Chí sĩ Lê Cơ

Đầu thế kỷ XX, phong trào Duy Tân do “bộ ba” Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp khởi xướng ở Quảng Nam rồi lan rộng miền Trung và cả nước. Bên cạnh cuộc vận động “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” thì việc cải cách, thực nghiệp ở nông thôn là minh chứng cho việc đưa chủ thuyết Duy Tân vào đời sống xã hội, nó là hậu phương vững chắc của phong trào. Người đầu tiên trong phạm vi cả nước đã tiến hành cuộc cải cách ấy là Lê Cơ ở làng Phú Lâm, Quảng Nam.

Lê Cơ sinh ra ở làng Phú Lâm, huyện Lễ Dương (nay thuộc xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước) trong một gia đình trung nông. Gia đình khá giả nên từ nhỏ ông được ăn học chu đáo, nhưng vì sống ở vùng miền núi khó khăn cách trở nên ông chỉ học đến trường Ba. Ông không đi thi tú tài mà ở làng làm nông. Lê Cơ vốn tính tình bộc trực, ngay thẳng, không sợ cường quyền. Trong thời gian thôi học về nhà, ông đã nhiều lần thưa kiện bọn cường hào tới tận tòa tỉnh.

Năm 1903, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp khởi xướng cuộc vận động Duy Tân. Lúc này tại làng Phú Lâm, Lê Cơ ra nhận chức Lý trưởng, ông suy nghĩ “Túng bất năng hành chi thiên hạ, do khả nghiệm chi nhất hương” (Nếu không làm được việc lớn cho thiên hạ thì cũng làm những việc đúng trong một làng). Với chí hướng ấy và tiếp thu tư tưởng dân chủ, hơn nữa làng Phú Lâm lại là nơi gần làng Thạnh Bình, quê của Huỳnh Thúc Kháng và đặc biệt Lê Cơ rất gần gũi với Tây Hồ Phan Châu Trinh bởi cụ Phan là người anh em cô cậu với ông.

Xem thêm:  Kể lại câu chuyện về đức tính thật thà, trung thực mà em biết

Trong bối cảnh nước nhà bị nô lệ, nạn cường quyền áp bức làm cho đời sống nhân dân cơ cực, Lê Cơ nhận thấy việc cải cách xã hội, làng xã là việc cần thiết, trước hết là để tự cường, sau đó xây dựng nền dân chủ để cứu nước. Lê Cơ đã sớm hưởng ứng tham gia phong trào Duy Tân và cho đến khi thực sự nắm quyền ở làng, ông mới có điều kiện bắt tay thực hiện công cuộc cải cách trọng tâm là lập trường tân học, mở mang dân trí cho dân. Ngày 25-12-1903, Lê Cơ đưa đơn lên tri phủ Thăng Bình xin mở tiệm buôn tạp hóa và trường dạy chữ quốc ngữ. Được đồng ý, ông hô hào nhân dân trong xã đóng góp tiền của, công sức xây dựng một trường học ở phái giữa làng Phú Lâm. Ngày 30-4-1904, Trường quốc ngữ Phú Lâm khai giảng dạy nam giới học, ban ngày dạy thanh niên, tối dạy trung niên, ngày chủ nhật dân trong làng và các vùng lân cận đến nghe diễn thuyết, nghe thơ, nghe nói vè, đánh cờ… Năm 1915, số người trong làng và vùng xung quanh xin học quá đông, Lê Cơ lập thêm 4 trường ở 4 phái dạy nam giới học chữ quốc ngữ, trường phái giữa chuyển sang dạy nữ thanh thiếu niên.

Chương trình học lúc bấy giờ gồm nhiều môn như lịch sử, địa lý, hát, vẽ, toán đố. Dần dần một số thanh niên được học tiếng Pháp và tiếng Nhật, đặc biệt trường Phú Lâm còn dạy quân sự, rèn luyện sức khỏe cho học sinh dưới hình thức thể thao, luyện võ. Lúc này, học sinh của trường trai, gái trên 100 người, việc học tập ở trường tân học Phú Lâm càng phát triển mạnh mẽ. Năm 1905 ở Phú Lâm chỉ có vài ba người biết chữ thì sau 3 năm mở trường tân học, năm 1908, trong 1.200 dân của xã, với khoảng 850 người từ 14 tuổi trở lên thì có hơn 650 người biết đọc, biết viết thông thạo chữ quốc ngữ.

Xem thêm:  Vị tướng tài ba

Trường Phú Lâm trở thành trường tân học đầu tiên của phong trào Duy Tân và cũng là trường đầu tiên ở Quảng Nam và cả nước dạy nữ học sinh. Ngoài việc thành lập trường Phú Lâm, Lê Cơ tham gia cùng với các nhân sĩ Hồ Tá Bang, Nguyễn Trọng Lợi, Nguyễn Quý Anh vận động thành lập Trường Dục Thanh (trường tân học ở Phan Thiết). Tại quê hương – làng Phú Lâm, Lê Cơ cũng tích cực thực hiện cải cách xã hội. Ban đêm, ông tổ chức họp dân theo từng phái để diễn thuyết, đọc cho dân nghe những bài thơ cổ xúy tinh thần yêu nước, vận động mọi người mặc áo tây, cắt tóc ngắn và chính ông là người đứng đầu trong hội mặc đồ tây ở Quảng Nam.

Lời bàn:

Mỗi khi nhắc đến phong trào Duy Tân vào những năm đầu thế kỷ XX, không ai có thể quên tam kiệt: Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, những người mà tên tuổi của họ đã gắn liền với phong trào. Nhưng ngoài những nhà khởi xướng, lãnh đạo lỗi lạc đó, còn có một người cũng vang danh vì sự nghiệp cải cách trên chính quê hương mình, người đó là Lê Cơ. Với tư tưởng “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, ông đã trở thành người tiên phong thực hiện phong trào Duy Tân tại quê mình, rồi sau đó nhân rộng ra đến 30 xã, thôn trong vùng. Và ông nhanh chóng biến làng Phú Lâm hẻo lánh thành một làng duy tân “kiểu mẫu” đầu tiên của cả nước ở đầu thế kỷ XX, với đủ các tổ chức như nông đoàn, công hội, hợp xã, thương cuộc, bảo hiểm…

Xem thêm:  Trí tuệ hơn người

Từ hình mẫu Lê Cơ với những thành tựu mà ông tạo dựng được tại quê nhà, cho ta một đánh giá: Tất cả tư tưởng canh tân, cải cách; mọi khát vọng cho một quốc gia phú cường, dù ở một đơn vị thấp nhất là cấp làng xã, thì vẫn cần một cá nhân điển hình, một người tâm huyết, yêu quê hương xứ sở, có quyết tâm muốn biến cải cuộc đời mình và nhân quần. Nếu không phải là con người phi thường thì đã chẳng dám làm những việc kinh thiên động địa như vậy ở giữa một nơi không xa kinh thành Huế là mấy. Vì thế, với hậu thế hôm nay, ông là nhân vật tiêu biểu trong đêm trước xiết bao khó nhọc của buổi bình minh mà thế hệ ông trằn trọc chuẩn bị cho dân tộc.

Theo Tapchivanhoc.com

Check Also

nu sinh 20181115 040157 310x165 - Tổ quốc trên hết

Tổ quốc trên hết

Theo sách “Danh nhân đất Quảng”, năm 1916, bà Hoàng Thị Tòng từ Hàng Châu …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *