[Văn mẫu tuyển chọn] Phân tích bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh

[Văn mẫu tuyển chọn] Phân tích bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài:

– Dẫn dắt giới thiệu tác giả, tác phẩm

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh tộc không bao giờ tự nhận mình là một nhà thơ hay một nhà văn mà chỉ là người bạn của văn chương, một người yêu văn nghệ.

+ Tiêu biểu cho phong cách thơ trữ tình của Người là bài thơ “Chiều tối”

– Nêu nội dung chính bài thơ: tâm hồn yêu thiên nhiên và tinh thần thép của người tù Hồ Chí Minh

– Nêu cảm nhận chung

2. Thân bài:

*Hoàn cảnh ra đời tác phẩm:

– “Chiều tối” là bài thơ thứ 31 trong tập thơ “Nhật kí trong tù” được gợi cảm hứng từ một cuộc chuyển lao từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo vào một buổi chiều tối cuối thu năm 1942.

*Phân tích:

– 2 câu thơ đầu: Bức tranh thiên nhiên cảnh vật chiều tối

+ Hình ảnh:

~ Chim bay về rừng: chim không chỉ bay mà còn “mỏi”=>gợi thời gian chiều tối

~ Mây trôi lững lờ trên bầu trời: “Trôi nhẹ” và “chòm mây” trong phần dịch thơ tuy giữ được sự thư  thái của đám mây song nó lại làm mất đi lớp nghĩa cô đơn, lẻ loi của từ “cô vân” trong bản nguyên tác

=>hé mở về cả cuộc đời hoạt động Cách mạng của Bác. Cuộc hành trình bị áp giải còn biết bao nhiêu là điểm đến, từ nhà tù này đến nhà tù kia và những điều trước mắt còn gian nan hơn nhiều, chưa biết rằng tương lai mình sẽ đi đâu về đâu, tương lai của dân tộc sẽ như thế nào.

=> gợi không gian bao la, rộng lớn

+ Đặc sắc trong nghệ thuật tả cảnh: Thiên nhiên mang sắc thái giống con người

~ Cánh chim mệt mỏi sau một ngày mưu sinh đang vội vã bay về rừng tìm nơi trú ngụ cũng như người tù cũng đã mệt nhoài sau những chặng đường dài lê bước

~ Đám mây trở nên cô độc giữa bầu trời giống như người tù đang bơ vơ nơi xứ người

– 2 câu thơ sau: Bức tranh cuộc sống sinh hoạt của con người

+ Hình ảnh:

~ Cô gái xóm núi: đang trong công việc xay ngô, người thiếu nữ miền sơn cước hiện lên mang một sức sống phi thường, hăng say, trẻ trung. Con người không chịu sự chi phối của cảnh vật, xuất hiện giữa nơi núi rừng mênh mông, bạt ngàn nhưng không bị hòa lẫn với thiên nhiên mà chính bản thân cô gái trẻ trung này lại trở thành tâm điểm của cảnh vật

~ Lò than: rực đỏ => hơi ấm của sự sống

=> Hình ảnh người lao động trên đất Quảng Tây hiện lên khỏe khoắn, chăm chỉ, hăng say

+ Chữ “hồng” trong thi phẩm: Ánh hồng nơi bếp lửa, trái tim ấm nồng, tinh thần hăng say của người thiếu nữ hay cũng là sự lạc quan, yêu đời của chính tác giả. Sự hiện diện của chữ “hồng” được xem như là nhãn tự của bài thơ, như thổi vào hồn thơ một làn gió mới, một tinh thần mới, một nét đẹp mới => bóng tối đang dần buông xuống

+ Nghệ thuật:

~ Điệp ngữ vòng “bao túc”: tạo ra sự nối âm cùng âm hưởng của sự nhịp nhàng, liên hoàn những vòng quay của cối xay ngô. Vòng quay ấy lại có giá trị mở ra sự kiên trì, bền bỉ, công việc tuy vất vả, nặng nhọc là thế nhưng con người vẫn rất cần mẫn, hăng say

Xem thêm:  Phân tích bài thơ Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến của học sinh giỏi

~ Không dùng chữ  tối nhưng vẫn tả được cảnh trời tối

* Khái quát nghệ thuật:

* Liên hệ mở rộng (có thể đan xen vào bài viết)

3. Kết bài:

– Khái quát lại nội dung tác phẩm

– Phát biểu cảm xúc cá nhân

van mau tuyen chon phan tich bai tho chieu toi cua ho chi minh - [Văn mẫu tuyển chọn] Phân tích bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh

Phân tích bài thơ Chiều tối

Bài làm tham khảo

Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh – vị cha già kính yêu của dân tộc không bao giờ tự nhận mình là một nhà thơ hay một nhà văn mà chỉ là người bạn của văn chương, một người yêu văn nghệ. Nhưng trên thực tế, song hành cùng sự nghiệp Cách mạng lớn lao Người đã để lại cho đời không ít các tác phẩm văn chương có giá trị nghệ thuật uyên bác, cao siêu. Tiêu biểu cho phong cách thơ trữ tình của Người là bài thơ “Chiều tối” được viết theo tuyệt cú cổ điển, có tính hàm súc cao. Bài thơ đã làm bật lên tâm hồn yêu thiên nhiên và tinh thần thép của người tù Hồ Chí Minh:

“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

Cô vân mạn mạn độ thiên không

Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng”

“Chiều tối” là bài thơ thứ 31 trong tập thơ “Nhật kí trong tù” được gợi cảm hứng từ một cuộc chuyển lao từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo vào một buổi chiều tối cuối thu năm 1942. Với hai bút pháp tình và thép là chủ đạo cùng cảm nhận tinh tế của một thi nhân bậc thầy bài thơ hiện lên vừa mang nét cổ điển lại vừa thấm đẫm tinh thần hiện đại. Như Hoàng Trung Thông từng bày tỏ:

“Tôi đọc trăm bài trăm ý đẹp

Ánh đèn tỏa rạng mái đầu xanh

Vần thơ của Bác vần thơ thép

Mà vẫn mênh mông bát ngát tình”

Đó là một nhận xét đúng bởi ngoài cái cứng cỏi cần có để chống lại cái ác trong nhà tù Tưởng Giới Thạch thì thơ Bác mà tiêu biểu là “Chiều tối” vẫn “Mênh mông bát ngát tình”.

Ngòi bút của người nghệ sĩ đang hướng tới thiên nhiên lúc chiều tối với những cảm nhận sâu sắc:

Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

Cô vân mạn mạn độ thiên không”

được dịch là:

“Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không”

Sau những chặng đường chuyển lao đầy vất vả, gian truân, dường như con người ta sẽ rơi vào trạng thái mệt mỏi, chán chường nhưng với người tù Hồ Chí Minh lại hoàn toàn khác. Những cảm hứng thơ ca lại cứ thế mà tuôn trào rất đỗi tự nhiên. Có vẻ như khi vừa mới dừng chân, quên đi sự mệt mỏi Người liền ngước mắt quan sát cảnh vật xung quanh và bất chợt thi nhân bắt gặp khoảng trời rộng mở nơi có những áng mây lững lờ trôi, nơi có những cánh chim mỏi đang vội vã bay về tổ.

Trong thơ của Hồ Chí Minh, cánh chim không chỉ bay mà còn “mỏi”. Sự cảm nhận không chỉ đến từ trạng thái vận động bên ngoài mà nó còn thấm thía cái chất từ bên trong. Phải là một người có tâm hồn nhạy cảm thì nhà thơ mới có thể cảm nhận một cách tinh tế đến như vậy. Sự hiện diện của cánh chim cũng là một lựa chọn khéo léo của tác giả khi gián tiếp gợi mở không gian rộng lớn, trải dài hiu quạnh, vắng vẻ khi ngày tàn. Có thể thấy giữa cánh chim và người tù là một màu sắc tương đồng. Nếu như cánh chim mệt mỏi sau một ngày mưu sinh đang vội vã bay về rừng tìm nơi trú ngụ thì người tù cũng đã mệt nhoài sau những chặng đường dài lê bước muốn tìm chốn dừng chân, muốn được nghỉ ngơi nhưng vẫn phải cố sức đi tiếp. Từ sâu trong ý thơ, ta thấy được sự hòa hợp giữa thiên nhiên và tâm hồn con người. Dù đã mệt mỏi nhưng người tù vẫn trải rộng lòng mình để cảm nhận thật thấu đáo những sự vật xung quanh mà cội nguồn của cảm nhận ấy chính là tình yêu thương mênh mông của Bác dành cho mọi sự sống ở trên đời.

Xem thêm:  Chuyện về chúa Trịnh Tùng

Đối lập với cái vội vã của đàn chim là dáng vẻ thanh thản của những đám mây. “Trôi nhẹ” và “chòm mây” trong phần dịch thơ tuy giữ được sự thư thái của đám mây song nó lại làm mất đi lớp nghĩa cô đơn, lẻ loi của từ “cô vân” trong bản nguyên tác – nét riêng trong thơ của Hồ Chí Minh bởi lẽ thi nhân xưa chỉ nhắc đến mây để khơi gợi sự vĩnh hằng hay khắc khoải:
“Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi

Dặm liễu sương sa khách bước dồn”

(Huyện Thanh Quan)

Giữa khoảng trời bao la, chòm mây như có hồn, như mang tâm trạng cô đơn của người tù nơi xứ người. Hướng vào thiên nhiên, Bác đã thực sự thả hồn vào cảnh vật, thần thái của hai câu thơ mở đầu nằm trọn trong hai chữ “mạn mạn”, vừa mang cái quen thuộc của thơ Đường lại vừa bộc lộ cái ung dung trong cảm xúc của con người. Từ đó hé mở về cả cuộc đời hoạt động Cách mạng của Bác. Cuộc hành trình bị áp giải còn biết bao nhiêu là điểm đến, từ nhà tù này đến nhà tù kia và những điều trước mắt còn gian nan hơn nhiều, chưa biết rằng tương lai mình sẽ đi đâu về đâu, tương lai của dân tộc sẽ như thế nào.

Dù trong hoàn cảnh nào thì người tù Hồ Chí Minh vẫn luôn hướng tâm hồn mình về với thiên nhiên, theo dõi mọi biểu hiện của tạo vật. Đằng sau ấy là cái nhìn cháy bỏng và nỗi niềm khắc khoải muốn được sum họp, muốn được tự do. Mệt mỏi, đau đớn và chán chường là vậy nhưng hình ảnh thơ của Người không có hình ảnh tù đày khổ sai mà chỉ thấy ở đó là phong thái của một tao nhân mặc khách, ung dung thưởng ngoạn cảnh vật chiều hôm. Và từ nơi chỉ có bóng tối, từ nơi mà chỉ nhắc đến người ta đã nghĩ đến gian khổ thi nhân đã hướng đến ánh sáng, hướng đến niềm vui của cuộc đời này:

“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng”

được dịch là:

“Cô em xóm núi xay ngô tối

Xay hết lò than đã rực hồng”

Nếu như trong thơ của bà Huyện Thanh Quan hình ảnh con người xuất hiện trong sự nhỏ bé, mờ nhạt “tiều vài chú”, “chợ mấy nhà” thì hình ảnh con người mà cụ thể là người lao động trong thơ của Hồ Chí Minh lại hiện lên trong sự năng động, tươi trẻ. Bức tranh: người thiếu nữ miền sơn cước hiện lên mang một sức sống phi thường, hăng say, trẻ trung. Con người không chịu sự chi phối của cảnh vật, xuất hiện giữa nơi núi rừng mênh mông, bạt ngàn nhưng không bị hòa lẫn với thiên nhiên mà chính bản thân cô gái trẻ trung này lại trở thành tâm điểm của cảnh vật. Với điệp ngữ bắc cầu, từ “ma bao túc” được lặp lại đến hai lần tạo ra sự nối âm cùng âm hưởng của sự nhịp nhàng, liên hoàn những vòng quay của cối xay ngô. Vòng quay ấy lại có giá trị mở ra sự kiên trì, bền bỉ, công việc tuy vất vả, nặng nhọc là thế nhưng con người vẫn rất cần mẫn, hăng say. Mặt khác, những vòng quay đều đặn ấy cũng là vòng quay của thời gian:

Xem thêm:  Những stt cuộc sống bon chen, áp lực muốn buông xuôi tất cả

“Xay hết lò than đã rực hồng”

Ngọn lửa từ lò than phần nào hé mở thêm về sự miệt mài trong công việc của cô gái miền sơn cước. Không gì khác, chính lòng hăng say ấy đã làm bừng sáng cả khung cảnh, sưởi ấm không gian núi rừng âm u, hiu hắt. Hồ Chí Minh đang trong trạng thái tù đày nhưng khi bắt gặp sức sống mãnh liệt ấy người tù đã nhanh chóng quên đi tất cả và cũng chính trong hoàn cảnh ấy, con người đã tìm thấy hơi ấm của sự sống. Và khi tìm thấy được niềm vui, niềm hạnh phúc từ những hình ảnh vốn rất bình dị của đời sống thường này đã giúp mở ra cánh cửa trái tim của sự yêu thương gao la vô bờ bến mà Người dành hết thảy cho những người lao động nghèo khổ. Cũng từ tình cảm hướng về những con người, cuộc sống ấy mà thi nhân đã để lại chữ “hồng” ở cuối thi phẩm. Ánh hồng nơi bếp lửa, trái tim ấm nồng, tinh thần hăng say của người thiếu nữ hay cũng là sự lạc quan, yêu đời của chính tác giả. Sự hiện diện của chữ “hồng” được xem như là nhãn tự của bài thơ, như thổi vào hồn thơ một làn gió mới, một tinh thần mới, một nét đẹp mới. Từ đây, người đọc hình dung ra được bóng tối đang dần buông xuống, chiếm lĩnh không gian bởi khi trời càng tối ta càng thấy rõ hơn sắc hồng kia. Mặt khác, sắc hồng trong thi phẩm còn như một ngọn lửa sáng bừng lên xóa tan màn đêm tăm tối khi ngày tàn, đập tan sự mệt mỏi, uể oải, nó làm hiện rõ gương mặt cô gái kia. Sắc hồng còn hướng ta về với không khí gia đình ấm tình thương yêu.

“Chiều tối” dần khép lại nhưng cái dư vị của nó còn mãi đọng lại trong lòng bạn đọc theo năm tháng. Dư vị về hình ảnh những con người lao động cần cù, một chút dư vị về thiên nhiên núi rừng hoang sơ, dư vị về một tâm hồn yêu thiên nhiên mãnh liệt…Từ đó càng cho ta thấu hiểu hơn về con người Hồ Chí Minh, về tinh thần thép của Người.

Lê Thị Thư

Check Also

7232 1494911290060 1017 310x165 - Soạn bài Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận đầy đủ hay nhất lớp 11

Soạn bài Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận đầy đủ hay nhất lớp 11

Chúng ta đã học gần như đầy đủ tất cả các kiến thức về các …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *