Nữ tướng trấn ải

Năm Tân Dậu (541), căm giận sự tàn bạo và ách thống trị của giặc Lương, hào trưởng Lý Bí đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy lật đổ ách đô hộ của giặc Lương, giành độc lập cho đất nước, xây dựng một chính quyền tự chủ với quốc hiệu là Vạn Xuân. Lý Bí còn gọi là Lý Bôn, quê ở Thái Bình, phủ Long Hưng, quận Giao Chỉ. Ông xuất thân trong một gia đình thế gia, “đời đời là hào hữu”, cha là Lý Toản, tù trưởng bộ lạc, mẹ là Lê Thị Oánh, người Ái Châu (nay là Thanh Hóa).

Từ nhỏ, Lý Bí đã tỏ ra là cậu bé thông minh, sớm hiểu biết. Khi Lý Bí 5 tuổi thì cha mất; năm 7 tuổi thì mẹ qua đời. Ông đến ở với chú ruột. Một hôm, có một vị pháp tổ thiền sư đi qua, trông thấy Lý Bí khôi ngô, tuấn tú liền xin đem về chùa nuôi dạy. Sau hơn 10 năm đèn sách chuyên cần, Lý Bí trở thành người học rộng, hiểu sâu. Nhờ có tài văn võ kiêm toàn, Lý Bí được tôn lên làm thủ lĩnh địa phương. Do bất bình với các quan lại đô hộ tàn ác, thấy sự khổ đau của dân chúng đang bị đè nặng, Lý Bí về quê chiêu tập lực lượng, thao luyện binh lực, tích trữ lương thực, rèn đúc vũ khí chờ ngày nổi dậy.

Trong sự nghiệp đánh đuổi ngoại xâm, xây dựng nền độc lập của Lý Nam Đế có đóng góp của nhiều anh hùng nữ kiệt, trong đó có một nữ tướng đặc biệt. Đó là Dương Khoan Khoáng. Có thể nói, bà là nữ tướng nổi tiếng nhất của triều Tiền Lý nước Vạn Xuân. Bà quê ở trang Báo Văn, xứ Hồ Kỳ (nay thuộc thôn Báo Văn, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc). Trong dân gian có vô số câu chuyện kỳ bí về xuất thân của các vị thần tướng. Nữ tướng Khoan Khoáng cũng không phải ngoại lệ. Tương truyền rằng, mẹ bà là Nguyễn Thị Hằng, trong một đêm mưa to gió lớn đã nằm mộng thấy có một con rồng lớn phủ lên người, sau đó có thai rồi sinh ra một người con gái. Trên thân có những vết như khoang rắn nên bà Hằng đặt tên con là Khoan Khoáng. Lớn lên, Khoan Khoáng là người dũng lược, ý chí khác người nên ai ai cũng nể phục.

Xem thêm:  Giải thích câu nói của Lê Nin: Học học nữa học mãi

Năm Nhâm Tuất (542) tại chùa Diên Táo (nay thuộc làng Báo Văn, xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc), Lý Bí làm lễ tế cờ, tuyên cáo khởi nghĩa chống giặc Lương. Các hào kiệt người địa phương là những người đầu tiên tham gia tề tựu dưới cờ, trong đó có Khoan Khoáng, thủ lĩnh một toán quân gồm các trai tráng người làng Báo Văn. Cuộc khởi nghĩa bùng lên và lan rộng nhanh chóng, quan quân nhà Lương kẻ bị giết, kẻ ôm đầu tháo chạy về phương Bắc.

Một người phụ nữ lại có khả năng thủ lĩnh toán quân toàn những trai tráng trong làng, chứng tỏ vị nữ tướng này có tài năng kiệt xuất. Chưa kể đến thời kỳ phong kiến còn quan niệm “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Lãnh đạo một toán quân khởi nghĩa tự phát không phải việc dễ dàng. Khi Lý Bí xưng đế lập nước Vạn Xuân, nữ tướng Khoan Khoáng được giao trấn ải phía Bắc, doanh trại đặt ở trang Hổ Kỳ quê nhà. Việc để một nữ nhi ra cầm quân ngoài phương Bắc ắt hẳn cho thấy được sự tài giỏi của nữ tướng Khoan Khoáng. Đồng thời thể hiện vua Lý Nam Đế là người anh minh, coi tài năng là quan trọng hơn sự phân biệt nam nữ.

Đầu năm Ất Sửu (545), quân Lương kéo sang xâm lược, Lý Nam Đế đem quân ra đánh ở Chu Diên nhưng bị bất lợi phải lui quân về cửa sông Tô Lịch, dựng thành lũy chống giặc, rồi lại lui về giữ thành Gia Ninh (Việt Trì). Cuối tháng 2 năm Bính Dần (546), thành Gia Ninh vỡ, vua chạy vào miền Khuất Lão tập hợp lực lượng… Trong khi đó, nữ tướng Khoan Khoáng cùng đạo quân của mình đánh giặc, chiến đấu dũng cảm ở 2 vùng đất Bình Xuyên và Yên Lạc trong suốt 2 năm (545-546) với nhiều trận khiến quân giặc kinh hồn táng đởm. Trong một trận huyết chiến tại Yên Lạc, nữ tướng Khoan Khoáng bị trọng thương, quân sĩ đưa bà về đến xứ Hổ Kỳ, trang Báo Văn thì mất. Hôm đó là ngày 10 tháng 9 năm Bính Dần (546). Sau khi bà Khoan Khoáng mất, nhân dân nhớ ơn, nhiều nơi lập đền thờ. Các triều đại sau này truy phong bà làm “Đệ nhị á nương Khoan Khoáng đại vương mỹ mạo linh dung”.

Xem thêm:  Bài thơ dứt tình

Lời bàn:

Từ ngàn xưa, tổ tiên rồi đến cha ông chúng ta đều nói rằng: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Điều này thể hiện rõ chí khí của nữ nhi đất Việt. Ở thời xưa, thân phận phụ nữ không được đề cao nhưng nhiều người vẫn vượt lên cái lẽ “nữ nhi thường tình” để gánh vác việc quốc gia đại sự. Và dù những năm tháng chiến tranh đau thương đã lùi xa, mất mát đang dần được khỏa lấp trong cuộc sống hòa bình hôm nay nhưng lịch sử Việt Nam luôn khắc ghi đóng góp to lớn của những nữ anh hùng, như Dương Khoan Khoáng, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Định, Võ Thị Sáu…

Từ thời đại các vua Hùng đến thời đại Hồ Chí Minh, qua những chặng đường vô cùng oanh liệt dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, phụ nữ Việt Nam đã tỏ rõ truyền thống “thông minh, sáng tạo, lao động cần cù, chiến đấu dũng cảm”. Và ngày nay, phụ nữ Việt Nam không những hội tụ đủ “công, dung, ngôn, hạnh” cần có, mà cái nghĩa “tam tòng, tứ đức” cũng đủ đầy, lại được bồi tụ thêm sự trung hậu, đảm đang trong thời hiện đại. Tất cả phẩm chất ấy đã dần kết tinh thành những truyền thống đạo đức tuyệt vời của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới: “Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang”.

Xem thêm:  Miệng làm hại thân

Theo Tapchivanhoc.com

Check Also

7128 1494911290046 1013 310x165 - Tổ quốc trên hết

Tổ quốc trên hết

Theo sách “Danh nhân đất Quảng”, năm 1916, bà Hoàng Thị Tòng từ Hàng Châu …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *