Vị quan chính trực

Xưa có chuyện kể rằng, chỉ với một câu đối của ông lão cưỡi bò nhưng đã khiến một viên quan huyện ở vùng Kinh Bắc chuyên hống hách, kiêu ngạo, ức hiếp dân lành phải quỳ xuống đất rồi lạy như tế sao. Chuyện xảy ra vào thời vua Lê, chúa Trịnh. Vì vào thời ấy thế sự vô cùng nhiễu nhương, khiến không ít vị quan thanh liêm phải từ quan về quê, mặc dù vậy nhưng trong số đó có rất nhiều người vẫn hết lòng nghĩ về dân, về nước. Trần Văn Trứ là một người như vậy.

Theo sách “Hải Dương phong vật chí”, Trần Văn Trứ, tự là Anh Mẫn, thụy là Đôn Nhã, hiệu Thanh Khê, sinh năm 1716, thọ 64 tuổi. Năm 28 tuổi, ông đi thi và đỗ Đệ nhị giáp chính Tiến sĩ xuất thân Đệ nhất danh khoa Quý Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng năm 1743. Cha ông là Trần Văn Hoán, hiệu là Đông Hiên, sinh năm 1690 và đến năm 35 tuổi đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Thìn, đời vua Lê Bảo Thái, làm quan đến chức Hàn lâm viện Thừa chỉ, sung làm Phó sứ sang Yên Kinh. Ngày 11-10-1749, về đến huyện Sùng Thiện, phủ Trường Sa thì mắc bệnh rồi mất, được phong Vinh lộc Đại phu, Công bộ Hữu Thị lang, thọ 60 tuổi.

Như vậy, cha con ông cùng làm quan một triều. Năm Quý Hợi (1743), đời vua Lê Hiển Tông, ông làm quan tới chức Thiên đô ngự sử, người đương thời quen gọi ông là tiến sĩ Từ Ô. Sinh thời, tuy làm nhiều chức quan to nhưng cuối cùng vì thấy chính sự triều đình vua Lê, chúa Trịnh thời ấy quá đỗi mục nát nên ông liền cáo lão về trí sĩ. Ai nấy đều tiếc, bởi lẽ ông là vị quan thanh liêm chính trực, có tài lại có lòng thương dân.

Xem thêm:  Vòng danh lợi

Chuyện xưa kể rằng, có một năm, Trần Văn Trứ phụ trách khoa thi hương thuộc trấn quê nhà. Hay tin này, bà vợ nói riêng với ông: Năm nay có thằng cháu đi thi, mong được ông rộng tay cho nó đặng mở mày mở mặt. Tên nó là Hi… Nghe vợ nói thế, ông không nói gì mà chỉ gật đầu biết vậy. Bà vợ lại dặn riêng người theo hầu nhớ để ý việc này, khi nào ông duyệt đến quyển văn của người cháu thì làm hiệu: hi hi, để nhắc cho ông nhớ. Đúng vào buổi ông chấm văn, người hầu nhận ra dấu hiệu trong bài thi mà quan bà đã dặn, liền đứng cạnh vờ đằng hắng: “hi hi”. Khi ấy, ông sực nhớ lại lời vợ, rồi ông liếc qua lời văn dưới mắt mình thì thấy lời lẽ bất thông, không xứng đáng cho đỗ. Ngay lúc đó, ông cầm bút son sổ dài lên mặt quyển thi mà nói rằng: Này thì hi hi! Này thì hi hi! Thấy vậy người hầu tái mặt, vội vàng trốn ra ngoài.

Trong một lần về nhà, ông biết viên tri huyện quê mình (Thanh Miện) là kẻ rất hách dịch, hễ ai qua dinh mà không xuống ngựa, xuống cáng đều bị hắn đánh đòn. Một hôm, nhân đi chơi qua dinh huyện, ông mượn một con bò cưỡi đi nghênh ngang không chịu xuống. Lính huyện thấy vậy liền ra lôi ông vào trong phủ quan. Khi ấy, ông kêu là thầy đồ già đi dạy học ở tỉnh xa mới về nên không hay biết lệ này, vả lại lệ quan buộc phải xuống ngựa chứ không buộc xuống bò. Nghe ông nói vậy, viên quan huyện quen thói hống hách liền la hét một hồi, truy hỏi sách nọ, vặn sách kia để thử thách thầy đồ. Sau chừng như thấy ông đối đáp trôi chảy, lại có vẻ ung dung mà có tuổi tác nên cũng có ý nể, lão huyện liền bảo ông: Lý ra tội nhà thầy phải đánh đòn, nhưng ta nể cái bộ râu của thầy nên tha đòn cho. Vậy thầy phải đối câu đối ta ra để tạ ơn nghe!

Xem thêm:  Nhà cải cách thuế

Nói xong, lão quan huyện liền ra vế đối rằng: Quan huyện Thanh Miện thấy kẻ vô lễ nên muốn đánh. Khi đó, ông nghè Từ Ô nghe viên quan huyện nhắc tới câu “nể cái bộ râu” bèn cười khẩy và đọc vế đối rằng: Tiến sĩ Từ Ô hạnh hữu tu nhi đắc thoát. Nghĩa là: Tiến sĩ Từ Ô may nhờ có râu mà thoát đòn. Ngay lúc đó, viên quan huyện cùng lũ nha lại nghe vậy biết ngay là tướng công họ Trần, nên sợ toát mồ hôi, chả còn hồn vía rồi liền phủ phục lạy như tế sao. Khi ấy, ông nghiêm sắc mặt, chỉnh cho một hồi về đạo đức khiêm tốn, chăn dân… rồi bỏ đi. Một hồi sau đám quan lại vẫn không dám đứng dậy, người xem được một trận cười. Từ đó, cái lệ “hạ mã” hống hách, vô lý kia cũng bị hạ.

Lời bàn:

Theo các tài liệu còn lưu truyền đến ngày nay, Trần Văn Trứ sinh ra trong một gia đình khoa bảng, có nền nếp thi thư, nhiều đời có người làm quan, làm thầy đồ, thầy thuốc. Thừa hưởng truyền thống gia đình, Trần Văn Trứ đã sớm thể hiện tài năng qua đường thi cử. Khi ra làm quan, ông đã mang hết tài năng và trí lực của mình để giúp vua, giúp nước. Người đương thời tôn vinh ông là một vị quan chính trực, thẳng thắn, làm quan chấp pháp nghiêm minh, không thiên vị tình riêng danh tiếng vang xa. Hơn thế nữa, ông còn là người có vai trò nhất định đối với văn hóa trong việc đào tạo đội ngũ trí thức cho xã hội Việt Nam thế kỷ XVIII.

Xem thêm:  Hiếu nghĩa xưa và nay

Chính vì vậy mà khi ông mất, các bạn đồng liêu và khoa mục đã có câu đối viếng và được dịch nghĩa là: Dạy học như gió xuân, thước ngọc khuôn vàng, răn bảo tựa cha con ruột thịt. Làm quan như băng tuyết, lời ngay khí mạnh, trang nghiêm như sấm sét quỷ thần. Chỉ riêng với lời này thì hậu thế cũng đã đủ biết ông là một con người có tâm và có tài! Tiếc rằng ông sinh ra trong thời loạn, lớn lên trong những năm tháng mà triều đình vua Lê, chúa Trịnh đã bước vào giai đoạn mục ruỗng và thối nát, vua chẳng ra vua, chúa chẳng ra chúa. Còn quan lại thì thi nhau đục khoét công khố và vơ vét của dân. Xã hội đương thời là vậy, nhưng ông vẫn không bị vẩn đục, vẫn giữ được danh tiếng của trí thức thanh liêm, giàu lòng yêu nước thương dân.

Theo Tapchivanhoc.com

Check Also

cap nhat nhanhca415 310x165 - Tổ quốc trên hết

Tổ quốc trên hết

Theo sách “Danh nhân đất Quảng”, năm 1916, bà Hoàng Thị Tòng từ Hàng Châu …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *