Giấc mộng tìm ra kẻ ác

Theo sách “Đại Việt sử ký tục biên”, vào năm Canh Thân (1680), niên hiệu Chính Hòa năm thứ nhất, triều đình tổ chức “Thi hội các viên cống cử trong nước, lấy đỗ 19 người. Khi thi Đình cho bọn Phạm Công Thiện (người Ngọc Thiện, huyện Gia Định), Nguyễn Công Xán (người xã Thượng Yên Quyết, huyện Từ Liêm) đỗ tiến sĩ xuất thân (hoàng giáp)”. Cũng trong kỳ thi ấy, dù không đỗ cao tột bậc, nhưng Nhữ Đình Hiền cũng dự phần đỗ đạt, làm nên công trạng hiển hách, được người đời biết đến nhiều.

Nhữ Đình Hiền, còn có tên khác là Nhữ Tiến Hiền, người làng Hoạch Trạch, huyện Đường An, xứ Hải Dương (nay thuộc xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Ông là con của tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng đất Hải Dương đời Lê Trung hưng. Noi gương cha, ông học hành tấn tới. Năm ông 17 tuổi, thi Hương trúng tứ tường. Năm 21 tuổi, ông đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Năm 26 tuổi, giữ chức Hình khoa đô cấp sự trung. Khi 34 tuổi, ông làm Đốc đồng xứ Kinh Bắc, rồi Tham chính Sơn Nam. Đến năm 39 tuổi, làm chánh sứ đi Trung Quốc, được phong Hữu thị lang. Sau đó làm quan đến Hình bộ Thượng thư, được phong tước hầu.

Trong thời gian làm quan, ông phụng mệnh đi sứ phương Bắc, làm quan đến chức Thượng thư bộ Hình, có biệt tài về chính sự, xử án rất công bằng. Người đời còn truyền tụng một câu chuyện xử án nói lên tài trí của ông. Việc được Phạm Quý Thích, một danh thần cùng quê, chép trong “Hải Dương phong vật chí” rằng: Lúc bấy giờ, có một vụ nghi án xảy ra. Ở vùng nọ có 2 chị em ruột đều đã lập gia đình. Người em gái vì biết tin chị gái bị ốm nên đến săn sóc. Nhà 2 chị em cách nhau khá xa. Nhiều ngày sau người chồng của cô em gái không thấy vợ mình trở về. Nghi là vợ mình đã bị chồng của chị gái vợ làm hại, người chồng của cô em gái mất tích mới kiện lên quan làm cho người chồng của chị gái trở thành nghi phạm lớn nhất, bị giam vào ngục. Các quan thay nhau xét án, nhưng chứng cứ không có trong tay, việc ấy đình trệ tới 6, 7 năm mà vẫn chưa luận định được.

Xem thêm:  Tình mẫu tử

Đến khi án ấy được đưa tới tay quan Thượng thư bộ Hình Nhữ Đình Hiền, không dựa vào những bản cung hình trước của các quan đã kinh qua vụ án này, ông muốn tìm chứng cứ thực tế thuyết phục để giải đáp khuất tất. Khi xem địa đồ khu đất bao quanh khoảng nhà 2 chị em, ông thấy có 1 ngôi chùa ở ngoài cánh đồng cây cối rậm rạp mà người thiếu phụ xấu số khi đi đến nhà cô chị tất phải qua đó. Đoán rằng, chắc người em gái xấu số kia nhất định bị bọn ác tăng trong ngôi chùa này giở trò đồi bại trước khi đến được nhà chị gái mình. Để có cơ sở thực tế, ông lập tức sai người tới ngôi chùa kia, mượn tiếng tham thiền để lưu lại chùa ấy một đêm.

Sáng hôm sau, Nhữ Đình Hiền cho triệu tập các tăng đồ trong chùa lại, lấy cớ đêm qua nằm thấy có người đến báo mộng, mới dọa rằng: Các người đều là kẻ tu hành, sao lại có oan hồn đến tố giác với ta? Vậy thì sự thể ra sao, phải mau tự thú. Những tên sư hổ mang đều tái mặt khi nghe ông nói, bèn chỉ tay ra một cây tháp. Khi đào chỗ ấy lên, xác người thiếu phụ bị cưỡng hiếp quả nằm dưới ấy. Vụ án nhờ đó được làm sáng tỏ, người chồng của chị gái mới thoát khỏi án ngục, xóa tội. Còn những tên sư phạm tội thì nghiêm trị không chút dung tha.

Xem thêm:  Kể lại câu chuyện về một việc làm tốt đẹp ở nơi công cộng mà em từng làm hoặc chứng kiến

Nhờ có tài xét án của Nhữ Đình Hiền mà về sau, đa phần các vụ án lớn và phức tạp đều giải quyết được. Thế nên người đương thời mới có câu khen: “Văn chương Lê Anh Tuấn, chính sự Nhữ Đình Hiền”. Lại xếp ông nằm trong danh sách “Tràng An tứ hổ” gồm 4 danh thần giỏi giang bậc nhất đất Thăng Long: Vũ Diệm, Nguyễn Bá Lân, Nhữ Đình Hiền, Nguyễn Công Thái. Tương truyền, ông và phu nhân là Lý Thị Hiệu đem nghề làm lược tre ở nước ngoài về truyền cho dân làng Hoạch Trạch. Sau đó, Hoạch Trạch trở thành làng nghề lược tre nổi tiếng. Dân làng tôn ông bà là ông tổ của nghề lược tre. Suốt 3 thế kỷ nghề lược tre rất phát đạt, góp phần phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Đến nay, nghề này vẫn được duy trì, nhưng không còn phát đạt như trước.

Lời bàn:

Phật giáo chân truyền dạy con người ta sống phải có đức tin để triệt tham, hận, sân, si… sống cho tâm sạch, lòng trong, không màng danh lợi, tiền tài, không thù hận, rũ bỏ những si mê dục tính, tham vọng đời thường. Đồng thời, sẵn sàng chia sẻ bằng sự yêu thương chân tình, hết lòng vì dân, vì nước để xây dựng một thế giới an hòa, trong lành, vĩnh hằng. Những vị sư đã xuống tóc quy y để hành đạo không bao giờ có tài sản riêng, vì họ coi đời trần chỉ là cõi tạm, tạo phước cho người mới là tài sản quý giá để lại cho muôn đời sau. Họ ăn chay để không kích thích con người sát sinh, không uống rượu hay bất cứ thứ đồ uống nào có cồn vì sợ làm nhiễu loạn tâm trong gây ra tội lỗi. Họ mặc 1 màu nâu sòng để cho thấy họ không màng danh lợi, sa hoa. Họ đi bộ vì không muốn lạm dụng tiện nghi, đồng thời để rèn luyện thể lực, sẵn sàng vượt mọi khó khăn trong đường đời.

Xem thêm:  Phép nước thời Lê

Dưới bóng cà sa, trong cõi ta bà – vốn là chốn linh thiêng của Phật pháp. Và với người chân tu là vậy. Nhưng ở đâu và thời nào cũng có những nhà sư làm nhơ nhuốc cõi Phật khi dắt gái về phòng, giết người chôn xác, trụy lạc sa hoa, làm thiếu nữ 16 có bầu… Những nhà sư ấy đã được nữ sĩ Hồ Xuân Hương đặt cho cái danh thật xứng – “Nhà sư hổ mang” – những kẻ đội lốt nhà sư để làm những việc gian ác, bậy bạ.

Theo Tapchivanhoc.com

Check Also

hinh anh gai xinh hot girl cap 2 3 310x165 - Tổ quốc trên hết

Tổ quốc trên hết

Theo sách “Danh nhân đất Quảng”, năm 1916, bà Hoàng Thị Tòng từ Hàng Châu …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *