1865 dời về Hòa Hội và đây cũng chính là năm Nguyễn Tạo nhậm chức Tri huyện tại đây. Tuy nhiên, Phù Cát lúc bấy giờ đất đai hoang hóa, cỏ cây rậm rạp, rừng rậm dường như chiếm hầu hết diện tích, bên cạnh đó có nạn hổ báo, thú dữ thường xuyên quấy phá, lại lắm trộm cướp, giặc giã, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân.
Nhiều nguồn tư liệu cho biết, lớp dân cư người Việt đầu tiên định cư trên vùng đất Phù Cát lúc bấy giờ ngoài những “tội đồ” bị lưu đày miền “viễn châu” của nhà hậu Lê và lớp “tù binh” của chúa Nguyễn thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, phần lớn là lưu dân vùng Thanh – Nghệ – Tĩnh, tức những lớp người dưới đáy của xã hội phong kiến loạn lạc. Trên đất mới, họ sớm hòa hợp, xen cư với người Chăm và Bana bản địa. Để đối phó với thiên tai và khí hậu khắc nghiệt, họ cùng nhau khai phá, tô điểm và bảo vệ quê hương.
Trước đây, triều đình thường phái quan, quân đến đóng, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. Khi Nguyễn Tạo đến đây nhậm chức, ông đã tận tâm vỗ yên dân chúng, diệt trừ hổ báo, đem lại sự bình yên cho dân. Chỉ chưa đầy 3 năm, ông đã làm cho địa phương này mở mang, nhân dân được ấm no. Do đó, Án sát tỉnh Bình Định là Thân Văn Nhiếp đã tiến cử ông về triều vì cho ông là người xuất sắc về chính trị, có khả năng trong công quyền. Sách “Đại Nam thực lục” chép rằng: Nguyễn Tạo làm quan thanh liêm, công bằng, thuộc lại và dân tin phục, đồng ruộng ngày một mở mang, trộm cướp im hơi. Được vua thưởng cho một chiếc tử kim khánh hạng nhất có chữ “Liêm, Bình, Cần, Cán” và thăng thụ chức tri phủ.
Năm 1868, ông được bổ làm Lại khoa cấp sự trung, nhưng chưa kịp nhận chức, ông liền được cải bổ đi nhận chức Tri phủ Hoài Đức (Hà Nội). Qua 1 năm, ông được thăng Thị độc lĩnh Án sát sứ Hải Dương. Năm 1871, các phủ huyện Nam Sách, Đông Triều của tỉnh Hải Dương hạt bị bọn phỉ người Thanh là Tăng Á Trị vào quấy nhiễu, cướp bóc, Nguyễn Tạo cùng Đề đốc Đặng Duy Ngọ mang lính vây đánh. Sách “Đại Nam thực lục” chép: Có toán giặc hơn 1.300 người chia ra từng bọn đến quấy nhiễu ở hạt phủ Nam Sách. Đề đốc là Đặng Duy Ngọ, Án sát là Nguyễn Tạo đem binh dõng 1.070 người vây đánh và thắng lớn.
Năm 1872, cụ Nguyễn Đạo mất nên ông xin về quê thọ tang cha. Khi hết tang, ông được thăng thụ Thị độc học sĩ sung Biện các vụ. Năm 1874, Nguyễn Tạo được thăng bổ làm Bố chánh tỉnh Quảng Bình, chưa bao lâu thì ông được đổi làm Bố chánh tỉnh Nam Định.
Lời bàn:
Quảng Nam là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ. Tên gọi Quảng Nam có nghĩa là mở rộng về phương Nam. Đọc lại lịch sử của dân tộc cho thấy, Quảng Nam là nơi giằng co qua lại mấy trăm năm trong quá trình Nam tiến của dân tộc; là vùng đất chịu nhiều biến động, kinh qua các cuộc chiến tranh tranh giành giữa Đại Việt với Chămpa và đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Bởi thế, đây là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa với 2 di sản văn hóa thế giới là phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn. Quảng Nam còn là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sản sinh ra nhiều người con ưu tú cho đất nước và Nguyễn Tạo là một trong những người như thế. Sinh thời, ông được sử quan triều Nguyễn nhận định “là người thanh liêm, giỏi giang, làm quan ở đâu cũng đều có tiếng tốt.
Có thể khẳng định rằng, Nguyễn Tạo là mẫu hình của một con người hết lòng vì triều đình, vì quê hương và mẫn cán với công việc. Ở bất cứ cương vị nào, ông cũng luôn hoàn thành trọng trách triều đình và nhân dân giao phó, tin tưởng. Tiếc rằng, ông sinh ra không gặp thời, vì không phải riêng ông mà phần lớn các sĩ phu yêu nước thời ấy không phá bỏ được cái vỏ bọc của Nho giáo rằng “yêu nước là trung với vua”. Trong khi đó, phần lớn các vua nhà Nguyễn giai đoạn này lại là bù nhìn của bọn thực dân cướp nước. Tuy nhiên, những gì mà ông đã cống hiến cho quê hương, dân tộc thì mãi mãi được hậu thế tôn vinh.
Theo Tapchivanhoc.com