Theo sách “Danh nhân Quảng Nam”, cụ Huỳnh Thúc Kháng nổi tiếng thông minh, học giỏi và nhớ lâu. Năm 15 tuổi, cụ kết giao với cụ Phan Chu Trinh, 18 tuổi kết giao với cụ Trần Quý Cáp. Năm 1900, cụ đậu giải nguyên, năm 1904 đậu tiến sĩ, trở thành một trong “tứ hổ” Trung kỳ nổi tiếng thời ấy. Thời gian thi học ở kinh đô Huế, qua người bạn thâm giao Phan Châu Trinh lúc ấy đang làm quan ở bộ Lễ, Huỳnh Thúc Kháng có dịp tiếp xúc với các nho sĩ tân học có tư tưởng cách mạng như, được đọc Tân Thư và hấp thụ tư tưởng văn minh dân quyền.
Vốn không ham quan tước, lại chịu ảnh hưởng Tây học nên sau khi thi đỗ đại khoa, Huỳnh Thúc Kháng không ra làm quan mà cũng như Trần Qúy Cáp, cụ trở về làng ẩn cư. Năm sau (1905), Phan Châu Trinh từ quan rồi cả 3 cụ cùng làm một cuộc Nam du xem xét tình hình, đề xướng tân học. Lúc đi qua tỉnh Bình Định, gặp kỳ khảo hạch thí sinh, cụ Huỳnh làm bài phú Lương Ngọc danh sơn nội dung mạt sát khoa cử, cổ xúy tân học, vang dội một thời. Từ cuộc Nam du trở về, cụ Huỳnh chuyên lo vận dụng nhân dân thay đổi lối sống, mặc âu phục, cắt tóc ngắn, cùng các thân sĩ chung sức lập các hội buôn, hội nông, hội trồng quế, xây trường học, thư viện. Cụ đến khắp các địa phương trong tỉnh diễn thuyết, hô hào Duy Tân.
Sinh thời, cụ Huỳnh Thúc Kháng là người “cả đời không cần danh vị, không cần lợi lộc, không cần làm giàu”. Vì vậy, cụ rất ghét những kẻ bon chen danh lợi. Có lần, một người ở làng Tứ Chánh đỗ tuyển sanh (tương đương lớp 3 hiện nay) đã tổ chức đón rước ầm ĩ nhằm phô trương học lực của mình. Thấy vậy, cụ tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng liền viết ngay một bài thơ đem dán trước cổng nhà: Tuyển sanh Tứ Chánh rước ra bề/Đánh trống từ Nha đánh trở về/Ba ngọn cờ xài bay xấp xí/Vài con ngựa ốm chạy xàng xê/Thầy cha dạy sinh làng có bụng/Khen ai khéo tập một đoàn mê. Khi đến ngang ngõ nhà Huỳnh Thúc Kháng, thấy bài thơ vẽ lên cái “khí thế” đám rước mình như vậy, cậu tuyển sanh xấu hổ quá bèn cho người đến lén bóc ngay bài thơ.
Trước năm 1917, các huyện Trà My, Tiên Phước và Tam Kỳ đều thuộc huyện Hà Đông. Có lần tri huyện là Tôn Thất Củng hành hạt đến các xã. Đến đâu y cũng bắt dân chúng đón rước phục dịch. Khi đến Thạnh Bình, lính lệ thấy một nông dân trên đường gọi lại bảo cáng quan. Người nông dân ngoan ngoãn vâng lời. Nhưng không ngờ, mới cáng được một đoạn anh đã… quẳng quan xuống đồng, nói: Ăn cái đếch chi mà nặng dữ rứa. Khi lính lệ xông vào người nông dân thì cũng là lúc quan huyện lồm cồm bò dậy và sững sờ khi thấy người nông dân cáng mình chính là Minh Viên tiến sĩ!
Lúc mới đến nhận chức tri huyện Tiên Phước, một huyện từng có 3 phó bảng và 1 tiến sĩ cùng nhiều nhân vật kiệt hiệt khác, Bửu Bảo tỏ ra tự đắc lắm.Thời gian này, cụ Huỳnh vừa mãn tù về sống tại quê nhà, liền được Bửu Bảo mời đến huyện đường để “tâng bốc”: Thưa ngài, tôi rất vinh dự khi được về cai quản một huyện có vị tiến sĩ Hán học (ý Bửu Bảo muốn nói y cai quản cả Huỳnh Thúc Kháng) bửu Bảo còn xin Huỳnh Thúc Kháng một vế đối dán trước cổng huyện đường để mừng tân quan.
Biết Bửu Bảo ngạo mạn, Huỳnh Thúc Kháng bỏ ra ngoài một lát rồi quay lại bảo:Được, tôi đi đái đã nghĩ ra được vế đối rồi. Quan bảo lính đem giấy bút ra đây. Khi giấy bút đã được đặt lên bàn, Huỳnh Thúc Kháng cất tiếng đọc và bảo người viết lại vế đối: Tích Phước Tài Đa thành Phú Hữu/Đại Đồng Thọ Đức đắc Bình An. Mới nghe qua, nội dung vế đối thật hay, nhất là Huỳnh Thúc Kháng đã ghép tên làng của 4 tổng thuộc huyện Tiên Phước để nói lên những đức tính quý báu của người dân trên quê hương này: Chăm lo việc phúc, nhiều tài, giàu có, rộng lượng nên hưởng đức và được sống yên ổn. Nhưng khi nghĩ đến ý nghĩa của một vế đối mừng tân quan, Bửu Bảo mới tái mặt. Thì ra, quan muốn được yên thân hưởng đức ở huyện này thì phải có những đức tính như trên. Nếu không thì… liệu chừng!
Năm 1908, vụ kháng thuế nổ ra ở Quảng Nam rồi lan rộng các tỉnh miền Trung, cụ Huỳnh cùng thân sĩ các tỉnh bị thực dân Pháp và triều đình Huế bắt đày ra Côn Đảo với án chung thân… 13 năm ở Côn Đảo của cụ sau đó là cả một quá trình rèn luyện trong nhà tù mà cụ gọi là “trường học thiên nhiên” khắc nghiệt.
Lời bàn:
Cuộc đời của chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng gắn liền với một chặng đường lịch sử đầy gian khó của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do. Sự nghiệp của cụ là sự nghiệp của một bậc đại trí thức đã dùng văn chương, báo chí để tỏ lòng mình, chống lại cái hủ lậu, cổ động cho cái mới, phục vụ đồng bào, dùng nó để giáo dục, cảnh tỉnh đồng bào, đồng thời tố cáo kẻ thù… Tư tưởng và hành động của cụ Huỳnh Thúc Kháng đã hòa đồng một cách sâu sắc trong các trước tác, trong cả nếp sống giản dị, nghiêm cẩn với mình, với người, với công việc của quốc gia.
Cụ không chỉ là tấm gương tiêu biểu của phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX, mà còn là nhân vật tạo nên cái “gạch nối” lịch sử gắn kết phong trào yêu nước của các chiến sĩ Duy Tân với phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cả cuộc đời cụ Huỳnh là tấm gương sáng ngời về truyền thống hiếu học, nếp sống thanh cao, giản dị, không cầu danh lợi, trọng nghĩa, trọng tình, trọng chí lớn và giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan.
Theo Tapchivanhoc.com