Mạnh Tử là nhà tư tưởng, nhà giáo dục lớn của Trung Hoa trong thời kỳ Xuân thu Chiến quốc. Ông đã viết bộ sách “Mạnh Tử” rất nổi tiếng và được tôn xưng là “Á thánh”, có địa vị chỉ sau Khổng Tử trong hệ tư tưởng Nho giáo chính thống thời xưa. Mạnh Tử có được thành công to lớn như vậy đều nhờ vào công lao nuôi dưỡng, giáo dục của người mẹ là bà Mạnh Mẫu.
Bà Mạnh Mẫu tên thật là Chưởng Thị, người nước Trâu, sinh sống vào thời Chiến quốc. Mạnh Tử mồ côi cha từ năm 3 tuổi. Mạnh Mẫu đã một mình ở vậy nuôi con. Hoàn cảnh mẹ góa con côi, nên cuộc sống của 2 mẹ con rất kham khổ nhưng bà luôn cần cù, tiết kiệm, nhẫn nhịn chịu nhiều điều cay đắng, thủ vững chí hướng và lễ tiết để dưỡng dục con trai mình. Trong suốt nhiều năm trời, ngày nào cũng như ngày nào, bà giáo dục con một cách nghiêm khắc, không chút nào buông lơi, bởi vậy mà cuối cùng đã dưỡng thành triết học gia nổi danh Mạnh Tử. Trong “Tam Tự Kinh” có câu: “Tích Mạnh Mẫu, trạch lân xử; tử bất học, đoạn ky trữ” chính là nói về điển tích “Mạnh Mẫu ba lần chuyển nhà” và “Mạnh Mẫu cắt vải” để dạy con.
Chuyện xưa kể lại rằng, Mạnh Mẫu vì để tìm hoàn cảnh sống thích hợp cho con trai chuyên tâm học tập mà nhiều lần bà đã phải chuyển nơi ở. Ban đầu, nơi 2 mẹ con chuyển tới không may ở gần một bãi tha ma. Bởi vì “nghe quen tai, nhìn quen mắt”, Mạnh Tử thường xuyên cùng các bạn chơi trò xây mộ, cúng tế trước mộ và khóc như người ta thường khóc trong đám tang. Chứng kiến cảnh ấy, mẹ của Mạnh Tử rất đau lòng và nhận ra rằng hoàn cảnh sống như vậy thật là không tốt cho con, vì vậy bà quyết định chuyển nhà đến nơi khác sinh sống.
Sau đó, gia đình Mạnh Tử chuyển đến sinh sống trong nội thành, ngay khu phố sầm uất, nhưng lại cách một lò giết mổ gia súc không xa. Vì vậy, hằng ngày tiếng giết lợn, tiếng rao bán hàng vang lên không ngừng. Trong hoàn cảnh ấy, Mạnh Tử thường xuyên cùng các bạn hàng xóm chơi trò buôn bán, mặc cả, thậm chí cãi vã với nhau hệt như ngoài chợ. Bà Mạnh Mẫu nghĩ rằng nơi đây cũng rất khó để con trai tập trung học tập, vì vậy bà quyết định chuyển nhà lần nữa. Lần này mẹ con họ chuyển đến sống ở chỗ đối diện với một trường học và văn miếu. Cứ đến ngày đầu tháng âm lịch, các vị quan viên lại đến văn miếu bái lạy hành lễ, thi lễ. Mạnh Tử chứng kiến cảnh ấy liền ghi nhớ từng chi tiết một mà bắt chước theo. Bà Mạnh Mẫu nghĩ: “Đây mới là nơi thích hợp cho con trai ta ở”. Vì vậy, mẹ của Mạnh Tử đã chọn ở lại nơi này.
Mạnh Tử có trí thông minh và tuệ căn bẩm sinh, nhưng cũng có tính ham chơi giống như những đứa trẻ khác. Một hôm, Mạnh Tử trốn học đi ra ngoài chơi nửa ngày mới trở về. Khi Mạnh Tử trở về nhà, bà Mạnh Mẫu không nói lời nào lập tức dùng kéo cắt đứt mảnh vải mà bà đang dệt thành hai mảnh. Ngay khi Mạnh Tử còn đang hốt hoảng kinh ngạc, bà Mạnh Mẫu nói:
Việc nghỉ học của con cũng giống như việc mẹ cắt đứt mảnh vải này. Người quân tử học để thành danh, thỉnh giáo người khác là để làm tăng thêm tri thức. Có tri thức, thì lúc nhàn nhã sẽ được an tĩnh bình hòa, lúc hành động thì có thể rời xa tai họa. Con hôm nay trốn học, khó tránh khỏi việc ngày sau chỉ làm một chút việc nhỏ cũng bỏ dở giữa chừng, tương lai không tránh được việc làm người đầy tớ, càng khó mà rời xa được tai họa. Việc đó cũng giống như việc dệt vải nuôi sống bản thân. Nếu như việc dệt mà bỏ dở giữa chừng thì sao có thể đủ lương thực cho người nhà được ăn no mặc ấm? Nữ nhân nếu như không học tập việc cơm áo, nam nhân nếu như lười biếng tu trì phẩm đức, tương lai không suy đồi vì trộm cướp thì cũng lâm vào cảnh nô lệ. Việc học tập phải nỗ lực, dụng công, tích lũy trong một thời gian dài thì mới có thành tựu. Con không dụng công học tập như vậy, sao có thể thành tựu được nghiệp lớn?
Mạnh Tử nghe xong những lời nói của mẹ trong lòng hiểu rõ phải dốc lòng quyết tâm học tập. Nhờ thế mà cuối cùng trở thành nhà thông thái, được người đương thời cũng như hậu thế tôn vinh.
Lời bàn:
Từ những giai thoại trên đây kể về Mạnh Tử và người mẹ hiền của ông cho thấy, môi trường sống có tác dụng đặc biệt đối với quá trình trưởng thành của mỗi con người. Bởi vì môi trường sống khác nhau sẽ hình thành nên những thói quen khác nhau. Vậy nên người xưa mới có câu rằng “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Hay “Nhuộm màu xanh thì thành màu xanh, nhuộm màu vàng thì thành màu vàng”.
Cùng với môi trường sống, còn một yếu tố quyết định đến sự thành công của Mạnh Tử là sự giáo dục của người mẹ. Xưa nay ai cũng biết, sự ảnh hưởng của người mẹ đối với con cái là vô cùng to lớn. Một người mẹ đức hạnh hay không, có dạy con tốt hay không, sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc đời của người con. Người mẹ chính là người dạy học đầu tiên của con, cho nên mỗi một hành vi, mỗi một lời nói, nhất cử nhất động của người mẹ đều sẽ là cơ sở hình thành nên quan niệm của người con. Và mẹ của Mạnh Tử là một tấm gương mẫu mực cho điều ấy.
Theo Tapchivanhoc.com