Cũng trong chuyên mục này, chúng tôi đã có lần đề cập đến danh nhân Nguyễn Tạo (SN 1822) tại làng Hà Lam, phủ Thăng Hoa, nay là thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Trong bài viết này xin được đề cập đến việc ông từng xin vua Tự Đức cho đi kinh lý ở vùng miền núi Quảng Nam. Lý do mà ông đưa ra là vì, miền thượng du vùng đất Quảng Nam – vùng đất từ đồn Bảo Định đến đồn Phước Sơn, là nơi rừng gò hoang vu phần nhiều đất đai rộng rãi màu mỡ, nhưng lại ít cư dân sinh sống.
Từ đó, ông xin nhà vua cho đặt nha sơn phòng, chọn người địa phương giỏi giang trông coi công việc, trích hương binh đến đóng để khai khẩn và lượng tha những tù tội cho đến ở để khẩn khoang. Hiểu dụ những thân hào vật lực nếu ai tình nguyện mộ điền tốt, sắm lấy đồ vật, lương thực, điền khí, dồn lập thành đội ngũ, đặt người cai quản đưa đến khai khẩn, đều chiếu lệ có thưởng, có phạt. Vua y lời xin, cho Tạo là người tốt, giỏi mà có lòng, cho đổi lĩnh chức ấy. Hôm bái mạng ra đi được vua Tự Đức phê bảo rằng: Ngươi chuyến này nên làm thế nào sớm được thành hiệu, khiến cho dân ngày thêm được vui về điều lợi.
Khi Nguyễn Tạo đến sơn phòng, ông lại dâng sớ xin lấp sông Vĩnh Điện, mở sông Ái Nghĩa. Bấy giờ nhân có hạn mất mùa, Nguyễn Tạo dâng sớ về triều đình xin 8 điều: Ngăn giữ những nơi danh sơn để giữ gìn địa mạch. Làm lối dẫn thủy để giúp cho nghề nông. Hoãn việc kén lính nhiều để dân được hồi lại. Miễn hết điền tô, thâu thuế năm ấy. Mỗi năm, thuế vụ đông đổi làm hợp thu về vụ hạ năm sau. Cấp chẩn để đỡ túng đói cho dân. Đình việc phái đến quyên khuyến. Đình việc phái người đến thu mua cao da trâu và được vua Tự Đức đồng ý.
Năm 1885, ông được thăng Trước tác sung Cơ mật viện thừa biện, nhưng ông dâng sớ xin từ chối chỉ chuyên lo công việc ở Trường Đốc Quảng Nam. Cũng vào thời điểm này, đêm mồng 4-7-1885, kinh đô Huế xảy ra biến cố, Phụ chính đại thần triều Nguyễn là Tôn Thất Thuyết đã mở cuộc tấn công quân Pháp ở đồn Mang Cá và Tòa khâm sứ Pháp. Nguyên nhân của vụ tấn công là từ ngày 1-8-1884, triều đình Huế làm lễ tôn vua Hàm Nghi, nhưng không xin phép người Pháp. Khâm sứ Pháp lúc ấy là Rheinart đưa tối hậu thư đòi triều đình phải hủy bỏ lễ lên ngôi của vua Hàm Nghi, đồng thời phải làm tờ tạ lỗi và làm tờ xin phép Pháp. Thêm vào đó lại có tin, Khâm sứ Pháp ở Huế là Decourcy định bắt Tôn Thất Thuyết và phế vua Hàm Nghi, lập vua khác nên cuộc tấn công đã bùng nổ.
Cuộc chiến nổ ra và dù quân triều đình Huế đã anh dũng chiến đấu nhưng không thể thắng được quân Pháp, bởi Pháp đã sử dụng một lực lượng tấn công với 2 đại đội lính lê dương da đen, 2 đại đội lính Ả Rập, 6 đại đội lính Pháp da trắng, hỏa lực gồm 60 đại bác 121 ly, nhiều súng cối 80 ly nã vào thành. Đến 11 giờ trưa 6-7-1885, phụ đạo Tôn Thất Thuyết và 2 người con cùng thị vệ vào cấm thành đưa vua Hàm Nghi và tam cung rời kinh đô ra Tân Sở (Cam Lộ, Quảng Trị). Đến 12 giờ trưa, kinh thành Huế hoàn toàn thất thủ.
Sau khi ra Tân Sở, vua Hàm Nghi đã ban dụ Cần Vương, khắp các tỉnh, thành đều hưởng ứng. Tại Quảng Nam, các nghĩa sĩ, văn thân mà tiêu biểu là tiến sĩ Trần Văn Dư (1839-1885) đã đứng ra thành lập Nghĩa hội Quảng Nam. Lúc này, Nguyễn Tạo ngầm ủng hộ phong trào Cần Vương, dù không có chứng cớ nhưng thực dân Pháp và tay sai Nam triều vẫn nghi ngờ ông, chúng cho đòi ông về kinh nhằm tránh sự liên kết và ủng hộ của một vị Đốc học có ảnh hưởng rất lớn trong giới trí thức tỉnh nhà.
Năm 1886, sau khi tình hình ở Huế và Quảng Nam tạm lắng xuống, vua có chiếu cho ông giữ nguyên hàm, sung Thừa biện quốc sử quán, mới được mấy tháng thì ông mắc bệnh xin về quê không ra làm quan nữa. Về quê, ông xây sẵn ngôi sinh phần trên một cái gò ở phía Đông Nam nhà, trồng nhiều hoa cỏ, cây cối rồi thường mời thân thuộc, khách khứa đến đó du lãm, uống rượu luận văn hoặc bàn những việc hồng hoang, hải ngoại cho qua những năm tháng cuối đời.
Lời bàn:
Sách “Đại Nam liệt truyện” của Quốc sử quán triều Nguyễn đã ca ngợi công đức của ông như sau: Nguyễn Tạo là người thanh liêm, giỏi giang, làm quan ở đâu đều có tiếng tốt, được vua phê rằng: Đạo thường khuyến khích dân làng đặt ra học điền, dựng trường học văn, học võ mời thầy về dạy. Cho chí đến chùa chiền, cầu đập, đồng ruộng, thủy lợi, hết thảy đều được sửa sang, việc gì cũng rõ ràng đâu ra đấy, mà đều đôn đốc việc căn bản, cải thiện trong phong tục làm cái kế hơn hết về việc bảo đảm cư tụ cho dân… Đạo là quan giỏi hiếm có. Nhà vua lại có dụ rằng: “Ai thanh liêm tài giỏi được như Nguyễn Tạo thời hậu thưởng”.
Noi gương truyền thống của gia đình, Nguyễn Tạo sống một cuộc đời liêm khiết, thanh bần nhưng lòng nhân ái của ông thì không ai giàu bằng. Sinh thời, một người làm quan mà được vua yêu mến, đồng liêu ngưỡng vọng và khi chết lại được người dân trong vùng tôn vinh đến như vậy thì quả là một hiền tài hiếm có. Thế mới hay rằng, “gieo nhân nào thì gặt quả nấy”, phải gieo nhân “giúp đỡ người khác” thì mới mong nhận được quả “người khác giúp đỡ mình”. Bởi thành công của mỗi người đều được xây dựng trên nền tảng giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau. Ai không hiểu được điều này thì thành công sẽ không bao giờ đến với họ.
Theo Tapchivanhoc.com