Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện”, Lê Quang Định có tên chữ là Tri Chỉ, hiệu là Tấn Trai, là người làng Tiên Nộn, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, phủ Thừa Thiên (nay là tỉnh Thừa Thiên – Huế). Ông thông minh, ham học, là học trò của Võ Trường Toản. Ông là một trong những văn thần có tài vào đầu đời Nguyễn và cũng là nhà thơ có tiếng trong nhóm Sơn Hội ở Gia Định. Ông cùng với Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhân Tịnh được người đương thời xưng tụng là “Gia Định tam gia” – ba người tài của đất Gia Định.
Cha ông tên Sách, làm quan thủ ngự tại Đà Bồng Nguyên, sau đó mất đột ngột trong khi đang làm việc tại nhiệm sở. Vì cha mất sớm, gia đình rơi vào cảnh nghèo túng, Lê Quang Định cùng anh trai là Lê Quang Hiến vào đất Gia Định để kiếm sống. Lớn lên Lê Quang Định có tư chất thông minh, ham học hỏi. Có một thầy thuốc là Hoàng Đức Thành đem về nhà nuôi dạy cho học hành và gả con gái cho. Từ đó Lê Quang Định lại càng chăm chỉ học hành, ngao du đây đó và kết bằng hữu với rất nhiều người bạn học cùng lứa. Sau đó, Lê Quang Định kết bạn với Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhân Tịnh. Họ là những người tâm đầu ý hợp, cùng giỏi thơ văn, cả 3 người lập ra một hội làm thơ gọi là Bình Dương thi xã, rất được giới văn sĩ đương thời hưởng ứng.
Sau khi khắc phục được thành Gia Định, năm Mậu Thân (1788), vua Gia Long cho mở khoa thi để kén nhân tài. Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức cùng ra ứng thí và cả hai ông cùng đỗ một khoa, đều được bổ dụng vào làm Hàn lâm viện chế cáo. Sau đó, Lê Quang Định được thăng lên làm Binh bộ hữu tham tri. Năm Canh Thân (1800), ông cùng Nguyễn Văn Nhân phò Đông cung Cảnh ở lại giữ thành Gia Định. Năm 1802, ông được giữ chức Thượng thư bộ Binh. Đến mùa đông năm ấy, ông được cử làm chánh sứ, cùng với hai giáp, ất phó sứ Lê Chính Lộ và Nguyễn Gia Cát phụng chỉ sang sứ bên nhà Thanh để cầu phong.
Hôm vào bệ kiến vua nhà Thanh là Gia Khánh, Lê Quang Định tâu rằng: Triều Nguyễn có cả đất An Nam và đất Việt Thường khác hẳn với các triều đại trước đây. Vậy xin được đổi An Nam cũ thành Nam Việt. Vua nhà Thanh bèn sai Án sát tỉnh Quảng Tây là Tề Bố Sâm sang phong và đổi lại là Việt Nam. Quốc hiệu Việt Nam có từ đấy. Khi hết hạn đi sứ, Lê Quang Định trở về và nhận lại chức vụ cũ. Đến năm Bính Dần (1806), ông phụng mạng biên soạn cuốn Nhất thống dư địa chí. Lê Quang Định kê cứu các đồ tịch trong nước, thu lượm tài liệu, khảo sát thực tế chép thành một cuốn: Phía Nam tới Hà Tiên, phía Bắc tới Lạng Sơn. Trong sách, từ phong tục, tập quán, thổ sản đến các sông, núi, đường sá đều được ghi chép rõ ràng. Sau khi biên soạn xong, Lê Quang Định dâng lên được đức thế tổ cho là tường tận lắm, đầy đủ lắm và ban khen.
Đến năm Mậu Thìn (1808), Lê Quang Định được thăng lên Hộ bộ thượng thư kiêm coi việc Khâm thiên giám. Năm Canh Ngọ (1810), Lê Quang Định phụng mệnh lập sổ điển, chia ruộng đất làm 5 hạng tốt xấu khác nhau. Công việc đang đi vào nền nếp thì đến năm Quý Dậu (1813), niên hiệu Gia Long thứ 11, Lê Quang Định bị bệnh nghỉ ở nhà. Đức Thế Tổ sai ông Hoàng Kiến An đến tận nhà thăm hỏi, lại sai trung sứ đem nhân sâm và quế ban cho để trị bệnh.
Nhưng không được bao lâu thì Lê Quang Định mất, hưởng thọ 54 tuổi. Vua Gia Long lấy làm thương tiếc vô cùng. Hôm đưa đám nhà vua cử cả chiến thuyền đi hộ tống ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Năm Nhâm Tý, đời Tự Đức thứ 5 (1852) Lê Quang Định được liệt vào hạng Trung hưng công thần miếu.
Lời bàn:
Người đương thời có nhận định về danh nhân Lê Quang Định như sau: Ông là người thông minh, cẩn thận, kín đáo, giản dị, nổi tiếng thơ văn, viết chữ đẹp và có tài về hội họa. Vì thế, ông được xếp vào danh sách là một trong 3 người tài của đất Gia Định” xưa – “Gia Định tam gia”. Tài thơ của ông từng được các văn nhân mặc khách Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên tán thưởng. Tài hội họa cùng nghệ thuật văn chương được thấy rõ qua thi phẩm Hoa nguyên thi thảo. Tứ thơ trong thi tập này thể hiện rõ sự hào sảng, phóng khoáng của tác giả, với bút pháp hồn hậu, giản phác, không dụng công để trau chuốt ngôn từ, nhưng thành tựu nghệ thuật rất trong sáng. Về sở trường hội họa, ông đã tạo cho thơ của mình mang tính “thi trung hữu họa”.
Chính vì vậy mà hậu thế ngày nay khi đọc thơ của ông đã nhận định rằng: Trong sự phát triển của văn học trung đại Việt Nam, văn học miền đất Nam bộ có ý nghĩa đặc biệt. Mặc dù xuất hiện muộn và không có nhiều bề dày truyền thống nhưng văn học nơi đây đã tạo dựng được một gương mặt, tiếng nói riêng với nhiều tên tuổi và tác phẩm đặc sắc. Một trong số đó không thể không nói đến Lê Quang Định với tập thơ Hoa nguyên thi thảo. Và chính điều này đã làm cho tên tuổi, cuộc đời cũng như sự nghiệp của ông còn mãi với lịch sử dân tộc và được hậu thế tôn vinh.
Theo Tapchivanhoc.com