Dưới sự lãnh đạo của Trần Hưng Đạo, quân đội nhà Trần đã vượt qua vô vàn khó khăn và hiểm nguy, ba lần đánh tan hàng vạn quân Nguyên Mông xâm lược, giành thắng lợi lẫy lừng, “tiếng vang đến phương Bắc, khiến chúng phải kiêng nể mà thường gọi ông là An Nam Hưng Đạo Vương chứ không dám gọi thẳng tên”. Chính công lao to lớn này đã đưa ông lên hàng “Thiên tài quân sự có tầm chiến lược và là một anh hùng dân tộc bậc nhất của nhà Trần”.
Nhưng với Trần Hưng Đạo, ông không những là một vị đại tướng thiên tài trong chỉ huy đánh giặc, mà còn là người khéo tiến cử hiền tài cho đất nước, như Dã Tượng, Yết Kiêu là gia thần của ông và có công lớn trong việc đánh dẹp Ô Mã Nhi, Toa Đô. Và những người nổi tiếng khác như Phạm Ngũ Lão, Trần Thì Kiến, Trương Hán Siêu, Phạm Lãm, Trịnh Dũ, Ngô Sĩ Thường, Nguyễn Thế Trực vốn là môn khách của ông, đều nổi tiếng thời đó về văn chương và chính sự.
Tháng Tư năm Kỷ Sửu – 1289, triều đình luận công đánh đuổi quân Nguyên Mông, Trần Hưng Đạo được phong tước Hưng Đạo đại vương. Sau đó, ông lui về ở Vạn Kiếp, nơi ông được phong ấp (nay thuộc xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Nhân dân trong vùng lúc bấy giờ kính trọng ông nên đã lập “sinh từ”, tức đền thờ sống ông ở Vạn Kiếp. Tại đền này, ngày nay vẫn còn có tấm bia đá trên đó khắc bài văn bia của vua Trần Thánh Tông, ví ông với Thượng phụ (tức Khương Tử Nha).
Vì có công lao lớn nên nhà vua gia phong ông là Thượng quốc công, cho phép ông được quyền phong tước cho người khác, từ minh tự trở xuống, chỉ có tước hầu thì phong trước rồi tâu sau. Nhưng Trần Hưng Đạo chưa bao giờ phong tước cho một người nào. Khi quân Nguyên vào xâm chiếm nước Việt, ông lệnh cho nhà giàu bỏ thóc ra cấp lương quân, mà cũng chỉ cho họ làm lang tướng giả chứ không cho họ tước lang thực, ông rất kính cẩn giữ tiết làm tôi…
Năm Canh Tý (1300), ông lâm bệnh nặng và mất ngày 20 tháng Tám thọ khoảng 70 tuổi. Trước khi mất 2 tháng, hay tin ông bị bệnh nặng, vua Trần Anh Tông đã tới nhà thăm và hỏi rằng:
– Nếu có điều chẳng may, mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách như thế nào?
Ông trả lời:
– Ngày xưa Triệu Vũ Đế (tức Triệu Đà) dựng nước, vua nhà Hán cho quân đánh, nhân dân làm kế thanh dã (vườn không nhà trống), đại quân ra Khâm Châu, Liêm Châu đánh vào Trường Sa, Hồ Nam, còn đoản binh thì đánh úp phía sau. Đó là một thời. Đời nhà Đinh, nhà Tiền Lê dùng người tài giỏi, đất phương Nam mới mạnh mà phương Bắc thì mệt mỏi, suy yếu, trên dưới một dạ, lòng dân không lìa, xây thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống. Đó lại là một thời. Vua nhà Lý mở nền, nhà Tống xâm phạm địa giới, dùng Lý Thường Kiệt đánh Khâm, Liêm, đến tận Mai Lĩnh là vì có thế. Vừa rồi Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây. Vì vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức, giặc phải bị bắt. Đó là trời xui nên vậy. Đại khái, nó cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản binh chế trường trận là sự thường của binh pháp. Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như các tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được.
Vả lại, từ xưa cho tới nay, việc khoan thư sức dân đều là để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy.
Lời bàn:
Trần Hưng Đạo là anh hùng dân tộc, cây đại thụ của nền văn hóa nước nhà ở thời kỳ phong kiến. Khi làm tướng, ông biết dẹp bỏ “thù nhà” để dốc lòng báo đền “nợ nước”. Trái tim vĩ đại của ông không có chỗ cho sự hiềm thù nội tộc mà phương hại đến vận mệnh quốc gia. Vì thế, ông đã đùng đùng nổi giận và tuốt gươm sáng lòe, nếu không có người can ngăn thì đầu con trai Quốc Tảng rụng xuống khi người con này cất lời khuyên cha nên đoạt lấy ngôi cao. Và ông cũng đã rung động đến rơi lệ trước nghĩa cả mà các tỳ tướng Yết Kiêu, Dã Tượng đã thốt ra lời: “Chúng con không muốn làm như thế (cướp ngôi vua) để tiếng xấu muôn đời”. Và chính vua Trần Thánh Tông, vào thời khắc khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba (1288) đã thốt lên: “Trung nghĩa như Quốc Tuấn thì không ai sánh kịp”.
Ở đời xưa nay người ta rất dễ nhất trí với nhau về những chuyện lớn, nhưng với những chuyện lặt vặt của đời thường thì lại rất khó bỏ qua cho nhau. Song, ở đời đôi khi chuyện lớn lại được giải quyết một cách dễ dàng bắt đầu từ một chuyện tưởng như rất nhỏ. Vì thế mà chuyện nhỏ sẽ không còn nhỏ nữa và chỉ có những bậc đại trượng phu chính tâm thành ý mới có thể dũng cảm làm được điều ấy. Và Trần Quốc Tuấn là một minh chứng. Hậu thế nếu ai không hoặc chưa tin thì xin hãy ngẫm cho kỹ ắt sẽ hiểu được tiền nhân và nâng mình lớn hơn.
Theo Tapchivanhoc.com