Khí phách Nguyễn Thiện Thuật

Theo sử cũ còn lưu lại, nghĩa quân của khởi nghĩa Bãi Sậy không chỉ đánh giặc khi chúng xâm phạm vào căn cứ, mà còn tấn công các đồn binh như: Bình Phú, Lực Điền, Thụy Lân (Yên Mỹ), đồn Bần, đồn Thứa (Mỹ Hào), đồn Phủ Ân Thi, đồn Ứng Lôi (Phù Cừ), các đồn ở huyện Văn Giang và phục kích quân Pháp trên đường số 5, đường 39. Bọn cầm đầu quân sự Pháp ở Trung và Bắc kỳ phải thú nhận: Nhờ căn cứ Bãi Sậy “Nghĩa quân vẫn thật sự cai trị các làng, còn bọn quan cai trị Pháp đặt ở các phủ huyện để cai trị dân thì tỏ ra bất lực và hoảng sợ trước sự phát triển của nghĩa quân, chúng bỏ trốn vào các tỉnh lỵ. Phần đông các tổng lý lại có cảm tình hoặc ủng hộ quân khởi nghĩa”.

Tháng 10-1885, Thống tướng người Pháp là Roussel de Courcy giao cho Thiếu tướng François de Négrier, Trung tá Donnier cùng Hoàng Cao Khải mở cuộc càn quét lớn vào căn cứ Bãi Sậy. Được tin, Nguyễn Thiện Thuật lệnh cho các tướng bí mật tấn công vào đồn địch, chặn đường địch hành quân. Sau đó, ông nhử địch vào sâu căn cứ nơi đặt trận địa mai phục. Khi quân Pháp biết bị mắc lừa định rút lui thì quân Bãi Sậy nổ súng và dùng đoản đao, mã tấu đánh giáp lá cà. Nhiều quân Pháp bị giết, tướng Négrier chạy thoát.

Thống tướng De Coursy bị bãi chức, Charles-Auguste-Louis Warnet sang thay. Warnet thực hiện càn quét quy mô lớn bằng chiến lược phân tán quân đội, lập các đồn nhỏ để dễ tuần tiễu, đồng thời chuyển chế độ cai trị bằng quân sự sang dân sự, nhưng cũng không thành công. Ngày 9-2-1888, em Nguyễn Thiện Thuật là Nguyễn Thiện Dương bị tử trận trong cuộc đụng độ với quân Pháp do viên đội Fillipe chỉ huy. Được tin em chết, ngay đêm đó Nguyễn Thiện Thuật lệnh cho Tuần Vân, Đề Tính tấn công đồn Ghênh và đồn Bần Yên Nhân để trả thù, giết chết 21 quân địch.

Xem thêm:  Soạn Bài Hịch Tướng Sĩ Lớp 8 Của Trần Quốc Tuấn

Ngày 11-11-1888, Hoàng Cao Khải cùng giám binh Ney chỉ huy đồn Mỹ Hào đưa lính về gặt lúa ở Liêu Trung tổng Liêu Xá, muốn buộc dân hết lương phải ra đầu thú, xa rời quân Bãi Sậy. Nguyễn Thiện Thuật được tin, lệnh cho các tướng Nguyễn Thiện Kế, Nguyễn Văn Sung, Vũ Văn Đồng đem 800 quân, trong đó có 400 tay súng, giả dạng phu gặt để phục kích. Quân Bãi Sậy nổ súng giết chết 31 quân địch, trong đó có giám binh Ney, Bang tá Nguyễn Hữu Hào. Hoàng Cao Khải trốn thoát về Mỹ Hào rồi nhờ giáo dân Kẻ Sặt đưa đường chạy về Hải Dương.

Tháng 6-1889, Thống sứ Bắc kỳ ra lệnh thành lập đạo quân Tuần cảnh do Hoàng Cao Khải với chức Khâm sai Bắc kỳ làm Tư lệnh trưởng, Muselier làm Cảnh sát sứ. Quân Bãi Sậy giao chiến quân Tuần cảnh suốt 8 tháng, gây cho địch khá nhiều thiệt hại. Trận Đông Nhu, quân Bãi Sậy giết viên quản khố xanh Leglée; ngày 24-7, giết chết viên quản khố xanh Escot ở làng Hoàng Vân. Ngày 18-10, Nguyễn Thiện Thuật bắn viên quản Montillon bị trọng thương.

Từ sau khi vua Hàm Nghi bị bắt (1888) và lưu đày ở châu Phi, phong trào Cần Vương bắt đầu suy yếu. Sức mạnh của quân Bãi Sậy cũng suy yếu dần. Quân Pháp thiết lập được nhiều đồn quanh căn cứ Bãi Sậy, các tướng: Lãnh Điều, Lãnh Lộ, Lãnh Ngữ, Đề Tính cùng một số tướng lĩnh khác tử trận, số còn lại bị truy kích. Hoàng Cao Khải nhân danh vua Đồng Khánh chiêu dụ Nguyễn Thiện Thuật ra hàng và hứa khôi phục chức tước. Ông đã viết vào tờ sớ dụ này 4 chữ “Bất khẳng thụ chỉ”.

Xem thêm:  Văn học và tình thương – Văn nghị luận – Bài văn hay lớp 8

Năm 1888, ông trao quyền chỉ huy cho em trai là Nguyễn Thiện Kế và tùy tướng là Nguyễn Đức Mậu, rồi sang Trung Quốc tìm gặp Tôn Thất Thuyết bàn cách tăng viện. Nhưng việc không thành và ông mất vì bệnh ngày 25-5-1926 tại Quảng Tây (Trung Quốc). Ngoài tinh thần anh dũng bất khuất của nghĩa quân, gia đình Nguyễn Thiện Thuật là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, sẵn sàng hy sinh kháng Pháp đến cùng. Hai người cháu ruột của Nguyễn Thiện Thuật bị triều đình tay sai nhà Nguyễn xử tử; hai người em ruột của ông là Nguyễn Thiện Dương, Nguyễn Thiện Kế đều hy sinh vì nước; hai người con trai là Nguyễn Thiện Tuyển, Nguyễn Thiện Thường hy sinh anh dũng. Sau khi Bãi Sậy tan vỡ, anh hùng Nguyễn Thiện Tuyển về chiến khu Yên Thế tiếp tục chiến đấu, sau bị giặc bắt và bị xử chém tại Bần Yên Nhân vào tháng 4-1909.

Lời bàn:

Theo nội dung của giai thoại trên, Nguyễn Thiện Thuật quả thực là một nhà yêu nước, một danh tướng Cần Vương chống Pháp. Ông cũng là một sĩ phu sống thanh liêm, trong sáng, nhưng tuyệt đối không để ngoại bang xâm chiếm đất nước. Một người Pháp đã nhận xét về ông như sau: “Những lãnh tụ của các cuộc khởi nghĩa chống Pháp đương thời thường ít quan tâm đến những hoạt động chính trị trong quần chúng nông dân. Chỉ có Tán Thuật là người đã cố gắng tập hợp quần chúng nông dân Bắc kỳ vào cuộc đấu tranh dân tộc”.

Cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy đã mở thêm một trang mới trong dòng lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc. Nghĩa quân Bãi Sậy đã chiến đấu trong tình thế vô cùng cô đơn, bị triều đình bỏ rơi, không có được ngoại viện để đương đầu với thực dân Pháp có vũ khí tối tân hơn. Thế nhưng, chiến khu Bãi Sậy đã trở thành một trong những biểu tượng hào hùng, đánh thức tấm lòng yêu nước của nhiều tầng lớp trong xã hội ở cuối thế kỷ XIX. Khí phách hào hùng đó đã kế thừa và phát huy truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước, khích lệ tinh thần yêu nước của nhân dân ta, cổ vũ cho các phong trào yêu nước sau này.

Theo Tapchivanhoc.com

Check Also

thaohuyen4 4387256 310x165 - Tổ quốc trên hết

Tổ quốc trên hết

Theo sách “Danh nhân đất Quảng”, năm 1916, bà Hoàng Thị Tòng từ Hàng Châu …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *