Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện”, Phạm Văn Nghị hiệu là Nghĩa Trai, biệt hiệu Liễu Động chủ nhân, sinh năm Ất Sửu (1805). Ông người làng Tam Đăng, tổng An Trung Thượng, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, nay là thôn Tam Đình. Ông thông minh, lại miệt mài kinh sử. Năm Đinh Dậu (1837) khi 33 tuổi, ông thi đỗ Hương cống. Năm Mậu Tuất (1838), ông thi đỗ hoàng giáp. Ngay sau khi thi đỗ, ông được bổ làm Hàn lâm viện Tu soạn, sau được bổ làm Tri phủ Lý Nhân.
Minh họa:S.H
Năm 1852, ông cùng anh trai là Phạm Văn Thạch và 14 sĩ phu các tỉnh Nam Định, Hưng Yên đứng ra chiêu tập dân nghèo lưu tán đến khai hoang, đắp đê, lấn biển, thau chua rửa mặn lập nên trại Sĩ Lâm. Sau trại này phát triển thành tổng Sĩ Lâm rồi cả miền hạ huyện Nghĩa Hưng với hàng chục làng xã mới được thành lập. Ngày 1-9-1858, liên quân Pháp – Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng, sau đó đánh Gia Định, ông đã đứng ra tổ chức một đội quân gọi là “quân Nghĩa dũng” vào Đà Nẵng đánh đuổi giặc Pháp xâm lược. Ngày 21-6-1860, đoàn quân Nam tiến của Phạm Văn Nghị tới kinh đô Huế. Khi đó quân Pháp đã rút khỏi Đà Nẵng và đang tập trung binh lực đánh phá 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ. Phạm Văn Nghị xin vua Tự Đức cho vào Nam kỳ đánh Pháp. Với tư tưởng đầu hàng giặc, Tự Đức lấy cớ quân sĩ gian lao, bắt đoàn quân Nam tiến phải quay trở lại Nam Định. Phạm Văn Nghị không thể chống lại lệnh vua, cùng đoàn quân đem theo nỗi bất bình trở ra Bắc.
Ngày 10-12-1873, giặc Pháp cho tàu Xcoocpiông theo sông Đáy đến làng đạo Vĩnh Trị để phối hợp với bọn phản động trong đạo Thiên Chúa giáo đã được cố đạo Puyginiê vũ trang làm nội ứng khi quân Pháp tấn công. Khi ấy, tú tài Phạm Đăng Hài (con trai Phạm Văn Nghị) đã chỉ huy nghĩa quân tấn công quân đạo trước khi tàu Pháp tới, khiến chúng tan rã. Tàu giặc tới ngã ba sông Đào chảy vào sông Đáy thuộc địa phận huyện Ý Yên thì bị gần 1.000 nghĩa quân do Phạm Văn Nghị chỉ huy đóng ở đồn Độc Bộ và quân của Lãnh binh Nguyễn Văn Lợi đóng ở đồn Phù Sa chặn đánh. Không ngờ Lãnh binh Nguyễn Văn Lợi khiếp sợ kéo quân tháo chạy chỉ còn một mình Phạm Văn Nghị chỉ huy quân sĩ chống giữ, mãi đến khi súng hỏng, đạn hết mới chịu rút lui.
Với tinh thần có trách nhiệm với đất nước, ông cho rằng trận thua ở Độc Bộ là do mình tài năng kém, làm chưa hết phận sự của người làm tướng, liền trầm mình xuống sông tự vẫn đến 2 lần. Những người đi theo vớt được ông đưa về thuốc thang chạy chữa. Đẩy lùi được quân ta ra khỏi đồn Độc Bộ, quân Pháp tràn vào đồn phá hủy súng thần công các cỡ rồi tiếp tục cho tàu tiến về tỉnh thành Nam Định. Ngày 11-12-1873, thành Nam Định rơi vào tay giặc Pháp. Năm 1874, triều đình Huế ươn hèn, sợ giặc Pháp nên đã ký hòa ước với chúng, buộc Phạm Văn Nghị phải giải tán nghĩa quân, cử ông làm Bang biện. Ông lấy cớ tuổi già xin nghỉ về dưỡng bệnh. Nhưng triều đình Huế sợ giặc Pháp cho rằng vẫn còn sử dụng những người đã từng chống Pháp, nên trước khi ông nộp đơn xin nghỉ đã nghị án rằng, trước đây ông đã không giữ được tỉnh thành Nam Định nên cắt hết chức tước của ông. Ông về ở ẩn tại động Liên Hoa (Gia Viễn, Ninh Bình).
Giặc Pháp ngày càng bành trướng, triều đình lần lượt ký hiệp ước đầu hàng giặc Pháp, ngăn cấm nhân dân tuyên truyền, vũ trang chống Pháp. Phạm Văn Nghị xem chừng không có cơ hội đánh được giặc, ông di cư về làng Hóa Thiên tổng Bồng Hải, phủ Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình mở trường dạy học, học trò đến học rất đông… Trước cảnh nước mất, nhân dân lầm than, ông buồn chán rồi lâm bệnh và mất ngày 11-1-1880, thọ 76 tuổi. Triều đình truy phục hàm Hàn lâm viện Thị độc học sĩ.
Lời bàn:
Từ nội dung của giai thoại cho thấy, cuộc đời và sự nghiệp của Phạm Văn Nghị không phải chỉ làm quan. Điều cao quý và đáng trân trọng là ông biết lo cho dân, cho nước, coi nhẹ vinh quang, bổng lộc. Ông đã đứng ra xin cho dân Ninh Bình, Nam Định khai phá bờ biển Đại An, lập trại Sĩ Lâm, lo cứu đói, mua ruộng nghĩa điền cho dân nghèo cày cấy, lập kho nghĩa thương giúp dân khi đói kém… Khi hay tin quân Pháp xâm lược nước ta, ông tổ chức một đội quân nghĩa dũng để vào Nam chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược. Tuy đã về ở ẩn, nhưng Phạm Văn Nghị luôn tự trách mình chưa làm hết chức trách với nước, với dân. Có người biết được tấm lòng ông nên đã tâu chuyện lên nhà vua. Vua ban cho ông 100 lạng bạc và dụ rằng: An cư, dưỡng lão, dạy bảo hiền tài, thế cũng đã là lo báo đáp, không nên tự cho như thế là chưa đủ.
Những tác phẩm ông để lại cho hậu thế đã thể hiện rõ thái độ căm thù quân xâm lược sâu sắc, đả kích không thương tiếc những quan lại yếu hèn. Nhưng qua đó, người đọc cũng dễ dàng thấy ở ông một tấm lòng yêu dân thiết tha, lòng kính trọng những anh hùng liệt sĩ đã dám xả thân vì nghĩa lớn. Không chỉ là một sĩ phu yêu nước, thương dân sâu sắc, Phạm Văn Nghị còn là một nhà giáo mẫu mực. Nhờ công lao dạy dỗ mà có nhiều học trò của ông sau này đỗ đạt cao, trở thành người hữu ích cho dân, cho nước như: Nguyễn Khuyến, Trần Bích San, Đỗ Huy Liêu, Phạm Thận Duật, Tống Duy Tân, Đinh Công Tráng, Nguyễn Cao, Lã Xuân Oai, Vũ Hữu Lợi, Phạm Nhân Lý, Trần Văn Gia, Trần Đình Liêm… Vì thế mà cuộc đời và sự nghiệp của ông mãi mãi được hậu thế tôn vinh, kính phục.
Theo Tapchivanhoc.com