Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, vua Lý Thần Tông mắc chứng bệnh lạ, lông mọc khắp cơ thể, lại thêm chứng cuồng loạn, gầm thét như hổ suốt ngày đêm. Thời ấy, nhiều thầy thuốc giỏi trong cả nước đã được mời về chữa trị cho nhà vua nhưng không ai chữa khỏi căn bệnh lạ này. Duy chỉ có thiền sư Nguyễn Minh Không đã chữa khỏi bệnh này và được nhân gian gọi là “hóa hổ” cho vua.
Thiền sư Nguyễn Minh Không (1065-1144), là vị cao tăng nổi tiếng của triều đại nhà Lý. Ông được xem là người sáng lập nhiều ngôi chùa nhất ở nước ta và được tôn vinh là ông tổ nghề đúc đồng. Cùng với Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn (Đức thánh Trần), ông là một trong những nhân vật lịch sử được tôn sùng làm “Đức thánh Nguyễn”. Theo sách nghiên cứu về Thiền Uyển Tập Anh, Lý quốc sư Nguyễn Minh Không tên húy là Nguyễn Chí Thành, sinh tại xã Đàm Xá, phủ Tràng An (nay thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Ông còn có đạo hiệu là Không Lộ, từng tu ở chùa Không Lộ (Nam Định) và được thờ ở núi Không Lộ (chùa Thầy ngày nay).
Trong truyền thuyết dân gian, Nguyễn Minh Không là một nhân vật huyền thoại, xuất hiện với nhiều tình tiết kỳ bí thậm chí hoang đường như khi tu thiền đắc đạo có thể đi mây về gió, niệm chú cho chim lạ rơi xuống đất, ngả nón làm thuyền vượt sông cả, cho cả kho đồng nước Tống vào túi đem về đúc tứ đại khí, thò tay vào vạc dầu đang sôi vớt hàng trăm chiếc kim chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông.
Tương truyền, năm 21 tuổi, vua Lý Thần Tông mắc chứng bệnh lạ, lông mọc khắp cơ thể, cuồng loạn, gầm thét như hổ suốt ngày. Vì thế, triều đình phải làm cũi vàng nhốt vua trong đó. Các danh y được mời đến chữa nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Triều đình phải cho người đi tìm thầy thuốc khắp nơi. Khi đó, có đứa bé ở Chân Định hát rằng: Bổng bồng bông, tập tầm vông/Ở làng Điềm Xá, có Nguyễn Minh Không/Chữa được bệnh cho đức Thần Tông.
Không chỉ là danh y nổi tiếng, Nguyễn Minh Không còn được mệnh danh là ông tổ nghề đúc đồng. Ông chính là người góp phần tạo nên “Tứ đại khí” nổi tiếng ở nước ta thời nhà Lý, gồm tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, tượng Phật Quỳnh Lâm và vạc Phổ Minh. Khi sư được mời đến triều, nhiều pháp sư khác cũng đang ở trong điện làm phép chữa bệnh cho vua. Họ thấy Minh Không ăn mặc quê mùa nên khinh thường, không thèm chào hỏi.
Nhà sư liền thò tay vào túi lấy ra chiếc đinh dài đóng sâu vào cột. Ông nói: “Ai nhổ được cái đinh này ra hãy nói chuyện chữa bệnh”, nhưng chẳng ai dám trả lời. Khi được đưa vào gặp nhà vua, sư Minh Không lớn tiếng hỏi: “Kẻ đại trượng phu được tôn lên làm thiên tử, giàu có khắp bốn bể, cớ sao còn phát bệnh cuồng loạn như vậy?”. Nghe tiếng hỏi như vậy, nhà vua run sợ không dám kêu nữa. Sau đó, sư Minh Không sai người lấy cái vạc lớn, đựng nước nấu sôi cả trăm lần, nhà sư dùng tay không tắm cho vua. Sau đó, bệnh của vua thuyên giảm, ít lâu sau thì khỏi hẳn. Sau khi khỏi bệnh, vua cảm phục tài năng của sư Minh Không, đồng thời cũng là để tạ ơn cứu mạng, Lý Thần Tông đã cho sư đổi từ họ Nguyễn sang họ Lý và phong làm Quốc sư.
Về sự việc này, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép rằng: Năm 1136, vua bệnh nặng, chữa thuốc không khỏi, nhà sư Minh Không chữa khỏi, phong làm Quốc sư. Còn sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” lại chép rằng, vua Lý Thần Tông “có tật chữa lâu không khỏi, sau nhờ nhà sư Minh Không chữa được”. Không chỉ là danh y nổi tiếng, Nguyễn Minh Không còn góp phần tạo nên “Tứ đại khí” nổi tiếng ở nước ta thời nhà Lý, gồm tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, tượng Phật Quỳnh Lâm và vạc Phổ Minh.
Lời bàn:
Nguyễn Minh Không là nhà sư tài danh lẫy lừng. Trong suốt cuộc đời, Nguyễn Minh Không đã dựng tới 500 ngôi chùa trên đất Đại Việt. Và theo nội dung của giai thoại nhưu đã nêu thì Nguyễn Minh Không là hiện thân quyền lực linh thiêng của Phật giáo hưng thịnh thời Lý – là thầy thuốc tài ba bậc nhất, là ngư dân gắn bó với thôn dã Đại Việt, là thiền sư tài cao đức trọng, là bậc thánh tổ nghề đúc đồng Việt Nam. Tên tuổi của Nguyễn Minh Không đã gắn liền với nhiều truyền thuyết hoang đường và kỳ bí. Rất nhiều nơi, đặc biệt là các chùa ở Việt Nam thờ vị Quốc sư này theo kiểu “tiền phật hậu thánh”.
Việc thần hóa Nguyễn Minh Không thành vị thần Khổng Lồ là một mô-típ độc đáo trong nền văn hóa của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước ở châu thổ sông Hồng. Thần Khổng Lồ Nguyễn Minh Không được xây dựng từ những mảnh vụn huyền thoại, được lịch sử hóa một Quốc sư tài danh để trở thành một ông Khổng Lồ có yếu tố của một anh hùng văn hóa. Từ sự tích thần Khổng Lồ có thể thấy sự đan xen các lớp văn hóa, tín ngưỡng khó có thể nhận ra từng yếu tố, đâu là những mảnh vụn huyền thoại được thần thoại hóa, lịch sử hóa, tín ngưỡng thờ thần linh nông nghiệp, thần đánh cá, thờ tổ nghề và lớp văn hóa Phật giáo để tôn vinh một Quốc sư trở thành một vị thánh bất tử. Tiếc rằng hậu thế thời nay không phải nhà sư nào cũng có tâm và tài đức như tiền nhân Nguyễn Minh Không. Bởi thế ngày nay trong dân gian mới có tục danh “sư hổ mang” là vậy.
Theo Tapchivanhoc.com