Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện”, trước khi về cộng tác với nhà Tây Sơn, Bùi Thị Xuân đã nhờ tài cao chí lớn và sự ủng hộ của phụ thân nên đã tụ hội dưới trướng một số nữ quân. Được phụ thân cấp tiền, bà mua được hai con voi ngà tại vùng Tây Sơn thượng. Sau khi tập luyện thuần thục, bà thường cưỡi voi đi săn tại các khu Đồng Sim, Đồng Trăng, Thuận Ninh.
Một hôm, đang cưỡi voi đi săn ở Đồng Sim, bà bỗng nghe tiếng voi kêu thét trầm thống đau thương. Bà bèn giục voi đi về hướng có tiếng voi kêu cầu cứu. Đến một vùng thung lũng, bên một khe suối nước bạc tuôn cuồn cuộn, Bùi Thị Xuân trông thấy một con voi trắng ngà dài đến hai thước đang bị một con trăn to lớn quấn chặt lấy bốn chân. Tiếng voi thét yếu dần lẫn trong tiếng thác nước ầm ầm. Lập tức, Bùi Thị Xuân bắn ngay một mũi tên vào mắt con trăn. Đau quá, trăn bỏ mồi quăng mình tấn công Bùi Thị Xuân. Chỉ chờ có thế, Bùi Thị Xuân phóng ngay ngọn lao vào cái miệng há ra của trăn. Ngọn lao xuyên thấu suốt ra sau đầu và ghim chặt vào một gốc cây. Quá đau, con trăn đã quấn chặt lấy thân cây siết mạnh. Cây đổ, trăn duỗi mình ra chết. Con voi trắng đứng lên rồi quỳ gối gục đầu trước Bùi Thị Xuân. Vốn biết rõ đặc tính của voi, Bùi Thị Xuân hiểu là voi tỏ cử chỉ tạ ơn và thuần phục nên bà vỗ lên đầu voi nói một cách thân ái.
– Bạch tượng, từ đây chúng ta sẽ trở thành bạn thân nhé?
Như hiểu biết tiếng người, voi trắng đưa vòi cạ vào vai Bùi Thị Xuân rồi đứng dậy vươn vòi thét lên mấy hồi vang xa khắp núi rừng. Từ phía xa, tiếng chân chạy rầm rập, cây rừng xào xạc, rồi một đàn voi xuất hiện chung quanh bạch tượng. Sau một tiếng thét dài của bạch tượng, đàn voi đồng loạt quỳ xuống, co vòi như hành lễ bái kiến Bùi Thị Xuân. Trước cảnh tượng bầy voi rừng tạ ơn cứu mạng cho chúa đoàn, lòng bà Bùi Thị Xuân ban đầu bỡ ngỡ sau đến vui mừng. Đàn voi theo bà về làng Xuân Hòa. Thế là bà có được một đàn voi trên mười con. Bà thường đem voi ra tập trận tại gò Xuân Hòa. Nhân đó, nhân dân địa phương gọi gò Xuân Hòa là gò Tập Voi.
Sau khi Tây Sơn khởi nghĩa, các sắc dân miền núi đem tặng nhiều thớt voi nữa thành ra đàn voi ngày càng nhiều. Sau do cống phẩm, chiến lợi phẩm, đàn voi có trên trăm con. Quản tượng đa số là nữ binh, chỉ có một vài nam binh điều khiển khi tập luyện. Khi luyện voi được thuần thục rồi thì không cần quản tượng nữa. Để điều khiển, Bùi Thị Xuân thường dùng một ngọn cờ đỏ có cán dài. Khi bà chưa ra thao trường thì voi đi lại lộn xộn, lúc bà xuất hiện thì con voi đầu đàn vội chạy lại đứng nghiêm chỉnh trước mặt, chân trước co lên. Bà lẹ làng nhảy lên, chân điểm nhẹ trên đầu gối voi rồi tung mình vút lên lưng voi. Được vỗ nhẹ hai cái trên đầu, con voi đầu đàn rống lên một tiếng dài. Cả đàn răm rắp chạy đến xếp hàng ngay ngắn trước mặt voi đầu đàn. Bà dùng cờ phất ngang – dọc – trước sau để điều khiển đàn voi tiến tới, rẽ sang phải, sang trái, thối lui, nhịp nhàng, đều đặn.
Tập voi đánh trận, ban đầu tập từng thớt một. Trên mỗi thớt có một nữ quản tượng, khi thuần thục rồi mới tập thành đoàn. Khi đó, nữ quản tượng nào đi kèm theo voi nấy. Hàng ngũ chỉnh tề rồi, các nữ quản tượng mình mặc áo quần gọn gàng, đầu chít khăn đỏ, theo lệnh phất cờ đồng một lượt nhảy vút lên mình voi. Nhanh, gọn và nhịp nhàng. Cờ hiệu được tung lên, khi nam khi bắc, lúc tả lúc hữu. Đàn voi thân vóc to lớn trông nặng nề song bước chân thật nhẹ nhàng, lanh lẹ. Khí thế dũng mãnh như gió cuốn sóng dồn, nhưng thao trường lại im phăng phắc. Khách tham quan không nghe tiếng chỉ thấy hình: những hình ảnh sống động vừa mạnh mẽ vừa nhịp nhàng, nửa cổ kính nửa tân kỳ. Các hình nhân bó bằng rơm, bện bằng lá cây hoặc bằng cây chuối được vòi voi cuộn lấy tung thẳng lên cao, rồi dùng chân chà đạp.
Cờ hiệu phất cao, buổi diễn tập chấm dứt, đoàn voi lại xếp hàng ngay ngắn và nữ quản tượng nhảy xuống voi cũng lẹ làng, nhịp nhàng với những nụ cười xinh tươi đắc ý. Khi Nguyễn Nhạc chiếm được thành Quy Nhơn và truyền Nguyễn Huệ xuống Quy Nhơn để lo việc Nam chinh thì Bùi Thị Xuân ở lại phòng giữ Tây Sơn.
Lời bàn:
Lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam đã sản sinh ra rất nhiều nữ tướng anh hùng hào kiệt, bất khuất và không ít người đã trở nên bất tử, trong đó có Bùi Thị Xuân. Sinh thời, bà được người đời khâm phục bởi vừa có nhan sắc tuyệt trần vừa giỏi võ nghệ và tài cầm quân của một nữ tướng kiệt xuất. Bà đã cùng chồng là Thái phó Trần Quang Diệu phò vua Quang Trung – Nguyễn Huệ chinh Nam, tảo Bắc oai phong, bách chiến bách thắng. Khi triều Tây Sơn suy yếu, tan rã bà vẫn một lòng thờ vua Cảnh Thịnh chiến đấu đến sức tàn lực kiệt và bị Nguyễn Ánh bắt.
Cứ theo sử cũ thì Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân là những anh hùng đã có công dựng lên triều đại Tây Sơn và chính họ cũng là những người chứng kiến giờ phút cuối cùng hết sức bi thảm của triều đại đó. Cuộc đời của hai ông bà là tượng trưng cho triều đại Tây Sơn oai hùng và bi thương, một triều đại để lại trong lòng mỗi người dân đất Việt sự kính ngưỡng và xót thương vô hạn.
Theo Tapchivanhoc.com