Âm mưu bất thành

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, vua Lý Anh Tông có người con trưởng là hoàng tử Lý Long Xưởng, nhưng do ăn chơi phóng dật lại vô đạo, bị tố cáo dám quyến rũ cung phi của vua cha, nên năm 1174 bị vua truất ngôi vị thái tử, giáng xuống làm Bảo Quốc Vương. Ngôi vị này cùng với ngôi báu tương lai được trao cho hoàng tử Lý Long Trát, lúc đó mới hơn 1 tuổi. Đến khi Lý Anh Tông ốm nặng, mẹ đẻ của Bảo Quốc Vương Long Xưởng cố tìm cách thuyết phục Anh Tông trao lại chức thái tử cho con bà. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép rằng: Trước đó, khi vua ốm nặng, hoàng hậu Chiêu Linh lại xin lập Long Xưởng. Vua nói: Làm con bất hiếu thì trị dân làm sao được?

Rồi vua lập di chiếu cho Tô Hiến Thành giúp đỡ thái tử, công việc quốc gia đều phải theo phép cũ mà làm. Khi vua Lý Anh Tông băng hà năm 1175, thái tử Long Trát được tôn lên nối ngôi, tức vua Lý Cao Tông. Chiêu Linh thái hậu vẫn không từ bỏ ý định bèn đem vàng bạc tới tặng cho vợ của Tô Hiến Thành là bà Lữ Thị. Tô Hiến Thành biết được chuyện, mắng vợ rằng: Ta là đại thần nhận mệnh của tiên đế lo giúp đỡ hoàng thượng còn nhỏ tuổi, nay lại ăn của đút mà làm chuyện phế lập, thì còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở suối vàng?

Thái hậu hay tin bèn gọi Hiến Thành đến dỗ dành trăm cách, nhưng Hiến Thành vẫn một mực nói rằng: Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ đâu có chịu làm, huống chi lời của tiên đế còn ở bên tai, điện hạ lại không nghe việc Y Doãn, Hoắc Quang hay sao? Thần không dám vâng lệnh. Tuy nhiên Chiêu Linh thái hậu quyết không từ bỏ ý đồ của mình. Đến năm 1178, hết quốc tang vua Anh Tông, thái hậu ban yến cho các quan ở cung điện riêng rồi nhân đó bảo rằng: Hiện nay tiên đế đã chầu trời, vua nối còn thơ ấu, nước Chiêm Thành thất lễ, người phương Bắc thì cướp phá biên cương. Các khanh chịu ơn nặng của triều đình thì hãy nên lo việc của nước nhà. Kế sách ngày nay không gì hay bằng lập lại thái tử để vận nước được lâu, lòng dân cũng được yên.

Xem thêm:  Tục ngữ – trí tuệ dân gian, những kinh nghiệm quý báu – Bình giảng văn 7

Các quan đều chắp tay, cúi đầu nói: Thái phó Tô Hiến Thành nhận mệnh lệnh rõ ràng của thiên tử. Bệ hạ cũng đã nhiều lần dỗ bảo rồi. Bọn thần không dám trái lệnh. Nói xong đều lạy tạ mà lui ra. Tô Hiến Thành khi đó trực tiếp chỉ huy cấm binh, nghiêm hiệu lệnh, thưởng phạt công bằng, người trong nước đều quy phục, khiến thái hậu không dám manh động.

Lần cuối, Chiêu Linh thái hậu cho mời Tô Hiến Thành đến và dụ dỗ: Ông đối với nước có thể gọi là trung đấy. Song, tuổi ông cũng đã về chiều, vua ông đang thờ thì tuổi còn nhỏ, những việc ông làm rồi ai sẽ biết cho? Chi bằng lập trưởng quân thì người đó sẽ mang ơn ông mà cho ông được giàu sang lâu dài, thế có phải là hay hơn không. Tô Hiến Thành khẳng khái đáp: Bất nghĩa mà được giàu sang, đó không phải là việc mà bậc trung thần nghĩa sĩ chịu làm. Huống chi, di chúc tiên vương còn văng vẳng bên tai, công luận sẽ nói như thế nào? Thần không dám phụng chiếu. Rồi ông đi ngay ra khỏi cung thái hậu. Thái hậu muốn nhanh tay xoay chuyển thế cục, sai người đi mời Bảo Quốc Vương Long Xưởng đến gấp. Bảo Quốc Vương nửa mừng nửa sợ, lấy thuyền nhỏ mà theo sông Tô Lịch vào kinh.

Tuy nhiên Hiến Thành đã có sự chuẩn bị, ông mời các quan chức tả hữu đến, dụ bảo rằng: Tiên vương thấy ta và các ngươi hết sức phò vua, không ở hai lòng nên mới phó thác ấu chúa cho chúng ta. Nay Bảo Quốc Vương nghe lời thái hậu, muốn phế bỏ chúa thượng để tự lập làm vua. Các ngươi phải hết lòng cố gắng, nghe mệnh ta truyền bảo, ai vâng mệnh ta, ta thưởng cho suốt đời, ai trái lệnh ta sẽ giết. Các ngươi nên gắng sức!

Xem thêm:  Thái hậu nhân từ

Các quan ai nấy đều nghe mệnh. Khi Bảo Quốc Vương đến cửa Ngân Hà, tuy thái hậu cho mời gấp, nhưng các quan giữ cửa ngăn lại, nói rằng: Chúng tôi chưa được nghe chiếu chỉ nên không dám phụng mệnh. Nếu vương cứ cố mà vào thì kẻ phạm đến vương không phải là chúng tôi mà là quân lính đấy. Bảo Quốc Vương nghe nói thế, vừa sợ vừa thẹn mà bỏ đi. Uy của Tô Hiến Thành lớn đến mức, năm 1179, ông qua đời, mà Chiêu Linh thái hậu cũng không dám mua chuộc các quan và cũng không dám mưu khác nữa.

Lời bàn:

Người đời sau so sánh Tô Hiến Thành với Gia Cát Lượng (180-234) thời Tam Quốc ở Trung Quốc. Đánh giá về Tô Hiến Thành, nhà sử học Ngô Sỹ Liên đã ghi trong “Đại Việt sử ký toàn thư” như sau: Tô Hiến Thành nhận việc ký thác con côi, hết lòng trung thành, khéo léo xử lý khi có biến cố, tuy bị gió lay sóng giập mà vẫn đứng vững như đá giữa dòng, khiến trên yêu, dưới thuận, không thẹn với phong độ của đại thần ngày xưa. Huống chi đến lúc sắp chết còn vì nước tiến cử người hiền, không hề vì ơn riêng, thái hậu không dùng lời nói này của Tô Hiến Thành là việc không may cho nhà Lý vậy.

Công lao của Tô Hiến Thành không chỉ ở việc đánh dẹp phản giặc, đem lại bình yên cho đất nước, mà còn ở chỗ giỏi chính sự, trọng hiền tài. Sự cải cách về thi cử của ông đã tạo đà cho nhiều người lập thân, khi làm quan xử đúng tinh thần Nho giáo. Vì thế, không chỉ có người đương thời, mà cả hậu thế hôm nay cũng như mãi mãi về sau đều thầm phục tấm lòng cương trực của ông, không mảy may có một chút vị tình mà quên việc nghĩa lớn.

Xem thêm:  Cõng rắn về nhà

N.D

Check Also

7293 1494911290065 1020 310x165 - Tổ quốc trên hết

Tổ quốc trên hết

Theo sách “Danh nhân đất Quảng”, năm 1916, bà Hoàng Thị Tòng từ Hàng Châu …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *