Với ý thức chống Pháp và bọn tay sai, vua Thành Thái đã huấn luyện một đoàn nữ binh. Nhà vua tự lo chi phí, ăn ở cho đoàn nữ binh này. Việc tuyển mộ và huấn luyện được tổ chức rất bí mật. Sau khi luyện tập, đội nữ binh gồm 50 người sử dụng vũ khí khá thành thục và nhà vua cho về nhà để chuẩn bị thời cơ tái ngũ. Sau đó, nhà vua lại tiếp tục huấn luyện cho 50 người khác. Nhưng về sau việc này cũng bị lộ. Thượng thư Bộ Lại và các quan đại thần trong Cơ Mật viện đã báo sự việc cho viên Khâm sứ rõ và chuẩn bị kế hoạch lật đổ vua Thành Thái để cho người con rể là Bửu Đảo lên làm vua.
Cùng với một số việc khác nữa của vua Thành Thái, bọn nịnh thần và quan lại Pháp quyết định tiến hành thực hiện kế hoạch thay vua. Vì thế, chúng phao tin rằng Thành Thái bị điên. Ngày 12-7-1907, sau khi vua không chịu phê chuẩn việc thăng bổ một số quan lại “nịnh thần” mà Tòa Khâm sứ và Hội đồng Thượng thư (do ông Trương Như Cương dẫn đầu) đã thỏa thuận, viên Khâm sứ Lévecque tuyên bố:
– Nếu còn muốn tại vị thì ông phải ký vào một tờ giấy xin lỗi, tuyên bố với quốc dân là có âm mưu chống lại nước Pháp, nay phải thành thực hồi tâm.
Nhưng vua Thành Thái không nghe mà còn ném tờ tuyên cáo thảo sẵn ấy xuống đất, cười vào mặt Lévecque và nói với các quan lại tuỳ tùng:
Muôn dân nô lệ từng đàn,
Vui chi bệ ngọc ngai vàng riêng ta.
Hỡi ôi! Mất nước tan nhà,
Cứu thù quốc sỉ ấy là nợ chung.
Trước thái độ dứt khoát của vua Thành Thái, Lévecque liền nói: Nhà vua không thành thật cộng tác với chính phủ bảo hộ thì từ nay mọi việc Hội đồng Thượng thư cứ tuỳ nghi mà làm.
Nói rồi Lévecque thông báo cho vua Thành Thái biết: Từ nay, nhà vua không còn quyền hành gì nữa, không được ra khỏi nơi ở đã dành cho mình trong đại nội.
Cùng với việc phế truất, giam lỏng nhà vua, một Hội đồng phụ chánh được lập nên do Trương Như Cương cầm đầu. Hội đồng này cùng Tòa Khâm sứ ra một bản thông cáo chung có đoạn: “Thành Thái mắc bệnh điên nên hai chính phủ đã quyết định như vậy để bảo vệ lợi ích quốc gia và của nhà vua. Ngày 2-9-1907, các đại thần vào điện Cần Chánh dâng vua Thành Thái tờ biểu kèm theo bản dự thảo Chiếu thoái vị. Đọc xong, vua Thành Thái nhếch mép cười rồi cầm bút phê chuẩn và quay lưng đi vào.
Ngày 11-9-1907, bọn Pháp đã đưa Thành Thái vào Sài Gòn rồi đưa đi quản thúc ở Capsaint Jacques. Mãi 12 năm sau (1919), chúng đày luôn cả hai cha con (Thành Thái và Duy Tân), ra đảo Réunion. 31 năm sau (1950) Thành Thái mới được trở về Tổ quốc thân yêu. Nhưng tháng 3-1953, nhà vua mới được về thăm quê hương xứ Huế, rồi phải trở lại Sài Gòn. Ngày 24-3-1954, vua Thành Thái ra đi vĩnh viễn. Con cháu được đưa thi hài về Huế chôn cất. Thế là gần nửa thế kỷ rời kinh thành Huế, đến khi chết thì vua Thành Thái mới được nằm lại nghìn thu với kỷ niệm tuyệt vời ở kinh thành Huế và những ước muốn còn dang dở.
Lời bàn:
Tương truyền, ngày mà vua Thành Thái bị bức phải rời khỏi đại nội là một ngày đau buồn của trăm họ trong kinh thành Huế. Dân chúng mỗi nhà một án thư, đốt hương nghi ngút, đặt trước sân, đầu ngõ và mọi người quần áo chỉnh tề tiễn biệt đức vua. Mọi người đều rớm lệ. Họ thương nhớ đức vua, tự hào về tinh thần dân tộc và ý chí bất khuất của ông. Nhiều người hối hận vì đã hiểu lầm vua Thành Thái. Người ta lầm tưởng ông chỉ là một thanh niên ham chơi, trác táng, cam chịu sống hèn trên chiếc ngai vàng hư vị. Đến khi đó mọi người mới hiểu rõ ràng là ông đã giả vờ sống cuộc đời phóng đãng, có vẻ bê tha để che mắt bọn thực dân và gian thần nhằm nuôi chí lớn. Vua Thành Thái bị buộc thoái vị vào năm 1907, khi ông mới 29 tuổi.
“Giận thì giận, mà thương càng thương”, đó là một nét đặc trưng tình cảm khác biệt của người dân đất Việt. Tiếc rằng các đời tiền triều cũng như vua Thành Thái không nhận biết được điều ấy để quy tụ họ lại thành sức mạnh toàn dân tộc để đánh đuổi quân thù. Âu đó cũng là bởi tầm nhìn hạn hẹp về thời cuộc, về con đường cứu nước cứu dân không chỉ của những người ngồi trên ngai vàng, mà là của cả triều đình nhà Nguyễn ngày ấy.
Theo Tapchivanhoc.com