Chuyện của ngày xưa

Theo sách “Lịch triều hiến chương loại chí”, Nguyễn Bá Lân, sinh ngày 27 tháng giêng năm 1700, tại làng Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Nội. Thân phụ ông là cụ Nguyễn Công Hoàn, một văn tài kiệt xuất, một tài tử nổi tiếng. Người đương thời coi cụ là một trong bốn con hổ đất kinh kỳ, ai ai cũng kính phục. Nhưng đường hoạn lộ của cụ Hoàn rất long đong. Cụ đi thi lần nào cũng trượt, nên đành theo nghề dạy học ở khắp nơi.

Mãi đến năm Nguyễn Bá Lân 15 tuổi thì Nguyễn Công Hoàn mới về nhà và chuyên tâm dạy con đèn sách. Năm đó cụ đã 45 tuổi. Nguyễn Bá Lân tự thuật lại rằng, cha ông chỉ dạy ông bằng “Một cuốn Xuân Thu” trong bộ Ngũ Kinh gồm: Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Dịch, Kinh Lễ và Kinh Xuân Thu. Và học thêm 20 thiên sách lễ ký, dày không quá một trăm trang nữa thôi.

Nguyễn Bá Lân thông minh, dĩnh ngộ, học đâu nhớ đó lại ham đọc sách, do vậy sự học của ông càng mau tiến tới. Khoa thi Đình năm Tân Hợi, niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 3 (1731) Nguyễn Bá Lân đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Theo như sử sách còn lưu truyền đến ngày nay thì ở nước Đại Việt ta chỉ duy nhất có Nguyễn Bá Lân là người đã từng làm thượng thư ở 6 bộ. Bởi bộ nào yếu kém nhà vua lại cử ông sang vực bộ đó lên. Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú đã hết lời ca ngợi cốt cách thanh cao, phẩm chất trong sạch, liêm khiết của ông.

Xem thêm:  Phân tích ý nghĩa nhan đề Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ

Cho đến ngày nay, ở làng Cổ Đô quê ông vẫn còn lưu truyền nhiều giai thoại về ông. Dưới đây xin được dẫn lại một chuyện ông được nhà vua cử đi làm Chánh chủ khảo một kỳ thi Đình. Kỳ thi đó, thân phụ ông là cụ Nguyễn Công Hoàn cũng lều chõng đến trường thi. Kỳ thi ấy rất nghiêm ngặt, bài được rọc phách rồi mới chấm. Các quan giám khảo đều nhất trí chọn xếp một bài loại một. Tức là đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (Trạng Nguyên). Chấm bài xong các quan chủ khảo niêm phong bài, trình quan Chánh chủ khảo duyệt lần cuối cùng.

Đọc xong bài thi xếp loại một, Nguyễn Bá Lân biết ngay bài đó là của thầy dạy, của cha mình. Đó là một áng văn hay, có khí phách, niêm luật chặt chẽ, tuy hơi ngông một chút và có một chữ chiết tự ra thì phạm húy. Ông thao thức trăn trở mãi. Rốt cuộc, ông quyết định đánh trượt. Bài vở ông duyệt xong, được trình lên nhà vua. Trong lúc chờ vua duyệt lần cuối, ông được tranh thủ về thăm nhà. Thân phụ ông, cụ Nguyễn Công Hoàn đã làm một bữa tiệc nhỏ để đãi con, đãi quan Chánh chủ khảo. Hai cha con vừa uống rượu vừa thưởng trăng. Trong lúc vui chuyện, cha ông gợi ý khéo: Anh chấm thi kỳ này có chọn được bài nào hay không.

Thưa cha có một bài rất hay. Niêm luật chặt chẽ, văn chương bay bổng, có cốt cách lắm. Nhưng buộc lòng con phải đánh trượt rồi.

Linh cảm bài thi đó là của mình, cụ Nguyễn Công Hoàn, xô hẳn người về phía con: Anh nói thế nào. Anh khen hay sao còn đánh trượt?

– Thưa cha, tuy khẩu khí có hơi ngông. Nhưng ngông vẫn còn có thể chấp nhận được.

Cụ Nguyễn Công Hoàn tỏ ra rất sốt ruột, hỏi dồn: Còn tại sao? Tại sao nữa?

– Thưa cha bài đó chiết tự ra thì có một chữ phạm húy.

– Thế anh có còn nhớ bài thi đó không?

– Thưa cha, văn hay, đọc một lần là con nhập tâm ngay.

– Anh đọc cho tôi nghe xem nào!

Nguyễn Bá Lân thong thả đọc từng câu từng chữ theo âm điệu để cha nghe. Đọc xong, thân phụ ông giơ thẳng tay tát ông một cái, mạnh tới mức ông bị đổ cả máu mũi ra. Cụ Nguyễn Công Hoàn chỉ mặt ông quát: Anh là đồ bất nghĩa, bất hiếu. Bài của bố anh, thầy dạy anh mà anh còn đánh trượt. Nhưng chỉ một lúc sau, cụ Nguyễn Công Hoàn đã nói: Bố đánh oan anh. Anh đúng. Bố sai rồi.

Chuyện ấy đến tai nhà vua và nhà vua vô cùng cảm kích nói với quần thần: Nếu các quan Canh chủ khảo đều được như Nguyễn Bá Lân thì nước Đại Việt ta lo gì không kén được hiền tài.

Lời bàn:

Với nội dung của giai thoại trên đây thì quả thật là chuyện chỉ có ở ngày xưa. Và với gia đình cụ Nguyễn Bá Lân đúng là đại phúc. Vì con hơn cha là nhà có phúc, nhưng ở đây cha làm thầy, con làm trò và người học trò này chẳng những học hết chữ của thầy mà còn giỏi hơn thầy. Bằng chứng là vừa là cha vừa là thầy nhưng khi đi thi thì thầy bị trượt nhưng con lại đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Không những thế, lần sau thầy đi thi mà con lại là Chánh chủ khảo trường thi và đại phúc cho gia đình, gia tộc Nguyễn Bá, đồng thời cũng là đại phúc cho giang sơn xã tắc là ở chỗ tuy biết rõ rằng bài thi của cha, của thầy dạy mình, nhưng vì phạm húy nên con và cũng là học trò vẫn kiên quyết chấm trượt.

Xem thêm:  Hãy phát biểu cảm nghĩ của em về truyện Cô bé bán diêm của An- đéc-xen nói chung và phần kết của truyện nói riêng

Ước gì các giám thị, giám khảo, thầy giáo các bậc học thời nay có được một phần nhân cách và đạo đức nghề nghiệp dù là rất nhỏ của cụ Thượng thư lục bộ Nguyễn Bá Lân thì thật hạnh phúc cho dân, cho nước biết chừng nào! Và trong thời buổi mà cả nước đang thực hiện việc nói không với tiêu cực trong thi cử thì bài học trên đây về cụ Nguyễn Bá Lân vẫn còn nóng bỏng tính thời sự.

Theo Tapchivanhoc.com

Check Also

5247396 image 310x165 - Tổ quốc trên hết

Tổ quốc trên hết

Theo sách “Danh nhân đất Quảng”, năm 1916, bà Hoàng Thị Tòng từ Hàng Châu …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *