Kẻ gian tham

Ở ven hồ kia có một con sếu rất tinh ma, xảo quyệt. Hằng ngày, sếu đi kiếm ăn ở quanh quẩn trong hồ, hễ con cá nào vừa nhô lên mặt nước hoặc bơi vào gần bờ là sếu nhanh chóng mổ chết ngay. Trong hồ có nhiều loại cá, tôm, cua, ốc, ếch… nên sếu chẳng bao giờ bị đói. Tuy đầy đủ thế song sếu vẫn chưa vừa ý, nó chỉ muốn ăn cho thỏa thích đến không còn một con cua, con cá nào trong hồ nữa thì nó mới chịu thôi.

Một hôm, con sếu bay đi kiếm ăn ở nơi xa, trên đường bay nó nhìn thấy một cái hồ rộng khác. Sau khi kiếm được vài con cá khá to, sếu quay về hồ cũ. Nó liền nghĩ ra một kế độc để đánh lừa đàn cá, cua, ếch ở trong hồ:

– Này các bạn cá yêu quý của tôi ơi. Hôm nay tôi đi xa chơi, trông thấy một cái hồ rộng và đẹp lắm ở bên kia cánh rừng này. Nghe sếu nói vậy, một con cá vội nhô lên mặt nước đớp bóng và nói với con sếu rằng:

– Cái hồ đó thì có liên quan gì đến chúng tôi?

– Thì các bạn để tôi nói hết đã nào. Sau đó, con sếu lại tiếp tục kể: Trên đường quay về với các bạn, tôi nghe thấy mấy người nói với nhau là vài bữa nữa, họ sẽ tát cạn hồ để bắt hết cá, tôm, cua, ốc, ếch… Nghe vậy, tôi lo quá, vì mấy người kia nói là họ làm thật đấy. Nếu cạn sạch nước, các bạn chết hết thì tôi biết sống với ai.

Xem thêm:  May và rủi

Con cá nhỏ thật thà kia bèn kể lại lời của sếu cho ông bà, cha mẹ, anh em, bạn bè của mình ở trong hồ nghe. Chẳng mấy chốc, lũ tôm, cá, cua, ốc, ếch… trong hồ đã tụ tập lại sát bờ nhau nhờ sếu giúp đỡ qua cơn hoạn nạn. Bàn đi tính lại mãi, cuối cùng lũ cá bằng lòng cho sếu mỗi lần cắp vài con đem thả xuống hồ nước rộng lớn ở bên kia rồi quay trở về đón dần dần những con cá khác.

Thật tội nghiệp, lũ cá kia đã mắc mưu ác hiểm của con sếu. Sếu xà xuống nước cắp mấy con cá lên rồi bay một mạch đến cái cây to cao nó vẫn thường đậu qua đêm. Nó ung dung chén từng con một rồi nhả xương xuống đất. Ăn xong, sếu lại quay về hồ cắp tiếp một vài con cá khác. Cứ như thế, hết chuyến này đến chuyến khác và ngày này qua ngày khác, cả đàn cá lần lượt theo nhau chui vào bụng sếu, xương cá đã chất thành đống dưới gốc cây.

Bây giờ thì đến lượt cua. Nó vốn biết sếu là kẻ gian ác, cua đã cẩn thận dè chừng. Nó để cho sếu cắp vào mai, còn hai càng thì vòng qua ôm vào cổ sếu thật chặt. Sếu cắp cua nhằm thẳng cái cây to bay tới. Trong lúc sếu bay, cua nhìn xuống mãi mà không thấy cái hồ rộng, đẹp như lời của sếu nói ở đâu.

– Này anh sếu ơi, sắp đến chưa? – Cua hỏi.

– Sắp đến rồi, đừng sốt ruột. – Sếu trả lời.

Cua bắt đầu e ngại, rồi nỗi ngờ vực ngày càng tăng, chốc chốc nó lại hỏi sếu:

– Đã sắp đến chưa? Cái hồ anh nói sao mà xa thế?

– Sắp đến rồi, chỉ một quãng ngắn nữa là đến thôi. – Sếu trả lời, rồi đậu xuống một cành cây to quen thuộc.

Lúc đó, cua nhìn xuống gốc cây, thấy một đống xương to, trắng xóa, nó hiểu ngay là đàn cá trong hồ đã bị sếu ăn thịt hết. Ngay lập tức, cua xiết chặt hai càng to khỏe quanh cổ sếu. Mặc cho sếu vỗ cánh bạnh bạch rồi vùng vẫy, nhưng dù thế nào thì cua cũng không buông lỏng cổ sếu ra. Cua bắt sếu phải cắp nó quay lại hồ cũ. Bị hai càng cua to kẹp chặt đau quá, sếu đành phải cắp cua bay về hồ.

Trước khi sếu há mỏ để thả cua xuống nước, cua lấy hết sức kẹp đứt lìa cổ sếu. Chỉ kịp kêu lên một tiếng thất thanh, con sếu rơi xuống mặt hồ. Thật đáng đời cho con sếu gian tham, độc ác!

Lời bàn:

Phương pháp phúng dụ trong truyện ngụ ngôn thường dựa trên các đặc điểm tiêu biểu, thông dụng của các loài vật (như cáo ranh mãnh, sư tử khỏe mạnh, thỏ thông minh nhưng nhút nhát…). Cốt truyện ngụ ngôn ngắn, hàm xúc, giàu sức biểu hiện, bộc lộ bản chất của đối tượng và hình thức phúng dụ trợ giúp đắc lực cho sự thuyết minh tính cách của nhân vật trong truyện ngụ ngôn. Vì vậy, truyện ngụ ngôn có ý nghĩa sâu sắc trong việc giáo dục đạo đức cho trẻ em.

Xem thêm:  Phân tích hình ảnh người mẹ hiền trong bức thư “Mẹ tôi” được bố En-ri-cô nhắc đến

Trong mỗi câu chuyện ngụ ngôn đều mang đến những thông điệp, những giá trị đạo đức đáng quý. Vì vậy, để giáo dục trẻ bài học về sự khiêm tốn, không chủ quan, phải luôn có ý thức học hỏi, vươn lên thì cha mẹ có thể đọc cho trẻ nghe câu chuyện “Ếch ngồi đáy giếng”, “Thầy bói xem voi”, hay “Rùa và Thỏ”. Để dạy trẻ đức tính linh hoạt, không cứng nhắc, cha mẹ có thể kể cho trẻ nghe câu chuyện “Cây Sồi và cây Sậy”… Do đó, thay vì nói với trẻ “Con phải thế này, con phải thế kia,…” thì hãy dạy cho trẻ những đức tính tốt đẹp rút ra từ những câu chuyện ngụ ngôn giàu ý nghĩa giáo dục mà người xưa đã đúc kết và để lại cho đời sau. Hãy nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ bởi những dư vị ngọt ngào, yêu thương từ những giá trị nhân văn, nhân đạo vốn có của nhân loại.

ND

Check Also

nu sinh dien do guc hinh 2 310x165 - Tổ quốc trên hết

Tổ quốc trên hết

Theo sách “Danh nhân đất Quảng”, năm 1916, bà Hoàng Thị Tòng từ Hàng Châu …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *