Ông hoàng ngang ngược

Hoàng đế Gia Long có tổng cộng 13 hoàng tử và 18 công chúa, hoàng tử Nguyễn Phúc Quân (còn gọi là Nguyễn Phúc Chuân) là con trai thứ 10, sinh ngày 20 tháng 5 năm Kỷ Tỵ (1809). Trong số những người con mà do Đệ tam cung Đức phi Lê Thị Ngọc Bình sinh ra, ông là yểu mệnh nhất nhưng lại là người lắm tai tiếng nhất. Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện” của Quốc Sử quán triều Nguyễn thì Quảng Oai Công tên là Quân, con thứ 10 của Thế Tổ, mẹ là Đức phi họ Lê.

Cuộc đời của Quảng Oai Công Nguyễn Phúc Quân tuy ngắn ngủi nhưng ông đã gây ra không ít chuyện khiến bao người phải phiền lòng, tức giận. Sinh thời, Quảng Oai Công là người ngổ ngáo, xấc xược và rất lười biếng học hành. Biết rõ con mình thuộc hàng khó dạy, vua Gia Long bèn sai vị quan nổi tiếng nghiêm khắc là Ngô Đình Giới đến làm Giáo đạo để lo việc chỉ bảo, giảng kinh sách, rèn luyện đức hạnh cho con.

Theo ghi chép của thư tịch thời Nguyễn, Ngô Đình Giới người ở huyện Phong Đăng (thuộc tỉnh Quảng Bình ngày nay), trước vốn là bề tôi triều Tây Sơn làm quan tới chức Đồng nghị, năm Tân Dậu (1801) ông theo về với chúa Nguyễn. Năm Canh Thìn (1820) làm quan tới chức Cần chánh điện đại học sĩ, Hữu Tham tri bộ Hình, vua Minh Mạng rất kính trọng thường gọi là Ngô tiên sinh, khi ông mất năm Đinh Hợi (1827), được tặng hàm Thượng thư bộ Binh.

Một con người có tiếng tăm như vậy, thế mà theo các sách “Đại Nam thực lục”, “Đại Nam chính biên liệt truyện” cuối cùng cũng không thể nào dạy bảo được vị hoàng tử Nguyễn Phúc Quân, ngược lại còn bị cậu học trò này phỉ báng. Sử sách triều Nguyễn lược thuật về chuyện này như sau: Quảng Oai Công Nguyễn Phúc Quân lúc nhỏ ham chơi, tính xấc xược và kiêu ngạo. Quan Giáo đạo là Ngô Đình Giới dạy bảo thường có phần nghiêm ngặt, bởi vậy, ông ghét lắm. Một hôm, ông nảy ra một kế làm nhục thầy giáo bèn sai đầy tớ trong nhà đi bắt một con hà mô trói lại đem treo dưới gốc cây ở giữa sân. Chờ lúc Giáo đạo Ngô Đình Giới đi ngang qua, Quảng Oai Công vừa lấy roi đánh con hà mô vừa mắng rằng:

Xem thêm:  Bình luận câu Học trò phải kính yêu và biết ơn thầy cô giáo

– Mày chớ có khinh ta! Mày biết ta là ai không? Đừng chọc giận ta mà có ngày chết nghe chưa!

Con hà mô còn gọi là con giải, tức là loài ếch nhái; trong tiếng Hán thì ếch có âm gọi là giới, giống như tên của Giáo đạo Ngô Đình Giới. Biết học trò mượn chuyện đánh mắng con giải để tỏ ý phỉ báng, đe dọa mình, Ngô Đình Giới bèn tâu với vua xin thôi không dạy Quảng Oai Công nữa. Tháng 12 năm Kỷ Mão (1819), vua Gia Long mất, con trai thứ tư là Nguyễn Phúc Đảm lên nối ngôi, đặt niên hiệu là Minh Mạng. Nhà vua thấy em mình ngổ ngáo quá, liền sai các quan là Trần Đại Nghĩa và Nguyễn Đăng Sĩ tới để lo việc dạy dỗ, vua Minh Mạng còn ban cho Trần Đại Nghĩa một cái roi và dụ rằng: Em nhỏ của trẫm, sinh trưởng trong chốn thâm cung, không dạy không thể nên người được. Ngươi nên hôm sớm cẩn trọng dạy bảo, có lỗi thì cho phép đánh, chớ nên để thói kiêu căng và lười biếng lâu ngày thành nết quen.

Được sự ủy thác của hoàng đế nhưng các vị quan này sau một thời gian cũng bất lực, bó tay trước các trò phá quấy của Quảng Oai Công. Vua Minh Mạng lại cử Nguyễn Công Vị làm Giảng quan công phủ nhưng được mấy hôm thì ông tâu với vua rằng Quảng Oai Công chỉ thích chơi đùa chứ không chịu học, thần sợ mình thần không thể làm cho nên được. Vua hỏi: Thế quan trưởng sử Nguyễn Khoa Đạo không ở đó cùng dạy à?

Xem thêm:  Suy nghĩ của em về mạng xã hội Facebook và hiện tượng chơi Facebook của học sinh hiện nay (dàn ý và bài làm chi tiết)

Nguyễn Công Vị đáp: Trưởng sử đối với hoàng đệ thấy thì lạy, gọi thì dạ, thế thì còn sợ gì nữa.

Minh Mạng nói rằng: Về phận trên dưới thì như vậy nhưng còn sự giúp đỡ, khuyên bảo thì các ngươi không thể làm hết chức trách của mình sao?

Nguyễn Công Vị cúi đầu xin chịu tội. Vua Minh Mạng không xử phạt ông nhưng vua cũng biết khó có thể làm em mình thay đổi được. Từ đó không ai dám đến dạy Quảng Oai Công.

Lời bàn:

Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện”, vào mùa hạ năm Minh Mạng thứ 10, tức năm Kỷ Sửu – 1829, Quảng Oai Công Nguyễn Phúc Quân chẳng may bị bệnh đậu mùa mà mất và ông đã kết thúc cuộc đời ngỗ ngược của mình ở tuổi 21. Và theo nội dung của giai thoại trên thì Quảng Oai Công Nguyễn Phúc Quân không những là con vua mà còn là cháu ngoại của vua tiền triều (nhà Lê) nhưng ông ta không có chân mệnh làm vua, vì bản tính ngỗ ngược. Mặc dù sống trong nhung lụa, được giáo dục bởi những người thầy tài giỏi, đức độ nhưng với Nguyễn Phúc Quân thì tất cả đều là thừa. Mà đã là người nhưng không chịu học thì còn biết gì là phải trái, ngược xuôi, vì thánh hiền đã dạy rằng “nhân bất học bất tri lý” mà!

Thế mới hay rằng, ở trên đời này chỉ cần chín tháng mười ngày là đã có thể tạo ra được một con người nhưng kiên nhẫn uốn nắn cả chục năm vẫn chưa tạo ra được một nhân cách tốt đẹp. Bởi vậy, phàm đã là người thì phải học, học để có kiến thức, học để biết đạo lý ở đời, học để có thể ứng xử với đời sao cho hợp lẽ. Và từ thượng cổ tới nay đã chứng minh rằng, tất thảy những học trò ngổ ngáo, cả gan dám phỉ báng thầy, thậm chí đánh lại thầy… đều là những kẻ hư đốn và khi trẻ thì làm nhục cho gia đạo, làm xấu mặt cha mẹ, lớn thì để tiếng xấu cho đời sau. Tiếc rằng, thời nay không phải ai cũng nhận ra điều này. Bởi thế cho nên không ít con ông, cháu cha đã lâm vào vòng lao lý.

Theo Tapchivanhoc.com

Check Also

nu sinh dak lak xinh 15 040142 310x165 - Tổ quốc trên hết

Tổ quốc trên hết

Theo sách “Danh nhân đất Quảng”, năm 1916, bà Hoàng Thị Tòng từ Hàng Châu …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *