Người thầy lỗi lạc

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Chu Văn An tên thật là Chu An, hiệu Tiều Ẩn, tên chữ là Linh Triệt. Ông là một nhà giáo, thầy thuốc, một đại quan của nhà Trần, được phong tước Văn Trinh Công nên người đương thời quen gọi là Chu Văn An. Quê ông ở làng Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm, Hà Nội (nay thuộc xóm Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội).

Nhà giáo lỗi lạc Chu Văn An là người chính trực, đã từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung, bên kia sông Tô Lịch. Vua Trần Minh Tông đã mời ông ra làm tư nghiệp Quốc tử giám, dạy cho Thái tử Trần Vượng, tức là vua Trần Hiến Tông tương lai. Đến đời vua Trần Dụ Tông, ông thấy quyền thần làm nhiều điều vô đạo, ông dâng thất trảm sớ xin chém 7 tên gian nịnh, nhưng vua không nghe. Ông chán nản xin từ quan về ở núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương), lấy hiệu là Tiều Ẩn (người đi ẩn hái củi), dạy học và viết sách.

Vào những dịp trong triều có lễ hội lớn, ông vẫn được đón về kinh tham dự. Một lần, vua Dụ Tông giao cho ông coi việc chính sự, ông từ chối. Biết tin này, bà Hoàng Thái hậu (tức bà nội vua), nói với những người xung quanh: “Bậc sĩ phu sửa mình trong sạch, dẫu thiên tử cũng không bắt làm bề tôi được. Sao có thể đem bổng cao chức trọng mà dụ dỗ người ta…”. Vua sai nội thần mang áo đến ban tặng, ông tạ ơn xong rồi đem cho người khác. Ai cũng khen cái phong độ của ông là cao thượng.

Xem thêm:  Truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao giúp em hiểu gì về tình cảnh của người nông dân trước cách mạng?

Khi Trần Nghệ Tông lên ngôi, Chu Văn An ra kinh đô bệ kiến vua mới, nhưng không nhận chức tước gì, rồi trở về núi cũ. Đông đảo học trò theo tiễn có hỏi: Từ nhà vua đến đông đảo các sĩ phu và quan chức đều là học trò của thầy, sao thầy không ở lại để đảm đương một trọng trách? Thầy coi thường những chức tước của triều đình lắm sao?

Nhà giáo Chu Văn An nói: Cái quan trọng của con người không ở chỗ chức tước mà ở phẩm giá. Giữ một chức phận nhỏ mà có ích cho đời thì đáng quý biết bao nhiêu. Còn giữ chức tước lớn mà không làm gì có lợi cho dân, cho nước thì chức tước ấy có nghĩa gì. Các con có nhớ Đức Thái Tông triều Trần ta đã nói gì khi Trần Thủ Độ mời người trở lại làm vua không? Ngài nói: “Nếu làm vua mà làm cho dân giàu, nước mạnh thì hãy làm. Còn ngôi vua ư? Ta coi ngôi vua như chiếc dép rách mà thôi!”.

Trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn viết về ông như sau: Chu Văn An tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, bền giữ tiết tháo, không cầu lợi lộc. Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa, vào chính phủ. Như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát đã làm hành khiển mà vẫn giữ lễ học trò, khi đến thăm thầy thì lạy hỏi ở dưới giường, được nói chuyện với thầy vài câu rồi đi xa thì lấy làm mừng lắm. Kẻ nào xấu thì ông nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la hét không cho vào. Ông là người trong sạch, thẳng thắn, nghiêm nghị, lẫm liệt đáng sợ đến như vậy đấy. Minh Tông mời ông là Quốc Tử giám tư nghiệp, dạy Thái tử học…

Xem thêm:  Phân tích câu ca dao “Anh hùng là anh hùng rơm. Ta cho mồi lửa hết cơn anh hùng”- Văn lớp 10

Đến khi vua Trần Dụ Tông băng hà, quốc thống suýt mất, nghe tin các quan đến lập vua, ông mừng lắm. Chống gậy đến xin bái yết, xong lại xin trở về quê, từ chối không nhận chức gì. Khi ông mất, nhà vua sai quân đến tế, ban tặng tên thụy và ít lâu sau thì ban lệnh cho tòng tự ở Văn miếu.

Lời bàn:

Theo Phó giáo sư Vũ Ngọc Khánh, sinh thời, quan Tư đồ Trần Nguyên Đán đã đánh giá về những đóng góp của Chu Văn An như sau: Nhờ có ông mà “bể học xoay làn sóng, phong tục trở lại thuần hậu”. Và nhà sử học Ngô Sỹ Liên đời Lê Thánh Tông đã viết về ông rằng: “…Những nhà Nho ở nước Việt ta được dùng ở đời không phải không nhiều, có kẻ chỉ nghĩ đến công danh, kẻ thì chuyên lo về phú quý, kẻ lại a dua với đời, có kẻ chỉ biết ăn lộc giữ thân. Người chịu để tâm đến đại đức, suy nghĩ đến việc giúp vua nêu đức tốt cho dân được nhờ ơn, Chu Văn An ở đời Trần là người như thế…”.

Và không chỉ có người đương thời, mà hậu thế ngày nay cũng tôn vinh Chu Văn An là một nhà giáo tài đức vẹn toàn. Ông có nhiều đóng góp to lớn cho đất nước và sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Suốt đời làm giáo dục và chính trong giáo dục, ông đã thực hiện lý tưởng sống của mình và qua đó, tạo nên nhân cách nhà Nho hành động, nhà giáo dục thực tiễn. Với ông, mục đích cao cả là tạo ra sự đổi mới theo hướng có lợi cho trăm họ và quốc gia. Và chính vì mục đích này, ông đã hành động theo đúng tính cách bậc đại danh Nho với lòng yêu nước nồng nàn và thương dân sâu sắc. Cuộc đời thanh bạch, tiết tháo và sự nghiệp lỗi lạc của ông là tấm gương sáng cho muôn đời sau.

Theo Tapchivanhoc.com

Check Also

52043129 09 1024x682 1 310x165 - Tổ quốc trên hết

Tổ quốc trên hết

Theo sách “Danh nhân đất Quảng”, năm 1916, bà Hoàng Thị Tòng từ Hàng Châu …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *