Triệu phú Joseph là người Do Thái, nhưng gia đình ông đã tản cư sang sinh sống ở Mỹ từ sau thế chiến lần thứ hai. Thuở hàn vi, ông từng phải đi xin ăn. Cuộc sống vất vưởng đó đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm khảm ông. Cuộc sống sau này, ông rất thông cảm với người nghèo và sẵn sàng giúp đỡ họ. Ông rất quan tâm đến hoạt động từ thiện, coi đó là một trách nhiệm của mình. Mỗi khi có dịp ông rất sốt sắng góp tiền ủng hộ cho quỹ nhà trường để giúp các em học sinh nghèo có điều kiện học tập tốt hơn. Ông không quên người tàn tật và trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Ông đã trở thành một nhà từ thiện nổi tiếng.
Có được cuộc sống sung túc về sau như vậy là nhờ Joseph đã học được đức tính kiên nhẫn, biết cảm thông và sẵn lòng giúp đỡ người nghèo khó hơn mình, nhất là đối với những đứa trẻ nghèo nhưng hiếu học. Đó cũng là một trong những nét đẹp truyền thống của người Do Thái và cho đến ngày nay, người Do Thái dù ở bất cứ đâu cũng thường hay kể cho con cháu của họ về câu chuyện về nhà thông thái có tên là Rabi Yoshua. Chuyện xưa kể lại rằng:
Rabi Yoshua là một học giả uyên bác người Do Thái. Ông sống rất hiền từ, độ lượng và luôn cảm thông với những người nghèo khổ nên được mọi người dân trong vùng yêu mến, nể phục tài năng. Có một hôm, Hadran là công chúa yêu của hoàng đế với tính cách vô cùng kiêu căng và ngạo mạn. Đặc biệt là cô công chúa này không ưa những người tài giỏi hơn mình và luôn xem thường những người nghèo khó. Chính vì vậy, khi vừa gặp Rabi Yoshua cô ta đã bĩu môi chê Rabi rằng: Đầu óc của ông thô thiển như thế này thì lấy đâu ra trí tuệ uyên bác. Vậy mà tôi không hiểu vì sao có nhiều người lại ngưỡng mộ ông thì quả là lạ.
Rabi Yoshua nghe vậy nhưng trên khuôn mặt của ông không hề tỏ ra tức giận mà ngược lại vẫn vui vẻ và bình tĩnh trả lời: Vâng, nếu được thì xin công chúa hãy cho tôi biết, rượu nho trong cung điện của hoàng đế đựng bằng loại bình gì?
Nghe Rabi Yoshua hỏi vậy, cô công chúa kia không cần suy nghĩ mà liền trả lời một cách ráo hoảnh ngay rằng: Rượu muốn để lâu thì phải đựng bằng bình sứ chứ bình gì nữa. Có thế mà ông cũng phải hỏi. Vậy mà cũng cho rằng mình nhà thông thái thì thật đáng cười.
Chờ cho cô công chúa nói xong, Rabi Yoshua cũng lại rất điềm đạm bước tới gần rồi lễ phép và từ tốn hỏi lại: Sao lại đựng bằng bình sứ? Theo tôi được biết trên thế gian này chỉ có những người bình dân mới đựng rượu nho trong bình sứ thôi. Xin công chúa phải đựng ngay rượu nho bằng bình vàng hoặc bạc thì rượu mới ngon và để được lâu. Bởi trên thế gian này có vật nào quý hơn vàng với bạc nữa?
Vàng với bạc quả là hai thứ kim loại quý và cô công chúa tưởng rằng những lời nói của Rabi Yoshua là thật. Vì vậy, vừa về đến hoàng cung là công chúa sai gia nhân mang tất cả rượu nho ra đổ vào đựng trong những bình bằng vàng và bằng bạc. Ít ngày sau, khi công chúa mang rượu ra uống thì phát hiện rượu nho hỏng hết, vì tất cả đều có vị nhạt như nước ốc. Công chúa giận lắm, ngay lúc đó cô ta rời khỏi hoàng cung và quyết đi tìm cho bằng được Rabi Yoshua để trách mắng. Vừa thấy Rabi Yoshua, công chúa đã lớn tiếng quở trách rằng: Tại sao ông lại xui dại tôi như vậy? Tất cả rượu nho trong kho của hoàng cung bây giờ đã trở thành giấm, hỏng hết phải đổ đi. Các bình vàng, bình bạc thì ngả màu xám xịt. Ông quả thật là người thâm độc quá đáng.
Ngay lúc đó, Rabi Yoshua ôn tồn giải thích: Đó là vì kẻ ngu hèn này muốn để công chúa hiểu rằng một thứ của quý đôi khi phải để trong một thứ đồ đựng thô thiển mới có giá trị.
Lời bàn:
Vâng, triết lý nhân sinh của người Do Thái là như vậy. Một người Do Thái nghèo hèn không bao giờ cảm thấy tự ty khi họ phải tiếp xúc với những người giàu sang, đặc biệt là với những người chỉ biết sống trong nhung lụa, nhưng sự phú quý ấy không phải do chính họ làm ra. Điều đáng kính trọng là người Do Thái rất biết quý trọng những người có tri thức hơn những người có nhiều của cải. Nhiều người Do Thái vốn xuất thân từ những gia đình nghèo hèn, có người là thợ mộc, có người là mục đồng chăn cừu. Thậm chí có người đã từng một thời rất nghèo đến mức phải tạm thời đi xin ăn với mục đích là cố được sống để vươn lên.
Trong xã hội Do Thái tuy có phân biệt rõ hai tầng lớp giàu nghèo, nhưng đa số họ khi đã có cuộc sống khá giả thì họ không khinh rẻ người nghèo. Có nhiều người Do Thái cho rằng, người giàu không nhất định đã sung sướng và người nghèo không nhất định đã bị tuyệt vọng. Thế mới hay rằng, lòng nhân ái, đức khoan dung, độ lượng vốn có của con người thì ở đâu cũng giống nhau. Vì thế nên cha ông ta ngày xưa mới có câu: “Chẳng ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời” hay “Quan nhất thời, dân vạn đại”. Vâng, làm quan mà lại giàu và giàu không chính do mình làm ra hay không biết sẻ chia thì cái “nhất thời” nó lại càng cực kỳ ngắn. Xin hậu thế hãy cùng suy ngẫm.
N.V