Người thầy mẫu mực

Bà Nguyễn Thị Duệ được cả vua Lê và chúa Trịnh coi trọng và phong là Nghi Ái Quan, cho phép bà được chấm các bài thi hội, thi đình. Cho đến ngày nay, nhiều câu chuyện về bà được lưu truyền trong dân gian. Chuyện xưa kể lại rằng, vào năm Đức Long thứ 3, thời vua Lê Thần Tông (1631), bà làm giám khảo kỳ thi tiến sĩ được tổ chức ở làng Mao Điền, Hải Dương, có rất nhiều sĩ tử dự thi.

Khi chấm bài, các quan giám khảo thấy có một quyển làm 4 mục rất tốt nhưng lại bỏ qua không làm 8 mục. Nhưng vì bài làm rất tốt nên các quan không nỡ đánh trượt, bèn trình lên cho chúa xem. Chúa đọc thấy rất tâm đắc nhưng còn vài chỗ chưa hiểu nên hỏi Nguyễn Thị Duệ. Bà liền giải nghĩa theo điển tích, nói ra hàm ý sâu xa khiến chúa cùng các quan phải khâm phục cả người làm lẫn người diễn giải.

Bà còn bình rằng: Bài văn làm được 4 câu mà hay còn hơn làm hết 12 câu mà không hay, triều đình cần người thực tài chứ không cần kẻ nịnh bợ. Thế là các quan cùng đồng ý chấm cho người làm bài đậu tiến sĩ khoa thi năm đó. Đến lúc tra ra mới biết sĩ tử làm bài thi đó là Nguyễn Minh Triết, em họ của bà.

Nhằm khuyến khích việc học tập khắp nơi để có được hiền tài cho đất nước, Nguyễn Thị Duệ đã gửi đề thi đến từng địa phương, rồi tập trung bài lại để chấm. Theo văn bia và một số tài liệu, mỗi tháng 2 kỳ, bà họp các sĩ tử hàng huyện lại cho đề văn do bà đặt, bài làm xong giao Hội “Tư Văn Chí Linh” để nộp lại cho bà. Đúng hạn bà trả bài, cho đăng tên, điểm trên văn chỉ. Phương pháp này của bà giúp người ở những làng quê xa cũng có tinh thần hiếu học, nhiều người nhờ bà rèn giũa mà thi đỗ, một số người đỗ đại khoa. Nguyễn Thị Duệ cũng xin triều đình nhiều mẫu ruộng tốt cho canh tác lấy hoa lợi, số tiền thu được dùng để thưởng cho những ai có thành tích tốt trong học tập.

Xem thêm:  Oan án trong phủ chúa

Tình hình đất nước bấy giờ khiến bà trăn trở. Hết cuộc nội chiến Trịnh – Mạc rồi đến Trịnh – Nguyễn khiến đất nước rối ren, người dân Bắc Hà đói khổ. Càng nghĩ càng thêm chán nên Nguyễn Thị Duệ quyết định xin rời khỏi cung để về quê.Vua Lê và chúa Trịnh không khuyên được nên đành để bà về quê. Bà dựng am để có nơi đọc sách và bảo ban các sĩ tử trong làng. Vua Lê giao cho bà số thuế hằng năm của tổng Kiệt Đặc để làm bổng lộc an hưởng tuổi già nhưng bà chỉ lấy một ít để dùng, còn lại chi tiêu vào việc công ích và trợ giúp người nghèo.

Sau đó, bà xuất gia đi tu ở chùa Vụ Nông, hạt Gia Lâm, lấy hiệu là Diệu Huyền. Bà mất năm 1654, thọ 80 tuổi. Sau khi mất, bà được triều đình ban sắc phong cho đúc tượng, dựng bảo tháp, khắc bia, người dân lập đền thờ, tôn bà là Phúc thần. Bên cạnh bia mộ của bà có một ngôi tháp tên “Tinh phi cổ pháp” khắc 10 chữ Hán “Lễ sư sinh thông tuệ. Nhất kính chiếu tam vương”, nghĩa là người thầy dạy lễ này sinh thời thông tuệ, các vua chúa đều mến phục bà.

Tại Văn Miếu ở Mao Điền, Hải Dương, có thờ 600 vị tiến sĩ, trong đó có 8 vị đại khoa của tỉnh Hải Dương. Bà Nguyễn Thị Duệ trong số 8 vị đại khoa này. Văn Miếu ở Mao Điền chỉ đứng sau Văn Miếu – Quốc Tử Giám, bởi nó đã có 500 năm tồn tại. Chính giữa Văn Miếu Mao Điền thờ Khổng Tử, sau đó lần lượt hai bên là Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phạm Sư Mạnh, Vũ Hữu, Tuệ Tĩnh, Nguyễn Thị Duệ. Đặc biệt bà Nguyễn Thị Duệ là nữ trạng nguyên duy nhất của nước Việt. Vào tháng 2 âm lịch hằng năm, lễ hội lớn sẽ diễn ra ở Văn Miếu Mao Điền để người Việt tham quan các di tích, ôn lại truyền thống hiếu học của các bậc hiền tài nước Việt thuở xưa.

Xem thêm:  Kể lại kỉ niệm của em với người bạn thân lớp 9, lớp 8 hay nhất

Tuy nhiên, do bà là phận nữ nhi, dám vượt qua lễ giáo phong kiến để dự thi tiến sĩ và là vợ của vị vua triều Mạc (vốn chỉ được coi là “ngụy triều”…) nên dù đỗ tiến sĩ, được vua Mạc, rồi vua Lê, chúa Trịnh sủng ái tin dùng, người đương thời ca ngợi nhưng các sử gia thời ấy không ghi chép về cuộc đời của bà trong các sách sử chính thống, khiến người đời sau khó tìm kiếm được thông tin chính xác, đầy đủ về thân thế và sự nghiệp của bà.

Lời bàn:

Nguyễn Thị Duệ không chỉ là nữ trạng nguyên đầu tiên và duy nhất của khoa bảng phong kiến Việt Nam, mà bà còn có nhiều đóng góp cho nền giáo dục đương thời. Theo sử cũ còn lưu truyền đến ngày nay, bà rất quan tâm đến việc thi cử, bồi dưỡng nhân tài cho quốc gia. Phần lớn các kỳ thi đình, thi hội, tất cả bài vở đều qua tay bà chấm và tuyển chọn. Bà thường viện dẫn nghĩa lý kinh sử, sự tích cổ kim rành mạch. Các biểu sớ, văn bài thi đại khoa, chúa Trịnh đều nhờ bà khảo duyệt lại.

Nguyễn Thị Duệ được coi là người khởi đầu hình thức đào tạo từ xa của đất nước. Bà soạn ra các bộ đề thi rồi gửi về địa phương để tổ chức thi. Sau khi kết thúc, bài thi sẽ gửi lên cho bà chấm, kết quả được gửi trở lại các địa phương. Bà cũng khuyến khích phong trào học tập, giúp đỡ học trò nghèo hiếu học, đề cao các nhân tài giúp nước. Đó là hình thức khuyến học đầu tiên của nước ta. Tiếc rằng hậu thế thời này chẳng mấy ai làm được như bà, đã vậy lại có không ít người dù bị cấm nhưng họ vẫn tìm đủ cách mở lớp dạy thêm để thu tiền của học sinh. Lại có thầy giáo công khai sỉ nhục, phỉ báng và đánh học trò trong lớp.. Thật đáng buồn thay!

Xem thêm:  Bản lĩnh Trần Đình Thám

Theo Tapchivanhoc.com

Check Also

7225 1494911290059 1017 310x165 - Tổ quốc trên hết

Tổ quốc trên hết

Theo sách “Danh nhân đất Quảng”, năm 1916, bà Hoàng Thị Tòng từ Hàng Châu …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *