Chuyện xưa kể rằng, ngày ấy phía trước nhà Trạng Quỳnh là cánh đồng sâu rộng vài chục mẫu. Thuở còn sống ở quê, hằng ngày muốn đi tắt sang làng bên hoặc vào lối xóm, Quỳnh phải vượt qua chặng đường lầy lội tới mươi sải nước. Mùa mưa, mẹ con người kéo te bên hàng xóm có chiếc thúng nhỏ, thường chở giúp “ông Cống” qua chỗ lội, nhưng không lấy tiền đò.
Thấm thoát mười năm trôi qua. Khi đã ra làm quan ở kinh đô và tiếng Trạng đã vang danh khắp nơi, một lần về thăm quê Quỳnh gặp lại bà hàng xóm kéo te. Bà phàn nàn: Ông Trạng ơi, tôi hiếm hoi chỉ có một đứa con trai. Cái thằng năm xưa vẫn chở thúng cho ông qua chỗ lội ấy, nay sắp phải lo vợ cho nó mà hoàn cảnh gia đình tôi thì ông biết rồi đấy, một đồng một chữ cũng không có. Hằng ngày lo ăn đã khó, tôi chẳng biết vay mượn ở đâu, ông có cách gì giúp mẹ con tôi với.
Khi đó, quả là tiếng tăm Trạng lừng lẫy thật, nhưng là một vị quan thanh liêm như ông, thời buổi ấy tự nuôi thân mình cũng đã khó thì nói chi đến chuyện giúp người khác. Vì tình cảm thương người mẹ nghèo hiếm hoi, nhưng biết tìm cách gì để bà ta có tiền cưới vợ cho con bây giờ? Đang nghĩ thì bỗng nhiên Quỳnh bật hỏi bà hàng xóm rằng: Này mẹ con nhà bác lâu nay vẫn còn chở thúng đấy chứ?
– Thưa ông Trạng, không chở thì lấy gì mà ăn? Có điều khách ít lắm, ngày chỉ được một, hai chuyến góp vào tiền kéo te bán tép, may ra mới đủ đong gạo ăn hằng ngày.
Nghe bà hàng xóm nói xong, Quỳnh ngẫm nghĩ một lúc rồi nói: Thôi được, bác cứ về bỏ trầu xin cưới cho cháu đi. Tôi bấm độn đoán biết thế nào quãng đầu tháng sau mẹ con bác cũng kiếm được khoản tiền kha khá! Nghe vậy, bà hàng xóm buồn bã nghĩ ông Trạng nói cho vui câu chuyện.
Ngày ấy, ở giữa cánh đồng nước sâu quê ông Trạng có một cồn đất cao. Mấy hôm nay người ta thấy trên cồn đất hiện lên một cái chòi lợp lá gồi hình tứ giác, nóc phất phới ngọn cờ xanh đuôi nheo. Chẳng rõ nguyên cớ từ đâu, người ta kháo nhau: Trạng Quỳnh ở kinh về thăm quê dựng lều thơ trên gò giữa đồng nước để xướng họa liền trong 3 ngày. Người nọ truyền người kia, những kẻ khá giả trong làng, trong xã rủ nhau đi xem.
Những người đến đầu tiên thất vọng ngay. Họ ghé mắt vào trong chẳng thấy lầu thơ đâu cả, chỉ thấy một đống lù lù hình người trùm chăn kín mít. Phía vách bên trên dán tờ giấy điều có chữ: “Trạng đang lột… cha đứa nào nói với đứa nào!”.
Tự nhiên tốn tiền đò, mất công toi, bao nhiêu người bực mình ngán ngẩm. Hết toán người này về, vừa đặt chân lên cũng ngại câu chửi, chẳng ai buồn nói với ai, thì lại đã thấy toán khác, rồi toán khác nữa, lũ lượt kéo tới mò ra. Người đi hỏi: Ở ngoài ấy có gì hay không?
Người về đáp: Trạng lột… cha đứa nào nói với đứa nào!
Kỳ lạ thật! Trạng lột, nhưng lại cấm không ai được nói với ai. Thế thì chắc phải có cái gì bí mật, lạ lùng lắm! Thế là một đồn mười, mười đồn trăm… Buổi đầu, đồn xướng họa thơ, chỉ thu hút đám người hâm mộ chữ nghĩa. Nhưng buổi sau thêm tiếng đồn Trạng lột… thôi thì bất kể trẻ, già, trai, gái ai cũng muốn tận mắt được xem. Thế là mẹ con người hàng xóm đông khách quá. Mẹ một thuyền, con một thuyền chở khách suốt ngày đêm và thu tiền đò đếm mỏi tay, đếm không xuể…
Mấy hôm sau, Quỳnh đến bảo với người mẹ. Bây giờ chắc bác thừa tiền cưới dâu rồi. Hãy bảo con trai bác đi dỡ cái “lều thơ” mang lá gồi và tre nứa về, nối thêm bếp mà làm cỗ.
Bấy giờ hai mẹ con và dân làng mới rõ mẹo của ông Trạng cứu người nghèo. Để tỏ lòng kính trọng, người ta gọi luôn cái cồn kia là cồn Trạng lột. Hiện nay vẫn còn di tích ở giữa cánh đồng sâu xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa.
Lời bàn:
Truyện Trạng Quỳnh được dân gian lưu truyền bằng nhiều cách khác nhau, như kể lại chuyện bằng miệng, viết bằng chữ, hoặc kể bằng những câu chuyện được biến tấu cho phù hợp với phong tục, tập quán của địa phương. Và ngày nay, chuyện về Trạng Quỳnh còn được lưu truyền dưới dạng truyện tranh và được rất nhiều độc giả tìm đọc, nhất là các em học sinh. Đọc truyện Trạng Quỳnh không những giúp mang lại tiếng cười hằng ngày cho các em mà còn chỉ cho các em và mọi người biết thế nào là đúng, thế nào là sai trong cách ứng xử với cuộc sống và thiên nhiên; đồng thời từ đó biết hướng tới những cái thiện, tránh xa cái ác. Đặc biệt là việc sống ở trên đời phải biết thương yêu đồng loại, nhất là những người còn khó khăn trong cuộc sống và mẩu chuyện nêu trên là một ví dụ.
Tuy nhiên, không phải chỉ đối với trẻ em, mà ngay cả với người lớn, khi đọc truyện Trạng Quỳnh cũng đều sẽ có một cái nhìn, một cách suy nghĩ riêng biệt được thể hiện qua câu chuyện mà từ đó rút ra cho mình một bài học quý báu. Bởi đó là trí tuệ của nhân dân được đúc kết qua thực tiễn cuộc sống và truyền lại cho hậu thế để mong người đời sau sẽ sống tốt hơn, đẹp hơn và nếu ai không hiểu điều ấy thì đọc hay nghe chuyện về Trạng Quỳnh chỉ là việc vô bổ.
Theo Tapchivanhoc.com