Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, khi còn nhỏ, Tô Hiến Thành được cha mẹ cho theo học cả văn lẫn võ. Lớn lên, ông trở thành người văn võ toàn tài. Tô Hiến Thành nổi tiếng tài năng tới mức vua Lý Anh Tông cũng biết tên, được đích thân vua cho vời vào cung làm việc. Năm 1138, nhân dịp có khoa thi, Tô Hiến Thành xin vua đi thi và đỗ đạt cao. Là người có thực tài, lại ngay thẳng, không lụy tiền tài, danh vọng nên Tô Hiến Thành được vua Lý Anh Tông rất mực tin yêu và trọng dụng. Ông là viên quan văn võ song toàn, nổi tiếng công minh chính trực, được vua phong tước vương mặc dù không phải tôn thất nhà Lý.
Ở vị trí nào, Tô Hiến Thành cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhà vua ủy thác, nên vua càng thêm phần yêu mến, phong cho ông tới chức Thái phó. Những mẩu chuyện kể về đức độ và tài năng của Tô Hiến Thành trong chính sử và dân gian có rất nhiều, nhưng nổi tiếng nhất là 2 chuyện. Một là chuyện ông quyết một lòng trung trinh phò ấu chúa, hai là chuyện ông không vị thân tiến cử hiền tài lúc bệnh nặng.
Hoàng tử Long Cán được lập lên ngôi thiên tử theo đúng di mệnh của Lý Anh Tông. Đó là vua Lý Cao Tông và lúc lên ngôi mới được 3 tuổi. Tô Hiến Thành giữ quyền phụ chính Thái sư và đã hết lòng hết sức phò giúp ấu chúa nên tình hình trong ngoài đều yên ấm. Nhưng năm Cao Tông lên 7 tuổi, Tô Hiến Thành lâm bệnh nặng. Bấy giờ, trong triều có quan Gián nghị đại phu Trần Trung Tá là người đức độ, tài năng, vì mải lo việc công nên không mấy khi tới thăm hỏi ông được. Một vị quan khác là Tham tri chính sự Vũ Tán Đường thì ngày đêm túc trực, phụng dưỡng cơm nước, thuốc thang cho ông. Lựa rằng Tô Hiến Thành khó bề qua khỏi, Đỗ thái hậu – mẹ vua Lý Cao Tông tới thăm, rồi hỏi về người có thể thay thế ông cầm cương, giữ lái chuyện triều chính: Nếu có mệnh hệ nào thì ai là người có thể thay thế ông được?
Tô Hiến Thành không cần suy nghĩ, đáp luôn: Người thay thế thần chỉ có thể là Trần Trung Tá!
Thái hậu ngạc nhiên, hỏi: Tán Đường ngày ngày hầu hạ, thuốc thang cho ông, sao ông không tiến cử? Trần Trung Tá luôn thờ ơ với ông, sao ông lại ưa chuộng làm vậy?
Tô Hiến Thành nói rành rẽ: Nếu thái hậu hỏi người lo việc đại sự quốc gia, thần cử Trần Trung Tá. Nếu cần người phục dịch cơm nước, thuốc thang, thì ngoài Võ Tán Đường, chẳng còn ai hơn được!
Thái hậu hết lời ngợi khen Tô Hiến Thành vì tấm lòng cương trực, không lụy tình riêng mà quên việc đại sự. Và do bệnh nặng, Tô Hiến Thành mất ngày 12-6 năm Kỷ Hợi – 1179. Nghe tin ông mất, Lý Cao Tông bãi chầu 7 ngày, ăn chay 3 ngày để tỏ lòng tiếc thương với ông.
Tiếc rằng, sau này, triều đình và Đỗ thái hậu không nghe theo lời ông mà lấy em trai mình là Đỗ An Di thay Tô Hiến Thành giữ quyền phụ chính. Do bất tài, kém đức, Đỗ An Di đã làm hư hỏng Lý Cao Tông, đưa Cao Tông vào con đường trở thành vị vua tăm tối, tạo mầm mống phá vỡ cơ đồ nhà Lý.
Về việc này, sử thần Ngô Sĩ Liên đã viết rằng: Tô Hiến Thành nhận việc ký thác con côi, hết lòng trung thành, khéo xử trí khi biến cố, tuy bị gió lay sóng đập nhưng vẫn đứng vững như cột đá giữa dòng, khiến trên yên dưới thuận, không thẹn với phong độ của đại thần đời xưa. Huống chi cho tới lúc sắp chết còn vì nước tiến cử người hiền, không vì ơn riêng, thái hậu không dùng lời nói của Hiến Thành là việc không may cho nhà Lý vậy.
Lời bàn:
Người đương thời ví Tô Hiến Thành như Gia Cát Lượng thời Tam Quốc ở Trung Quốc. Bởi ông là một danh nhân kiệt xuất về chính trị, quân sự và văn hóa của đất nước. Ông có nhiều công trạng to lớn với đất nước, đặc biệt với vương triều Lý đang chuyển dần từ thời thịnh trị sang suy yếu, bắt đầu từ giữa thế kỷ XII. Là bậc đại thần nhà Lý, về nội trị ông đã trực tiếp giúp hai vua Anh Tông và Cao Tông còn rất non trẻ, trị vì và điều hành đất nước về tất cả các mặt chính trị, kinh tế, quân sự và văn hóa.
Tấm lòng son của Tô Hiến Thành cho tới phút lâm chung vẫn không thay đổi. Những gì ông đã làm cho nhà Lý ngay cả khi đã gần đất xa trời rồi sẽ được muôn đời ca tụng. Tìm trong sử sách mới hay rằng, không phải một bậc đa mưu túc trí nào cũng được sinh ra phụng thời và có vua hiền để theo. Thế nhưng, một trí giả chân chính thì dù thời thế nhiễu nhương đến mấy vẫn giữ nguyên được đạo lý mình tin để cống hiến nhiều nhất cho nghiệp quốc gia chung. Và danh thần Tô Hiến Thành thời Lý là một bậc như thế. Tiếc rằng, thời nay ở đâu đó vẫn còn tình trạng bổ nhiệm cán bộ theo kiểu: “Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ”, thật đáng buồn thay.
N.D