Dù là khi tham mưu cho Lê Lợi hay sau này làm quan nhà Hậu Lê, Nguyễn Trãi đều luôn giữ vững tư tưởng nhân nghĩa. Nhân nghĩa của ông gắn liền tư tưởng vì dân, yên dân. Điều này được nêu trong đoạn mở đầu của “Bình Ngô đại cáo”: Việc nhân nghĩa cốt để yên dân. Quân điếu phạt trước lo trừ bạo. Đây cũng là lý do nghĩa quân Lam Sơn nổi dậy chống giặc Minh, tất cả đều vì mục đích trừ bạo để nhân dân thoát khỏi lầm than, hưởng cuộc sống thái bình, thịnh trị. Nguyễn Trãi đúc kết thắng lợi của quân Lam Sơn là chiến thắng của lòng nhân nghĩa: Đem đại nghĩa để thắng hung tàn. Lấy chí nhân để thay cường bạo
Đầu năm 1427, Nguyễn Trãi đã viết hàng chục bức thư gửi vào thành Đông Quan chiêu dụ Vương Thông, gửi đi Nghệ An chiêu dụ Thái Phúc cũng như dụ hàng các tướng lĩnh nhà Minh ở Tân Bình, Thuận Hóa và một số thành trì khác. Kết quả đạt được rất khả quan: các thành Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa ra hàng đầu năm 1427. Bản thân Nguyễn Trãi đã từng cùng với viên chỉ huy họ Tăng vào dụ hàng thành Tam Giang, khiến chỉ huy sứ thành này là Lưu Thanh ra hàng vào khoảng tháng 4-1427. Ông cũng đã đem thân vào dụ hàng thành Đông Quan 5 lần. Khi ấy, quân Minh ở Giao Chỉ càng bị cô lập nhanh chóng, chỉ còn cố thủ được ở một số thành như Đông Quan, Cổ Lộng, Tây Đô…
Tư tưởng nhân nghĩa của ông còn thể hiện ở lòng hiếu sinh, khoan dung, độ lượng với con người, bất kể với người Nam hay quân Minh. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi lại rằng: Tháng 11-1427, tổng binh Vương Thông và nội quan Sơn Thọ nhà Minh sai viên thiên hộ họ Hạ mang thư đến giảng hòa, xin mở cho đường về. Lê Lợi chấp nhận, lại gửi tặng thổ sản và hải sản. Dẫu vậy, Vương Thông vẫn do dự, chưa quyết và sau thì đem quân ra đánh nhưng bị nghĩa quân đánh bại, suýt bị bắt sống.
Ngày 22-11-1427, Vương Thông và Lê Lợi tiến hành Hội thề Đông Quan ở cửa nam thành, hẹn đến ngày 12-12-1427 sẽ rút hết quân về nước. Lúc bấy giờ, một số tướng sĩ đến yết kiến và khuyên Lê Lợi nên đánh thành Đông Quan, giết hết quân Minh để trả thù cho sự bạo ngược mà người Minh đã gây nên ở Đại Việt. Tuy nhiên, Nguyễn Trãi đặt đại nghĩa lên đầu, phân tích chỗ mạnh yếu của giặc và khuyên Lê Lợi nghị hòa. Theo ông, đánh thành để trả thù vào lúc đó không phải là việc khó khăn nhưng dễ bị nhà Minh trả thù về sau, “chi bằng thừa lúc kẻ thua lâm vào thế cùng mà cùng họ hòa hiếu để tạo phúc cho sinh linh hai nước”. Lê Lợi nghe theo và Nguyễn Trãi đã viết về việc này trong “Bình Ngô đại cáo”, như sau: Họ đã tham sống sợ chết mà hòa hiếu thực lòng. Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức.
Sách “Đại Việt sử ký Bản kỷ thực lục”, có đoạn ghi lại việc này như sau: Duy có Hành khiển Nguyễn Trãi ở nơi tham mưu, được xem thư bọc sáp của Vương Thông gửi về nước nói “Chớ tham chỗ đất một góc mà làm nhọc quân đi muôn dặm; giả sử dùng quân được như số quân đi đánh khi đầu, lại được sáu, bảy, tám đại tướng như bọn Trương Phụ thì mới có thể đánh được; tuy nhiên có đánh được cũng không thể giữ được”, nên biết rõ thế mạnh yếu của giặc, mới chuyên chủ mặt chủ hòa. Lê Lợi nghe theo và hạ lệnh cho các quân giải vây lui ra.
Đầu năm 1428, ngay cả khi chưa chính thức lên ngôi vua, Bình Định Vương đã đại hội các tướng và các quan văn võ, định công ban thưởng. Nguyễn Trãi được ban cho quốc tính (họ Lê) và tước Quan phục hầu, tiếp tục giữ chức Nhập nội Hành khiển như cũ, được khắc tên trên biển Khai quốc công thần. Ngày 29-4-1428, Lê Lợi làm lễ lên ngôi ở điện Kính Thiên tại Đông Kinh, đại xá thiên hạ, giao cho Nguyễn Trãi viết “Bình Ngô đại cáo” để bố cáo với cả nước về việc chiến thắng quân Minh. Trong thời kỳ làm quan, ông có ý tưởng xây dựng đất nước thái bình, trên vua thánh tôi hiền, dưới không còn tiếng giận oán sầu.
Lời bàn:
Như vậy, trong những năm tháng kháng chiến chống quân Minh xâm lược, Nguyễn Trãi chủ trương phải dựa vào dân thì mới đánh được giặc, cứu được nước. Khi kháng chiến đã thắng lợi, ông cũng thấy rằng phải lo đến dân thì mới xây dựng được đất nước. Do luôn luôn “lo trước điều thiên hạ phải lo, vui sau cái vui của thiên hạ”, Nguyễn Trãi sống một cuộc đời giản dị, cần kiệm liêm chính. Với quan điểm và lối sống ấy, Nguyễn Trãi đã được coi là một nhà tư tưởng lớn của Việt Nam. Điểm nổi bật trong tư tưởng Nguyễn Trãi là sự hòa quyện, chắt lọc giữa tư tưởng Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo và trong đó có sự kết hợp chặt chẽ với hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam thời bấy giờ, mà nổi bật hơn cả là tư tưởng anh hùng, yêu nước, thương dân.
Và tấm lòng đại nhân, đại nghĩa của ông quả đúng như lời của nữ văn sĩ Yveline Féray viết cuốn tiểu thuyết danh nhân lịch sử đồ sộ “Dix Mille Printemps” (NXB Julliard, F, 1989), rằng: Điều đáng giá vượt tầm thời đại và mang ý nghĩa vĩnh cửu là Nguyễn Trãi đã hướng cuộc chiến tranh về phía hòa bình vĩnh viễn. Binh đao vốn không hợp với thiên tính của một nhà thơ yêu hòa bình từ sâu thẳm tâm hồn, song bằng một trí tuệ của yêu thương, ông đã đem đạo đức đặt vào giữa lòng chiến tranh, đem tình thương để chiến thắng bạo tàn. Ông không muốn kẻ thù nuôi mầm ác trong lòng, không muốn họ mất đi thiện căn mà trả lại tinh thần cao đẹp cho họ, giúp họ thấy được sự bất công vô lý của sự xâm lược tương tàn. Đấy chính là đi trên Đại Đạo Tự Nhiên của Nhân Dân, một nhân dân luôn yêu nhân nghĩa và hòa bình. Chính vì thế, ông không chỉ là một bậc minh triết của Việt Nam mà của cả Phương Đông và nhân loại trong thời kỳ phong kiến…
Theo Tapchivanhoc.com